Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (14)


(Sân bay Technique Quản Lợi )
Âm thanh của máy phát điện nổ vang như đánh thức cả khu rừng vừa chập choạng tối. Khu vực sân khấu được soi sáng bằng những bóng đèn điện từ máy phát điện, khi vào vị trí ban nhạc tôi hỏi vị sĩ quan : Chúng tôi mở âm thanh công suất lớn có gì nguy hiểm không ? Vị sĩ quan nói : Tọa độ này đối phương chưa biết nên không sợ pháo kích, vả lại cũng nên cho đối phương cùng thưởng thức vì họ cũng thiếu món ăn tinh thần này như tụi tôi. Nói thế thôi ! Chứ đoàn chúng tôi đã quen những nhiệm vụ như thế này, chả việc gì phải sợ, lại đã có nhóm dạ thanh đánh lạc hướng giúp cho chúng tôi làm nhiệm vụ ở đây. Bây giờ có rất nhiều khán giả là quân nhân của các đơn vị trong tiểu đoàn sẽ luân phiên làm nhiệm vụ và thưởng thức văn nghệ. Sau vài lời mở đầu của sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, chương trình đêm văn nghệ được liên tục. Các tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, ảo thuật, hài kịch, vũ được chúng tôi chuẩn bị kỹ nên không có trục trặc xảy ra, xen kẽ là những tiết mục “ lính hát - lính nghe “ của các ca sĩ nhà đã đưa bầu không khí thêm phần náo nhiệt, xua tan màn đêm u tịch của một tiền đồn đối mặt tại vùng cao nguyên đất đỏ.
Độc đáo là những người lính ở tiền đồn này đã sử dụng những nhạc cụ mà họ tự chế tạo như : Đàn guitare thùng có gắn thêm ca uống nước nhà binh bằng inox để khuếch đại tiếng đàn, thùng đàn bass được làm bằng chiếc can plasstic 20 lít dùng đựng nước, cần đàn là một cây đòn gánh bằng tre, dây đàn là một đoạn dây điện thoại, bộ trống thì được góp nhặt từ đủ loại nồi niêu, xoong chảo, cà men quân đội tạo lên được những âm thanh đầy khí thế hòa âm, đệm nhạc cho ca sĩ “ gà nhà “ và cả ca sĩ của đoàn chúng tôi, có nhìn thấy tận mắt những nghệ sĩ, nhạc công, nhạc cụ của những người lính ở đây thì tôi mới hiểu âm nhạc có tầm quan trọng như thế nào !
Trời về đêm lạnh dưới ánh sáng đèn điện cộng ánh sáng của những đống lửa và những ánh mắt ngời sáng đầy niềm tin của những khán giả đã giúp chúng tôi hăng say trình diễn . Bây giờ đối phương có bắn đại bác 130 ly hay lớn hơn nữa vào chỗ này cũng chẳng ngăn cản được chúng tôi, một khi mà tiếng đàn, tiếng ca đã cất lên dù có ngồi trước quả mìn định hướng chuẩn bị nổ chúng tôi cũng coi như không. Vì những người lính ở tiền đồn này cần sự có mặt của chúng tôi, ngược lại chúng tôi cũng cần có những người lính, chúng tôi là như thế. Không biết các anh chị ca sĩ “ sân khấu phòng trà, ca sĩ thủ đô” có hiểu cho những ca sĩ “nhà nước” chúng tôi hay không ?
Đến hơn 10 giờ thì chương trình sinh hoạt văn nghệ kết thúc, những khán giả lính đã tặng cho anh chị em trong đoàn chúng tôi những chiếc vòng kỷ niệm làm bằng nòng súng M72 mà các Anh đã kỳ công cưa, dũa, khéo léo trạm khắc lên những họa tiết, giòng chữ thật tinh xảo, lúc chia tay các Anh còn dặn chúng tôi là : Đừng bao giờ hát cho chúng tôi nghe bài Tưởng Như Còn Người Yêu , Kỷ Vật Cho Em… mà phải luôn hát bài Việt Nam Việt Nam. Tôi nhìn các Anh ra về mà thấy cay ở khóe mắt….
(còn tiếp)

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (13)


(Rừng cao su quản lợi năm 1970 )
Vì nhà gần nên tôi đi theo con hẻm về Chùa Tịnh Độ, khu vực này và trên đường rầy xe lửa rất yên bình lại còn rất nhiều gia đình ở lại. Những người dân “ tử thủ “ sinh sống bằng nghề trồng rau xanh và chăn nuôi heo, gà vịt…., những luống rau thơm, cải ngọt, xà lách, giàn bầu, bí, mướp xanh tốt đủ cung cấp cho thị xã . Đến 3 giờ chiều xếp L vừa bay lên đến chỗ chúng tôi thông báo “Cụ Hoàng “ sẽ lên thăm An Lộc và đoàn chúng tôi trong thời gian tới, anh em trong đoàn cũng nhận được thư, quà của người thân. Chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Được sự ưu ái của Chỉ Huy Mặt Trận chúng tôi được cấp những nhu yếu phẩm cần thiết .
Chiếc xe GMC chở quân nhân BĐQ đến, chúng tôi cho chuyển thiết bị lên xe và bộ phận kỹ thuật được đi theo xe, còn lại tất cả chúng tôi cùng các quân nhân hành quân bằng xe “ căng hải “, cũng như những người lính, chúng tôi cán phục đen, súng carabine, đeo balô quân đội chân mang giầy nhà binh . Đi theo đường rầy xe lửa qua khu vực nhà dân những con chó thấy đoàn chúng tôi đi ngang chạy ra sủa inh ỏi nghe cũng vui vui. Ra đến đường đi về Quản Lợi ngang qua nhà, tôi nhìn vào như thầm báo cho Ba Má biết là tôi đi, tới cầu sắt (Cầu Trắng hay còn gọi Cầu Quản Lợi chỗ Trường Trung Học Tư Thục Hồng Bàng ) thời Pháp thuộc cầu được đúc bằng bê tông có thành cầu hình vòm trông rất đẹp, nhưng đã bị hủy hoại trong chiến tranh năm Mậu Thân 1968 người ta đã thay vào đó bằng cầu sắt dã chiến, mặt cầu lót bằng vì sắt khua rầm rầm khi chúng tôi đi trên cầu. Bên này cầu là khu vực ấp Phú Hòa hai bên đường còn lưa thưa vài căn nhà không nguyên vẹn, vắng tênh không một bóng người, những cây dừa xanh tốt vươn lên giữa cảnh trống vắng sao thấy lạc lõng vô cùng, ngã 3 gốc điệp cái lô cốt cảnh sát bị vỡ một mảng to nhưng vẫn còn nguyên đứng trước bờ đê chiến lược. Chúng tôi đã ra khỏi nội ô thị xã bắt đầu đi lên con dốc của đoạn đường Bình Long – Quản Lợi, vườn cao su hai bên đường tiêu điều do bị bom, đạn cỏ mọc dầy đặc, trên đường không thấy có một mảnh đạn bom nào vì mỗi buổi sáng và chiều đều có đơn vị công binh mở đường, rà mìn thu lượm sạch . Những hố bom rộng mênh mộng đỏ thẳm nhưng trên mặt đường thì không có hố bom. Lên đến đầu dốc, các cô gái trong đoàn đã thấm mệt chúng tôi ai cũng mồ hôi ướt đẵm, những người lính và đoàn chúng tôi vào vườn cao su nghỉ chân, từ đầu dốc này nhìn về thị xã mới thật sự thấy sự khốc liệt của chiến tranh, môt thành phố đông đúc nhà cửa như thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng trở thành hoang tàn, bình địa chỉ còn lơ thơ vài ngôi nhà kiên cố chịu đựng nổi sự hủy hoại, tàn phá của đạn bom. Nhìn xa xa ngọn núi Bà Đen vươn cao xanh thẳm giữa nền trời trong ánh nắng của chiều tà, ngọn đồi Đồng Long sơ xác trơ lại những khoảng trống cháy đen. Vị Sĩ quan chỉ huy đơn vị thông báo còn một đoạn đường ngắn sẽ tới điểm dừng, cắt đứt giòng thương cảm của tôi đoàn lại lên đường, đi hết quãng đường thẳng cả đoàn rẽ vào một lối mòn bên phải đi vào trong vườn cao su, chừng 30 phút sau chúng tôi có mặt gần tháp nước bằng sắt rất lớn bị bom đổ gục, tôi nhận ra đây là ấp Sóc Gòn nhưng đã bị B52 hủy diệt nên không còn lại một ngôi nhà nào, chỉ toàn là hố bom dày đặc. Chung quanh tháp nước những dây mướp trổ những bông vàng, do bị bom nên hạt bay tung tóe và tự mọc giúp cho đơn vị tiền đồn này có thêm rau trong khẩu phần ăn hằng ngày. Bộ phận kỹ thuật do đến trước đã hoàn tất nhiệm vụ, Sĩ quan chỉ huy Tiểu Đoàn, Sĩ Quan CTCT tiểu đoàn cùng đoàn chúng tôi trao đổi chương trình văn nghệ , đơn vị đã bố trí vị trí sân khấu là bệ chân của tháp nước, nơi đó có sẵn những hầm trú rộng lớn dành cho đoàn làm nơi nghỉ đêm. Những người lính đã chuẩn bị nhiều đống củi sẽ đốt lên thắp sáng cho đêm văn nghệ. Bộ phận dạ thanh làm nhiệm vụ ở một chốt tiền tiêu cách chỗ chúng tôi hơn 1 km, chúng tôi vào công việc vì trời cũng đã bắt đầu tối, chưa thấy vị khán giả nào ! Đúng như một lời trong bài hát Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh : “ Giữa rừng già tôi có thấy gì đâu….”
(còn tiếp)

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (12)


( Dốc Sáu Khế nhìn xuống " Ngã tư chợ chiều " ngã rẽ bên trái lên Trường Quốc Quang )

Đã năm ngày đoàn chúng tôi ở Bình Long, hôm nay những anh chị làm công tác dạ thanh trong đêm được nghỉ xả hơi, còn lại chúng tôi chia 2 đoàn A và B làm nhiệm vụ, tôi phụ trách đoàn A toàn là lớp trẻ, còn đoàn B cao tuổi hơn chúng tôi một chút. Nhiệm vụ của đoàn tôi là kẻ, viết khẩu hiệu, căng biểu ngữ, dán bích chương trên khắp nẽo đường của thị xã, buổi chiều ghi âm tiết mục cho chương trình dạ thanh. Phần đoàn B là đến thăm, mạn đàm cùng các gia đình còn ở lại thị xã, kết hợp cùng đơn vị diện địa chăm sóc lại cây cảnh dọc Đại lộ Hoàng Hôn, thực hiện văn nghệ bỏ túi tại Bệnh Viện lịch đặt ra cho chúng nhưng phải đáp ứng các chương trình văn nghệ, tuyên truyền, dạ thanh khi các đơn vị tiền đồn yêu cầu.
Từ đường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Du rất thuận lợi cho công việc, từ ngã tư Nguễn Trãi – Nguyễn Du ( ngã tư chợ chiều) đến ngã 3 Tang Bồng đầu đường Hùng Vương đến cây xăng mới ngã tư Nguyễn Huệ xuống bến xe Bình Long khó khăn lắm mới tìm được bức tường, cột điện hay bất kỳ điểm nào còn nguyên vẹn có thể thực hiện được khẩu hiệu. Các cô gái trong đoàn bình thường là những “ ca sĩ nhà nước” nhưng cũng leo trèo trông thật ngoạn mục, đơn vị pháo binh của Tiểu Đoàn 52 gắn những ống xạc chứa thuốc súng đại bác thành những cây cột giúp cho chúng tôi có điểm để chăng khẩu hiệu. Chúng tôi có buổi sinh hoạt văn nghệ cùng với đơn vị, những bài hát được các cô gái thể hiện thật hay và xúc động như : Tâm Sự Người Đan Áo, Nó và Tôi, Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Ngõ Hồn Qua Đêm…..và còn nhiều, nhiều nữa những bài hát nói về người lính, có điều là ở chiến trường này đa phần những người lính lại thích hát những “ ca khúc da vàng “ của Trịnh Công Sơn, đây là một nhiệm vụ “ chiến tranh tâm lý “ đặt nặng cho đoàn chúng tôi, làm sao phải để “ Việt Nam Quê Hương Ta Ngạo Nghễ “ có ấn tượng thật sâu vào tâm tư của người lính nơi này, buổi văn nghệ bên bệ pháo kết thúc.
Trước khi chia tay để chuẩn bị cho công việc chiều và tối, đoàn chúng tôi cùng ăn trưa với đơn vị . Tôi tranh thủ chạy về thăm nhà, vì từ đêm nay chúng tôi sẽ liên tục có chương trình văn nghệ dạ thanh nơi tiền đồn của Tiểu đoàn 51 Biệt Động Quân tại khu vực ấp Sóc Gòn nằm ở phía đông thị xã, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân tại khu vực ấp Núi Gió. Những ngày kế tiếp chúng tôi sẽ liên tục cùng với các đơn vị của Sư Đoàn 18 làm nhiệm vụ dạ thanh tại khu vực nghĩa trang đồn điền Quản Lợi, Bệnh Viện Quản Lợi, Hồ nước, Nhà thờ Quản Lợi…. sinh hoạt văn nghệ cùng những người lính của các đơn vị này.
(còn tiếp)

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (11)


(Chùa Tịnh Độ sau 1975)
Vì là chùa chuyên bốc thuốc và chữa bệnh nên có rất nhiều phòng, chúng tôi chia thành nhóm rải khắp các phòng, trừ phần chánh điện nơi có tượng vị Bồ Tát. Chung quanh là những mảnh tường đổ nát do đạn, pháo. Những người lính của Chi Khu An Lộc làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn đốt đống lửa để có ánh sáng thay cho đèn. Trời về đêm lạnh, cộng thêm sự trống vắng, lạnh lẽo của chỗ ở khiến tôi cứ trằn trọc, nhìn lên mái nhà chi chít những lỗ do ngói bị vỡ qua ánh sáng hỏa châu thấy như có hàng vạn vì sao, tiếng côn trùng kêu râm ran nghe mà não lòng. Xa xa có tiếng súng vọng về, tiếng đại bác đì đùng suốt đêm, hỏa châu lập lòe trên trời chung quanh thị xã. Có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa nghe rất gần, trời đã sáng ! Lại một đêm không yên giấc.
Do lúc đến nơi trời đã nhá nhem tối, lại lo ổn định chỗ ở nên tôi không quan sát cảnh vật chung quanh. Bước ra ngoài sân trước chùa, những cây bông đại cổ thụ trổ bông trắng xóa, vườn cây sa pô chê xanh mướt, trĩu quả. Thoảng có mùi thơm của nhang khói, tôi nhìn vào chính điện thấy có một Cụ ông đang đốt nhang nơi thờ Đức Phật, trò truyện cùng cụ mới biết khu vực này còn rất nhiều gia đình còn ở lại. Cụ cho biết trong những ngày chiến sự ác liệt ngôi chùa này là nơi trú ẩn của cả ngàn người khắp nơi và cũng là nơi chăm sóc những người bị thương, rất may là đạn pháo chỉ rớt vào vườn chùa, nếu rớt vào trong chùa thì…..số người bị chết chắc nhiều như ở Nhà Thờ Bình Long, người bị thương sau khi được chăm sóc tạm lành được quân đội chuyển về Bình Dương, Sàigòn, còn những người không may chết đi thì được chôn ngoài đường rầy xe lửa trước cổng chùa cách chừng 50 mét. Tôi đi theo Cụ đốt nhang cho hơn 100 ngôi mộ đất không bia liền nhau Cụ nói còn nhiều mộ lắm, rải rác chung quanh chùa và khu vực, lúc đó ai chết ở đâu thì người sống chôn vùi vội vàng vì còn phải chạy, bây giờ không biết nấm mồ nào là của người thân. Tôi đi lại chỗ nhà ga xe lửa, hai bức tường rất dày của phòng bán vé và đợi tàu còn nguyên, nhưng nóc không còn, búc tường bên ngoài có hàng chữ đắp bằng đá hoa cương tên ga HON QUAN “Hớn Quản” to và đẹp vẫn còn nguyên vẹn.
Trở về chùa tôi nhìn trên phía trước gian chánh điện giòng chữ hán tên chùa được trạm khắc rất đẹp, dưới là giòng chữ “ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam” rất tinh xảo mặc dù bị đạn sứt mẻ, nếu không có cuộc chiến tàn khốc thì đây là ngôi chùa cổ và đẹp nhất Bình Long. Có hai xe thiết giáp của Chi Đội Cơ Giới Bình Long dừng trước cổng chùa, cửa xe mở tôi nhìn thấy bộ phận làm nhiệm vụ “ dạ thanh “ thật hy hữu chỉ ở Bình Long mới có cảnh “ ca sĩ đi bằng xe tăng “ trở về, phụ các anh chị đưa thiết bị xuống xe, nhìn các cô gái mặc cán phục đen đội mũ đen của lính thiết giáp trông thật xinh, chia tay những người lính thiết giáp chúng tôi đi vào để chuẩn bị cho công vụ trong ngày.
(còn tiếp)

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Merry christmas and Happy New Year


Chúc Các Bạn Giáng Sinh an lành - Năm Mới hạnh phúc
( Xin bấm vào giòng line tiêu đề để xem thiệp )

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Đột Nhập Hầm Vàng Lớn Nhất Thế Giới

Xin thành thật cáo lỗi cùng các Bạn, cho phép tôi được tạm ngưng " Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 " một kỳ. Để cùng các Bạn đột nhập kho trữ vàng lơn nhất thế giới kiếm chút vốn đón mừng năm 2011.

Lower Manhattan ( Mã Nhật Tân) nằm ở khu tài chánh New York là một trong những tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc điển hình của thời kỳ phục hưng, với kiểu cách rất hút ngoạn mục nằm xen giữa khu phố Nassau và Hayden vô cùng sôi động.
Nhưng, hình ảnh quốc kỳ Mỹ, những chiếc camera cùng cảnh sát trang bị võ trang ở ngay trước cánh cửa nặng nề như nhắc nhở mọi người rằng đây không phải là một nơi dễ dàng có thể đến thăm. Và đó chính là trụ sở lưu trữ vàng cùa Cục Dự Trữ Liên Bang (CDTLB) Mỹ tại New York.
Trong số các nhân viên làm việc ở đây cũng có những người mặc thường phục. Nhưng để vào được bên trong tòa nhà, họ phải trải qua một loạt các cửa an ninh nghiêm ngặt. Còn người thường, phải hẹn trước từ 1 đến 3 tháng nhưng cũng chưa chắc đã được vào.
Kho vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang New York được cho là kho vàng lớn nhất thế giới, nơi lưu trữ khoảng 1/4 trữ lượng vàng của thế giới. Hai trăm năm trước, danh hiệu này thuộc về ngân hàng Trung ương của Anh. Nhưng sau khi đế quốc Anh bước vào giai đoạn thoái trào và buộc phải bán vàng, nước Mỹ đã trở thành người mua lớn nhất của Anh, và kho chứa vàng của Anh giờ chỉ là kho chứa đồ.
Bình thường, hầm vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ không mở cửa cho người ngoài, thậm chí là Tổng thống Mỹ hay Tổng thư ký LHQ hoặc chính chủ nhân của khối tài sản nào đó gửi trong đó. Còn trong trường hợp cực kỳ đặc biệt, người tới thăm phải trải qua 2 vòng kiểm tra an ninh và phải làm sạch cơ thể trước khi được phép bước vào. Hầm vàng nằm sâu dưới lòng đất 180 m và di chuyển bằng thang máy có tốc độ cực cao. Để vào kho dự trữ vàng ở Manhattan chỉ có 1 lối đi duy nhất dài 7m. Cửa nặng 90 tấn và 140 tấn sắt thép viền xung quanh mà không một loại bom nào hiện có có thể phá hủy được. Cứ cách 1m trên hành lang lại hiện ra cảnh cửa với dáng vẻ hoàn toàn khác nhau ở hai bên. Nhưng nếu bước vào bất cứ cánh cửa nào trong đó, bạn sẽ không bao giờ tới được hầm vàng.
Trong hầm vàng có tổng cộng khoảng 1,2 triệu tấn vàng, 5% trong số này thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ. Số còn lại là vàng ký gửi của khoảng 60 quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới trong đó gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngân hàng Anh... Đa số đều mua vàng ở Mỹ nhưng không muốn chuyển về nước vì lý do an toàn. Hầm vàng gồm 122 phòng lưu trữ. Lớn nhất trong số đó là căn phòng lưu trữ 110.000 cục vàng hình viên gạch được xếp chồng lên nhau. Bức tường vàng này cao 3m, dài 5 m, gồm 7.000 tấn vàng. New York là một trung tâm giao dịch vàng toàn cầu và Ngân hàng dự trữ Liên bang là một trạm trung chuyển chính. Lý do chính khiến nhiều quốc gia và tổ chức tài chánh chọn gửi vàng tại đây để tạo điều kiện cho việc giao dịch nhanh gọn và an toàn.
Có thể hiểu về cách thức giao dịch ở đây như thế này: khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, vàng đơn giản sẽ được chuyển từ một căn phòng này sang căn phòng khác đồng nghĩa với việc chuyển từ tài khoản của cá nhân này sang tài khoản của một cá nhân khác, nhưng không một ai trong số những người chuyển biết ai là chủ nhân của hầm vàng đó.
Ngoài ra, đây cũng được coi là một kho lưu trữ an toàn nhất thế giới. Từ ngày đi vào hoạt động tới nay, chưa hề có một trục trặc nào xảy ra. Hệ thống an ninh được cài đặt sẽ tự động khóa chặt các cửa hầm chỉ trong vòng 15 giây. Các cánh cửa được thiết kế có khả năng chống bom, nặng 280 tấn. Những bức tường được xây bằng đá granit, không một tên trộm nào có thể khoan thủng được hay bị phá bởi bom đạn. Ngoài ra, nước Mỹ cũng có một số kho lưu trữ vàng nổi tiếng khác nằm ở Louisville, Kentucky hay Fort Knox, một căn cứ quân sự của Mỹ được cho là nơi lưu trữ một nửa lượng vàng của nước Mỹ. Ngay như Trung tâm thương mại thế giới cũng là nơi lưu trữ 167 tỷ USD bằng vàng. Sau khi trung tâm này sụp đổ vào năm 2001, người ta đã tìm thấy trong đống đổ nát số vàng trị giá 230 triệu USD.
Trung Quốc cũng được cho là một những nước có dự trữ vàng lớn trên thế giới nhưng quốc gia này không chọn gửi vàng ở CDTLB Mỹ, mà gửi ở các kho lưu trữ tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thụy Sỹ. Kho dự trữ vàng của Thụy Sỹ là Bern và kho thuộc Quốc hội Liên bang được thiết kế giống như một hầm chống bom hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất













Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (10)


Cũng như những ngôi nhà khác, căn nhà của gia đình tôi cũng được ghi dấu bằng những mảnh đạn lỗ chỗ khắp nhà, rất may là nó chưa bị hủy diệt, Ba tôi cùng những người chung quanh còn ở lại mà lúc đó người ta gọi là “dân tử thủ” đã giúp nhau sửa chữa lại, để che mưa nắng.Chung quanh vách nhà có thêm lớp vỉ bằng sắt cao gần 2 mét để chống miểng, đạn. Bước vào trong, nếu gọi hầm thì cũng chẳng sai vì nhà là một căn hầm rộng lớn, có như vậy mới sống được ở chiền trường này. Ở đây ngoài Ba Má tôi còn có Cậu của tôi và một viên chức của Đồn Điền Cao Su Đất Đỏ cử lên để quản lý tài sản, đồ vật của khu vực nhà máy Quản Lợi cùng ở. Lúc tôi bước vào thấy Ông đang ngồi nói chuyện với vài người lính, tôi gật đầu chào rồi vào nhà sau. Không nhìn thấy Má, tôi hỏi, Ba tôi nói Má bận đi bán hàng, tôi rất lo vì gần những căn cứ quân sự sợ bị đạn pháo, Ba tôi nói khu vực đó rất an toàn, đạn pháo không còn bắn vào nơi đó cũng như khu vực nhà tôi, đi thăm quanh nhà, vườn cây chung quanh còn nguyên mặc dù cũng bị vết đạn lỗ chỗ nhưng không như trên khu phố chợ, nhìn giếng nước trong vắt dâng cao lên sát miệng , múc uống một ngụm giòng nước mát lạnh, mang vị ngọt của đất quê hương làm tôi thấy tươi tỉnh, sảng khoái. Tôi cho Ba biết về tình hình đời sống, sức khỏe, việc học hành của các thành viên gia đình, mục đích cũng như thời gian chuyến công vụ của tôi. Ba tôi dặn dò phải cẩn thận vì đây đang còn là mặt trận .
Tôi ngả người nằm trên giường trong căn phòng của tôi và ngủ thiếp đi, khi thức dậy thấy có Cậu, Anh Nhụ cùng vài người khác Má tôi cũng đã về. Bữa cơm đoàn tụ gia đình đối với tôi hôm đó thật vui, những câu chuyện được nối tiếp nhau kéo dài đến gần 5 giờ chiều, tôi xin phép để về đoàn, Anh Nhụ và những người quân nhân đưa tôi đi về đoàn bằng xe gắn máy. Gần 5 giờ 30 lúc này mặt trời đã xuống thấp, ánh sáng đã dịu trời sắp tối, đoàn chuẩn bị chuyển địa điểm, bộ phận dạ thanh đã lên đường, sĩ quan hướng dẫn thông báo điểm mới sẽ thuận lơi cho đoàn, xe đến cũng là những chiếc xe “buýt Bình Long” chúng tôi chất đồ đạc và lên xe.
Xe chạy ra đến đường Nguyễn Huệ thì rẽ phải qua khỏi trại Đỗ Cao Trí ( B15 cũ ) thì rẽ trái vào đường Nguyễn Du đi qua khu vực “ nhà dây thép” Bưu điện Hớn Quản cũ xuống đến ngã 3 Tư Dương thì rẽ phải theo đường Phạm Hồng Thái xuống ga xe lửa Hớn Quản đến trường tiều học Phú Đức thì dừng lại đây là nơi làm việc của Chi Khu An Lộc, chúng tôi xuống xe và chuyển đồ đạc vào Chùa Tịnh Độ ở phía sau dãy phòng học. Thấy ở đây không có hầm trú ẩn nhiều anh chị trong đoàn lo lắng, sĩ quan hướng dẫn cho biết ở chỗ này rất an toàn, có một đơn vị quân đội sẽ bảo vệ cho đoàn. Chúng tôi tranh thủ chuẩn bị chỗ ở, từ đây về nhà tôi chưa tới 1 km.
Thêm nơi ở mới, để đón ngày mai trên đất Bình Long. Tôi ước thầm phải chi được về ngủ ở nhà …..
(còn tiếp)

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (9)


(Từ Đại lộ Hoàng Hôn nhìn xuống dọc đường Ngô Quyền đi cổng Lộc Ninh )
Bên kia đường là Bệnh Viện Quân Dân Y Bình Long, những dãy nhà bị đạn pháo dày đặc những lỗ trông như một chiếc rổ thưa, xe cứu thương nhà binh lỗ chỗ vết miểng đạn liên tục chạy đi chạy về tải thương, phía sau khu đất trống dành cho trực thăng tải thương .
Chúng tôi và những người lính xây những đường bao quanh các ngôi mộ bằng gạch, trồng cây hoa đại, phóng viên của các hãng thông tấn đi bằng xe tải GMC sứt đầu, bể thùng không thành, không ghế của Bình Long mà ở đây người lính quen gọi là xe buýt. Họ đến quay phim, chụp hình, hỏi chuyện những người lính. Một phóng viên và người phiên dịch hỏi chúng tôi là đơn vị nào, ở đâu ? Họ ngạc nhiên nhìn thấy chúng tôi làm việc, chúng tôi nói đây cũng là một tiết mục nghệ thuật của chúng tôi. Họ nói còn ở lại đây nhiều ngày, sẽ cùng đi tiền đồn với chúng tôi . Người sĩ quan hướng dẫn thông báo cho chúng tôi tập trung đến một đơn vị để ăn cơm trưa. Tôi xin về thăm gia đình nên không đi theo đoàn.
Con đường từ bệnh viện xuống Công Viên Tao Phùng nhìn đâu cũng thấy cảnh đổ nát hoang tàn, đi qua ngã 5 nhìn lên cơ quan USAID những căn nhà di động bằng nhôm bị đạn pháo toác nóc tơi tả, Ty Xã Hội gần bên cũng vậy. Đến đầu đại lộ Hoàng Hôn đi ngược lên dốc hai hàng cây cảnh xơ xác, dãy nhà bên trái còn nguyên vẹn vài căn, bên phải từ Ty Thông Tin trở xuống đã thành bình địa.Từ đầu dốc xuống cuối Công Viên Tao Phùng những chiếc xe T54 bị cháy nối nhau nằm ngổn ngang . Bồn phun nước bị xe tăng đâm vào nức đôi, những trụ bơm của cây xăng SHELL bên cạnh cũng bị nghiền dẹp lép chỉ còn lại cái kiốt loang lỗ đạn, chiếc xe tăng cũng bị bắn cháy nằm ngay sát bên. Dãy tiệm sửa xe đạp Thanh Hải của ông Tám Say, nhà sách –thuốc tây An Lộc, cà phê Mỹ Giai chỉ còn lại mặt trước. Khu công viên chợ cũ và hai dãy nhà phố thì sụp đổ hoàn toàn, trên nền công viên và con đường hai bên, kẽm gai bùi nhùi để chống xe tăng dày đặc, phía dãy nhà lầu trường tư thục Quốc Tuấn chỉ còn lại vài khung nhà. Từ đầu dốc Sáu Khế nhìn xuống khu dân cư Phú Hòa chỉ thấy màu xanh của cây cối, không còn một căn nhà nhìn thật hoang vắng, xa xa con đường đi Quản Lợi uốn quanh.
Chỉ còn vài trăm mét là đã về đến nhà, tôi bước thật nhanh ! Đến dãy nhà lầu ông Năm Lơ góc ngã tư Chợ chiều nhìn tấm bảng “ cà phê Phương Vinh “ để bớt hồi hộp tôi bước vào, khách trong quán toàn là quân nhân thấy tôi ai cũng nhìn. Không khí trong quán im ắng chỉ có tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly từ chiếc máy cassetter rên rỉ những bài hát mà trong đoàn chúng tôi tuyệt đối cấm sử dụng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi gọi ly cà phê đen và gói thuốc capstan.
Lúc này mới có dịp quan sát ngã tư : nhà ông Dè loang lỗ vết đạn, có toán tuần cảnh hỗn hợp ( Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến, Quân Cảnh, Tuần Cảnh Quân Sự )đứng giữ gìn trật tự trong thị xã.Dãy nhà tôn trước quán cà phê còn nguyên vẹn, những cây dầu, trâm quần to cỡ 2, 3 người ôm tỏa bóng mát cho con đường, nhìn lên dốc tiệm ông Sáu Khế chỉ còn lại những búc tường. Tôi trả tiền bước ra khỏi quán, ánh nắng chói chang nhìn về ngã ba Tư Dương thấy người, xe đi lại tấp nấp. Toán Tuần Cảnh hỏi tôi ở đơn vị nào và định đi đâu, tôi trả lời và nói là đi về thăm nhà ở ấp Phú Đức, họ dặn nên mặc áo giáp và đội nón sắt đề phòng . Đi ngang nhà Hội Âm Công Hiếu Nghĩa, trường Tiểu Học Tư Thục Tiến Đức, ngã 3 lò mỗ heo, đường rầy xe lửa và nhà tôi đây rồi…..hai cánh cổng khép kín.
Tôi lên tiếng ….Ba Má ơi !....người mở cổng chính là Ba tôi… không kềm được xúc động nước mắt tôi tuôn trào, tôi ấp úng thốt lên …con đã về, con về thăm Ba Má…..
(còn tiếp)

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (8)


(Tượng đài Người Lính chụp từ phía cổng Tòa Hành Chánh Tỉnh )
Hơn 8 giờ sĩ quan CTCT của Chi Khu An Lộc đến hướng dẫn đoàn của chúng tôi, kể cả các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm An Lộc - Bình Long, xếp L vì công vụ khẩn phải về Biên Hòa. Chúng tôi đi bộ, trong đội hình quân nhân mặc quân phục xanh nhà binh còn chúng tôi “quân đen “ mặc cán phục . Tới đường Nguyễn Huệ đi ngang Chi Khu An lộc phía trước còn 1 trụ cổng, Cơ Quan Hành Chánh Quận bị đạn pháo tan tành còn lại đống gạch vụn ngổn ngang.
Công viên cửa ngõ vào thị xã cây cảnh chung quanh bị đạn pháo tơi tả, tượng đài người lính ở tư thế tiến công bị rất nhiều mảnh đạn làm trầy trụa, nhưng trên khuôn mặt tượng không có một vết nào, chúng tôi đốt nhang cắm vào lư hương đặt dưới chân bệ tượng đài. Những quân nhân gặp trên đường yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng đi qua khu vực “ vận động trường Nguyễn Huệ “ đối điện với tượng đài, đây là mục tiêu chính của các trận pháo kích. Nhìn qua bên trái là tháp nước được xây dựng từ thời pháp, chiếc thang sắt để leo lên chòi quan sát bị đạn pháo gãy một đoạn, có 6 chiếc loa của còi báo động vẫn còn sử dụng, bồn nước bị đại bác 100m/m của xe tăng T54 bắn trực xạ thủng nhiều lỗ và lỗ chỗ miểng đạn pháo. Bên trái là Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long ( Tòa Hành Chánh ) loang lỗ, còn đứng vững mái nhà không còn, trên sân còn ngổn ngang các thứ, lá cờ trên cột vẫn phất phới bay trong gió, chung quanh là dãy nhà các Ty đã thành bình địa .
Bên phải là đồn Quân Cảnh Tư Pháp, văn phòng Hội Đồng Tỉnh, Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc cũng chẳng còn gì ngoài những đống đổ nát. Đến ngã tư bên trái là Tiểu Khu Bình Long cũ chẳng còn hình hài gì ngoài những lô cốt, hầm hố, ụ chiến đấu. Bên kia ngã tư phía phải là trường Tiểu Học Thượng cũng chỉ còn trơ những bức tường xây bằng gạch thẻ dày đến hơn 20cm nhưng cũng không chịu nổi sự tàn phá của đạn pháo, tôi đọc được hàng số 1938 đúc bằng xi măng trên tường, những dãy nhà ký túc xá cho học sinh cũng cùng số phận. Dãy nhà Ty Tiểu Học Bình Long còn nguyên dãy tường nhưng nóc thì không còn, bên trái là trường Trung Học Bình Long mặc dù không bị xập hoàn toàn nhưng mái thì không còn nguyên vẹn, trơ những hàng rui mè, đòn tay cháy xém đen xì xì.Chúng tôi không đi thẳng theo đường Nguyễn Huệ mà rẽ trái đi về phía Bệnh Viện Bình Long, đến khu mộ chôn tập thể trên nền những phòng học của trường Trung Học Bình Long, lúc này có một số quân nhân đang khiêng đất vun đắp lên ngôi mộ, sĩ quan hướng dẫn nói đoàn sẽ dừng lại đây để chăm sóc cho ngôi mộ. Tôi hỏi người quân nhân đang làm việc : Những người dưới mộ là những ai vậy ? Anh nói : Dân cũng có, lính ta, lính họ cũng có. Từ lúc chiến sự xảy ra số người chết do bị pháo, bị đạn, bị miểng bom, miểng pháo, nhà sập….rất nhiều, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đi thu gom xác chết từ cổng Xa Cam và trong khu vực thị xã tập trung về khu bệnh viện để đem đi chôn, nhưng mỗi ngày số người chết tăng lên gấp bội, mà nghĩa trang thì không đến được, ở bệnh viện số người bị thương cùng với xác chết, sợ bị những bệnh nguy hiểm do tử khí sinh ra nên chỉ huy mặt trận lệnh cho chúng tôi phải tìm chỗ chôn, công binh đã ủi những lỗ chôn ở khu vực ấp Hưng Chiến nhưng do bị pháo và bắn sẻ nên không chôn ở dưới đó được. Ban đêm mới ủi khu nhà sập này để chôn nhưng cũng chẳng yên lành gì đạn pháo là làm chết 2 người lái máy ủi cũng may là cái xe ủi chưa bị hư nặng, ban đầu chỉ ủi 1 hố chôn hết lớp xác cũ xong, chỉ một đêm đến sáng đi gom về cũng bằng số vừa mới chôn thành ra khu mộ này có nhiều ngôi mộ liền nhau .
Tôi kính phục những người lính này đã không ngại gian lao nguy hiểm đến bản thân hằng ngày chỉ 5 người với 1 chiếc xe dodge đi đến những điểm giao tranh, bị pháo, bị bom đưa những người xấu số về nơi tập trung . Chắc tình cảnh này chỉ ở Bình Long mới có……Tôi không biết là dưới nấm mồ này có người quen của mình hay không ? Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ tất cả những người cùng chung an nghỉ nơi đây, vì họ đã nằm xuống trên đất Bình Long …..!
( còn tiếp)

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (7)


Do lạ chỗ, cùng tiết trời lạnh giá của vùng cao nguyên đất đỏ, cộng thêm tiếng súng đại bác bắn đì đùng yểm trợ cho các đơn vị bạn, nên nhiều anh chị trong đoàn không ngủ được. Phần tôi vì náo nức muốn về thăm gia đình nên cũng không thể chợp mắt. Các quân nhân luân phiên canh gác cùng quây quần bên bếp lửa trong phòng vừa là nhà, vừa là hầm trú pháo của đơn vị CTCT với các anh chị em trong đoàn. Thế là tiếng đàn ghita lại rung lên, những bài tình ca, du ca, những tình khúc Lê Uyên & Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Cung Tiến lại được cất lên trong không khí đầm ấm,mặc dù ngoài trời se lạnh .
Có tiếng gà gáy sáng từ xa vọng lại, tôi nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng lại bắt đầu một ngày mới trên quê hương, lúc này có nhiều anh chị em trong đoàn đã thức. Các Quân nhân của đơn vị mời chúng tôi ăn bữa sáng, họ cười nói : Ở đây không có phở, hủ tiếu hay bún riêu chỉ có món xôi “ Bà Thiệu “ chấm với muối đậu mời các bạn dùng tạm. Chúng tôi ngạc nhiên, không lẽ “ Đệ nhất phu nhân “ lại ưu ái đến lính mặt trận hay sao mà gởi cả xôi ăn sáng đến sớm vậy !? Tôi nhìn gói xôi được bọc bằng bao nylon đựng gạo xấy, thấy những miếng xôi vuông vức, bên cạnh là muối đậu phụng đựng bằng nắp plasstic đậy đầu đạn M79, cắn thử một miếng thấy dẻo, thơm và ngon vì lạ miệng nên anh em trong đoàn ăn rất hăng, mấy quân nhân nói : Các bạn cứ ăn cho thỏa thích, món này ở đây không thiếu, sau 5 phút là có ngay . Tò mò xem họ nấu ra sao mà nhanh thế ! Thì ra món được gọi là xôi “ Bà Thiệu “ được chế biến từ bịch gạo xấy 150gr (dùng cho bữa sáng) cho một chút nước vào rồi vò và nhồi cho nát nhừ, đập mạnh cho dẻo và cán mỏng, cắt thành từng miếng vuông chưa đầy 5 phút là ăn được.
Có tiếng xé gió hú thật kinh hoàng làm các cô gái trong đoàn sợ hãi, những tiếng của đồ vật rơi nghe lịch bịch khô khốc đất rung lên, thấy mọi người sợ người sĩ quan chỉ huy giải thích đó là tiếng hú của những kiện hàng tiếp tế do máy bay C130 thả xuống bằng dù, bây giờ thì tất cả vào hầm trú chuẩn bị ăn điểm tâm bằng pháo 130 ly, vừa lúc đó thì tiếng réo của đạn bay và tiếng nổ ầm ầm khắp mọi nơi, căn nhà hầm chúng tôi ở rung lên từng hồi vì đạn pháo nổ gần đâu đó, chừng 10 phút sau thì im lặng. Người sĩ quan nói, ăn sáng xong rồi bây giờ chỉ còn bữa trưa nữa thôi còn lót lòng thì lai rai không đáng ngại ( ý nói pháo buổi sáng, buổi trưa và trong ngày ) các anh chị cứ thoải mái, nhưng không nên coi thường vì tọa độ pháo không biết đâu mà lường được. Bước ra bên ngoài căn nhà hầm tiết trời rất lạnh nhìn về hướng đông thấy ngọn “ Đồi Gió “ sương giăng phủ dầy đặc, trắng xóa, chạnh nghĩ thương những người lính nơi tiền đồn có chịu nổi cái giá lạnh của Bình Long không ?
Chuẩn bị lịch hoạt động ngày mới, chương trình ngày hôm nay Chi Khu An Lộc hướng dẫn đoàn đi thăm những khu dân cư, những dấu tích chiến tranh, buổi chiều chuẩn bị cho chương trình dạ thanh . Tôi sẽ về thăm gia đình lúc đi thăm những khu dân cư, vì công việc tiếp theo sẽ chiếm rất nhiều thời gian.
( còn tiêp )

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (6)


Tạm ổn định, đoàn chúng tôi chuẩn bị các tiết mục cho đêm văn nghệ, vì là một đơn vị chuyên nghiệp nên việc chuẩn bị chương trình, tiết mục đối với chúng tôi không có việc gì phải lo lắng. Bên trong thị xã, tiếng đạn pháo vẫn réo vang và nỗ ì ầm đâu đó, anh chị em trong đoàn không chút bận tâm, đã quen những buổi công vụ xã - ấp còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Ngày đầu đoàn chúng tôi kết hợp cùng đơn vị CTCT Tiều Khu có buổi sinh hoạt văn nghệ cho các đơn vị diện địa Bình Long, những bài hát hùng ca, trường ca được đoàn chúng tôi thể hiện, những người lính ở mặt trận này từ lâu chỉ nghe tiếng súng pháo, hôm nay được thấy và nghe tiếng hát của chúng tôi trình bày những bài trường ca, hùng ca như : “ Những Nẻo Đường Việt Nam, Mẹ Trùng Dương, Hồn Nước, Trên Đầu Súng Quê Hương, Việt Nam – Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ta Ngạo Nghễ, Quyết Chiến Thắng, Đến Với Quê Hương Tôi, Mưa Rơi Bình Long Mưa Pháo An Lộc, Tiếng Hát Từ Bình Long Về Đến trị Thiên Anh Dũng “, kỹ năng phối bè, hoạt cảnh minh họa cùng với những bài, điệu múa dân ca 3 miền,. Những bài hát về người lính : “ Giờ này Anh Ở Đâu, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Đêm Tiền Đồn, Hàng Hàng Lớp Lớp, Các Anh Đi “ cũng được 2 đơn vị chúng tôi thể hiện trong đêm sinh hoạt . Những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng nhạc đã vang xa trong màn đêm cô tịch, lạnh lạnh của chiến trường, trong lúc đạn pháo vẫn nổ ầm ầm trong thị xã, không làm cản trở đêm văn nghệ đầy khí thế . Lần đầu tiên chúng tôi sử dụng hệ thống âm thanh công suất lớn, cho nên những đơn vị ngoài tiền đồn vẫn nghe được, chương trình văn nghệ kéo dài đến gần 11 giờ đêm mới kết thúc. Bây giờ thì trời đã khuya nên rất lạnh
Phút chia tay đầy quyến luyến giữa anh chị em trong đoàn và những khán giả. Nhưng âm điệu những bài hát vẫn còn vang mãi trong mọi người .
(còn tiếp)

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (5)


Đang thưởng thức mùi thơm và vị đắng của từng giọt cà phê, một quân nhân đến gặp Anh Nhụ báo có điện thoại. Anh Nhụ quay sang nói vói tôi cứ ngồi đây chờ Anh . Một lúc sau Anh trở lại cùng Anh Chữ dân Xa Trạch nhà có xe đò hiệu Nam Đồng chạy Bình Long - Xa Trạch , tôi chào và Anh hỏi về Bình Long thăm gia đình hả, Anh cho biết Cha Mẹ tôi khỏe mạnh, bình thường vì ngày nào Anh cũng gặp. Tôi cảm ơn và nói em về Bình Long làm công tác. Hai kiện hàng của mấy em, Anh đã đưa vào chỗ chỉ huy, ở đó an toàn và có xe các em ra bốc lên rồi vào Bình Long cho sớm.
Lúc này đã 12 giờ 45 như vậy là tôi về đất bình Long đã được hơn nửa giờ mà vẫn còn loanh quanh ngoài phi trường. Anh Nhụ nói mấy em ra lấy hàng đi để còn vào cho sớm, em muốn về thăm nhà thì Anh chở về. Tôi nói vì phải đi với đoàn, khi nào ổn định em sẽ về thăm nhà. Chúng tôi cùng đi ra khỏi hầm, tôi cùng anh em trong đoàn đi theo Anh.
Mấy quân nhân đã tháo lưới, dây giằng của kiện hàng, bên cạnh là chiếc xe GMC chúng tôi đưa thiết bị lên xe, vừa lúc đó thì đoàn máy bay khác cũng vừa bay đến thả hàng và khách xuống, rồi nhận khách lên và bay trở về, bằng thời gian như chuyến đến của chúng tôi. Một số quân nhân vào Bình Long cùng tháp tùng xe với chúng tôi. Anh Nhụ thông báo với người quân nhân lái xe về địa điểm xuống của chúng tôi ở đã nhận được qua điện thoại,. Chúng tôi và những người khách cùng lên xe.
Anh Quân nhân lái xe cười nói : Xe ở Bình Long chiếc nào cũng giống nhau cả, không sứt đầu thì cũng bể thùng, có xe đi là oách rồi các anh em chịu khó tìm chỗ ngồi nhé. Đúng thật, tôi nhìn chiếc xe không kiếng, không mui, còn thành xe thấp và đầy những lỗ đạn. Xe lăn bánh, tôi giơ tay chào Anh Nhụ và Anh Chữ, Anh Nhụ nói mai anh em mình uống cà phê sáng tại Bình Long đó, tôi gật đầu. Xe chạy trên đường Quốc lộ 13thẳng tiến vào thị xã, gần tới ngã 3 Xa Cam bên trái đường có một chiếc chiến xa T54 bị bom vùi sâu đến 5 – 6 mét chỉ chừa 2 lỗ trên nóc pháo tháp, bên phải trong vườn cao su có hơn 10 chiếc xe tăng PT76 bị bắn cháy đen xì . Kia rồi ! Tấm bảng xi măng được xây dựng từ thời pháp “ Plantation De XaCam “bị đạn lỗ chỗ nhưng vẫn còn đọc được những hàng chữ, trên mặt đường có 2 hàng lỗ đặt mìn chống chiến xa được đục tròn rất khéo, nhìn về bên phải là thung lũng, dưới thung lũng là những cánh đồng ruộng ấp Phú Đức, sóc Tư Bổn. Phía xa ngọn “ Đồi Gió ” sừng sững, hùng vĩ, trông đẹp như cảnh ở ĐàLạt, chạnh lòng nhớ đến ca khúc “ Đường Xưa Lối Cũ “ mà chị Mỹ Thể hát, nhưng có hậu hơn điệp khúc của ca khúc.
Xe đã đến cổng Bình Long, bót gác của trạm cảnh sát vẫn còn nguyên, bên cạnh là một chiếc chiến xa T54 bị bắn cháy, bên lề con đường Nguyễn Du có chiếc trực thăng UH1B khi đáp bị đạn pháo hư nằm tại chỗ, bên phải là Trại Đỗ Cao Trí xa hơn một chút là Chi khu An Lộc. Xe đến trước cổng trại Đỗ Cao trí thì ngừng cho những hành khách xuống, còn chúng tôi thì ngồi lại, đi thêm một đoạn ngắn thì rẽ trái đi vào con đường nhỏ sát bờ đê chiến lược, phía sau Ty Lâm Nghiệp thêm một đoạn thì ngừng lại. Chúng tôi xuống xe, quân nhân lái xe hướng dẫn chúng tôi vào một doanh trại quân đội, đây là doanh trại của Đại đội CTCT của Tiểu Khu Bình Long, Xếp L và các anh chị trong đoàn đi chuyến máy bay trước đang ở đây chạy ra đón chúng tôi, người sĩ quan CTCT hướng dẫn chúng tôi chuyển đồ đạc, thiết bị sang dãy nhà kế bên, tôi nhìn lên giòng chữ : “ Ty Hàng Không Bình Long “ được đúc bằng xi măng trên mặt trước của căn nhà chỉ còn lại vài bức tường, hai trụ sắt anten bên hông căn nhà bị đạn pháo gãy ngang. Xếp L thông báo cho chúng tôi ở tạm đây chờ bố trí điểm thuận lợi hơn, căn dặn chúng tôi phải tuân theo hướng dẫn của chỉ huy đơn vị .
Từ chỗ này đi bộ về đến nhà tôi khoảng 20 phút, nhưng phải nén lòng chờ đợi, vì tôi đang ở tại Bình Long…..
(còn tiếp)

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (4)


Đột nhiên người tụt hẫng như rơi vào khoảng không trọng lực. vội vàng bám tay vào thành cửa nơi đang đứng, là do máy bay giảm cao độ đột ngột, chuyển hướng bay về hướng bắc, song song với Quốc lộ 13 về bên phải, nhận ra ấp Tân Khai 2 khu dân cư của Đồng Bào Thiểu Số, phía bên kia là ấp Tân Khai người Kinh. Phía dưới là một đồn lính, 2 khẩu đại bác 155 m/m nòng súng trắng xóa vươn lên hướng về Bình Long, những người lính đang sửa lại công sự.
Lúc này máy bay bay rất thấp, tôi thấy những chiếc dù hỏa châu lơ lửng phía trên, chắc là những người lính ở mặt trận Bình Long biết chúng tôi đến nên bắn hỏa châu hai bên đường để mừng đón !? Máy bay bay vào giữa hai hàng hỏa châu, tôi hỏi người xạ thủ phi hành : “ Tại sao ban ngày mà lại bắn hỏa châu ? “ Anh ta nói : “ Để phá hủy hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA7 của đối phương bắn lên máy bay “ . Thật là thú vị, chắc những người chế tạo ra loại hỏa tiễn SA7 phải quì xuống bái phục và gọi những người lính ở Bình Long là “ Sư Phụ “ mới xứng đáng.
Qua khỏi Tân khai là con đường đất sỏi đi về Van Hiên, Technique trên đường có chiếc trực thăng võ trang Cobra chắc là bị trúng đạn phòng không trong những ngày ác chiến, nhưng không bị cháy, đáp ngay giữa đường. Máy bay đã vào ấp Đức Vĩnh 1(Chà Là) những cây chà là hai bên đường vẫn tỏa lá xanh , bây giờ thì máy bay ở độ cao bằng ngọn cây cao su, vườn cao su chạy dài nhưng hầu như là không bị cụt ngọn thì cũng gãy cành, lưa thưa nhô lên trong đám cỏ mỹ dày đặc.
Đến ngã 3 Xa Trạch máy bay bay vào giữa Quốc lộ 13, là là qua ngã 3 vào ấp Đức Vĩnh 2(Sở nhì) thì dừng lại, hạ thấp thả 2 kiện hàng của chúng tôi xuống rồi bốc lên quay đầu lại hướng nam đáp xuống bên trái đường, nhân viên phi hành ra hiệu cho tất cả chúng tôi xuống máy bay thật nhanh vì sợ pháo kích. Chúng tôi chạy ra khỏi máy bay cùng lúc có rất nhiều quân nhân hối hả chạy lên máy bay, không đến 3 phút máy bay cất lên bay trở lại.
Chúng tôi ngơ ngác đứng bên lề đường Quốc lộ 13 nhìn cảnh vật hoang vắng, kiện hàng thì nằm mãi đâu đâu, lúc này trên mặt đường có rất nhiều kiện hàng vừa được thả xuống. Nhưng lạ thật , biết bao người trên máy bay cùng xuống mà bây giờ chỉ có lơ ngơ mấy anh em chúng tôi. Đang phân vân chưa biết phải làm sao, thì tôi nghe có tiếng người gọi từ vườn cao su, vào đây ngay, không tụi nó pháo là toi mạng bây giờ ! Thế là chẳng ai bảo ai chúng tôi cùng chạy vào nơi đó. Đây là những căn hầm trú đạn pháo của hành khách đến hoặc đi của phi trường .
Bây giờ tôi mới nhận ra phi trường dã chiến này là đoạn Quốc lộ 13 từ ngã 3 Xa Trạch chạy dài tới đường vào nhà tây Xa Cam. Phải thật lòng kính phục những người đã nghiên cứu thực hiện con đường, bình thường là đường bộ cho xe cộ, khi hữu sự trở thành một phi đạo hạng trung , thật vạn lần kính phục những bộ óc vĩ đại. Đang mãi ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, chợt một bàn tay vỗ vào vai tôi và hỏi : Vào Bình Long không ? Có xe GMC bên Trung Tâm Tiếp Vận Tiểu Khu đậu đằng kia, lại đó mà đi ! Tôi quay lại và kêu lên : Anh Nhụ ! Người vừa hỏi tôi chính là Thiếu úy Nhụ dân Technique, phụ trách chuyển vận ở phi trường này, Anh Nhụ cũng nhận ra tôi, sau vài lời hỏi han Anh dẫn tôi lại căn hầm có mái lợp tôn, chung quanh vách bằng bao cát dày cả thước, dưới mái tôn là trần cũng bằng bao cát dày đến 2 thước, trông rất chắc chắn. Vào trong hầm tôi mới biết đây là câu lạc bộ dành cho những quân nhân, hành khách chờ xe vào hoặc chờ máy bay để đi. Anh Nhụ kêu 2 ly cà phê đen và nói với tôi : Cà phê Bình Long chính hiệu đó, hái từ những vườn cà phê ở Núi Gió, uống xem có ngon hơn cà phê Sàigòn không ! Cái cảm giác vừa đặt chân lên đất quê hương, lại được uống ly cà phê trồng trên chính mảnh đất quê hương của mình, mặc dù ở đây đang là mặt trận, mà sao tôi lại thấy thanh bình, yên ổn quá .
Tôi thầm kêu :Tôi đã về Bình Long, Cha Mẹ ơi con đã về đến Bình Long, Bình Long ơi tôi đã về, tôi đã về….
(còn tiếp)