Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Tùy Bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (23)


Chiếc máy ảnh hiệu Pent 72 ống kính 1,8 của tôi không ngừng ghi lại hình những cảnh hoang tàn của Thị xã, tiếc là tôi không có ống kính télé như những người phóng viên đang ở đây, để thu được những hình, cảnh ở xa, chụp đến tấm 76 thì máy hết phim.
Chia tay những người lính và các vị khách, chúng tôi rời trường Quốc Quang tiếp tục đi, đến đầu giáp với đường Nguyễn Huệ bên cạnh là nhà Việt Cường chuyên gò thùng đựng mủ cao su cho đồn điền Quản Lợi cũng chỉ còn trơ lại những khung nhà bằng sắt đen rỉ. Nhìn suốt con đường đoạn từ ngã ba Chu Văn An đến ngã tư Hùng Vương chỉ thấy toàn là xác xe tải bị cháy và những cột điện cao thế bằng cây thông bị xe tăng ùi đổ ngổn ngang trên mặt đường, hai dãy nhà bên đường chỉ còn lưa thưa vài bức tường phía trước, khó mà nhận ra đâu là những địa điểm cũ. Phía bên trái đường chỉ có những ngôi nhà xây dựng kiên cố là còn nhận ra vị trí, những tiệm, quán còn bảng hiệu vẫn nằm lơ lửng trước hiên nhà, còn lại chỉ là đống đổ nát do đạn pháo kích vì khu này không bị bom .
Chúng tôi đi từ cây xăng mới (ESSO) tới sân bay, ngang qua cồng chùa “ Tịnh Xá Ngọc Bình” xây dựng theo hình lục lăng nhưng chỉ còn lại những bức tường, dãy nhà bên trái tôi đọc được hàng chữ “ Cô Nhi Viện Nhất Chi Mai” cũng cùng chung số phận với ngôi chánh điện. Đến khu vực “garage Tư Phúc” căn nhà do xây dựng quá kiên cố nên còn lại được nguyên vẹn mặt trước, nhìn sang bên kia đường là khu nhà thờ Tin Lành hoàn toàn bình địa. Kể ra thì chiến tranh cũng rất công bằng : Tặng nhà của Đức Phật một quả pháo, thì cũng gởi biếu nơi Chúa ngự một quả bom !... Đi thêm một đoạn là ngôi chùa “Tịnh Xá Ngọc Long “ cũng tan nát không còn lấy một bức tường, Đức Phật nơi chánh điện vẫn an vị trên bục, những người lính ở đây lấy những cây gỗ và những tấm tôn làm thành mái nhà tạm để che nắng, che mưa cho Đức Bồ Tát. cây bồ đề bên cạnh bị đạn gãy ngọn, thân cây sù xì những vết đạn.
Chúng tôi thẳng đường Nguyễn Huệ đi đến khu vực sân bay, ngay cửa vào khu vực này chỉ có cái lô cốt giống như cổng Gốc Điệp ( đi vào Quản Lợi) được xây dựng từ thời nào là vẫn còn nguyên. Vào trong sân bay mới thấy cảnh hoang tàn, mênh mông là những thùng phuy (tono) đựng xăng bị trúng đạn pháo kích cháy nổ bung, văng tứ tán, ngay trên giữa đường băng có xác một chiếc CH47 bị trúng đạn pháo cháy rụi chỉ còn lại hai chiếc chong chóng. Từ đây nhìn lên Đồi Đồng Long thật gần, trên đỉnh đồi có một đơn vị trú đóng, lá cờ bay phất phới trông rất rõ.
Những người lính án ngữ khu vực này hỏi chúng tôi muốn đi đâu ? Tôi nói muốn đi thăm toàn cảnh Thị xã Bình Long, thế là họ mời chúng tôi vào căn cứ đơn vị Pháo Binh Diện Địa 3/5 của Tiểu Khu Bình Long đóng ngay trong khu vực sân bay. Được biết căn cứ này là mục tiêu bị đối phương pháo kích và tấn công đầu tiên vào sáng ngày 12 tháng 04 năm 1972 kể từ khi chiến cuộc xảy ra tại Bình Long, họ dẫn chúng tôi đi xem những khẩu đại bác 105m/m bị máy bay phá hủy bằng bom khi căn cứ này thất thủ. Những người lính ngã xuống trong trận đánh buổi sáng hôm đó đều còn nằm lại tại căn cứ này, nhưng do đạn pháo kích và sau đó là xe tăng tràn vào, cuối cùng là phi cơ thả bom hủy diệt căn cứ nên không thể lấy được xác, đến bây giờ không còn biết đâu mà tìm…thương cảm quá ! Phía cánh đồng ruộng của Ấp Phú Hòa bên cạnh giòng Suối Quản Lợi có một chiếc xe tăng T54 bị bắn cháy khi vào tấn công căn cứ, nằm trơ vơ giữa cánh đồng . Những người lính cho chúng tôi biết đây là điểm cuối nếu từ SàiGòn lên và cũng là đầu từ Lộc Ninh xuống của Thị xã, khu vực này cũng như vùng lân cận hoàn toàn không còn dân cư ngụ.
Những tiếng nổ chát chúa của những khẩu đại bác đang bắn yểm trợ cho quân bạn, khiến cho chúng tôi phải tạm dừng chuyến thăm căn cứ này. Chúng tôi từ giã những người lính, dù họ đang phải làm nhiệm vụ nhưng cũng giơ cao tay vẫy chào từ giã. Quay trở lại con đường cũ chúng tôi tiếp tục đi về hướng Chợ Cũ, vì địa điểm làm việc với Cơ Quan Công Quyền Tỉnh Bình Long chiều nay tại nhà khách mặt trận ( nhà Ông Đại úy Hiệp Dân Biểu Hội Đồng Tỉnh Bình Long) khu vực cây xăng SHELL.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Tùy bút Mùa Đông Bình Long 1972 (22)


( Bình Long những tháng ngày an lành )
Hai nhóm chúng tôi chia làm 2 hướng, nhóm của tôi đi theo đường Chu Văn An (con đường từ giữa dốc Sáu Khế đi vòng qua trường Tiều Học Hoa kiều Quốc Quang ) mới được một đoạn đường mà đã nhìn thấy sự khốc liệt của cuộc chiến. Phía bên phải đường là khu vực dân cư lao động sinh sống,vài năm trước khi chiến cuộc xảy ra khu này đã bị một trận hòa hoạn thiêu rụi hầu hết những căn nhà của người dân, cũng nhờ vào “ tấm lòng vàng” của tất cả mọi người và sự giúp đỡ tận tình về phía Chính Quyền Tỉnh, người dân đã tạo dựng lại được những căn nhà vững chắc, khang trang hơn, ổn định dần được đời sống. Nhưng ! Chiến tranh đã không phân biệt, đều ưu ái ban tặng cho từng căn nhà, người dân ở đây không biết bao nhiêu là bom, đạn . Thiêu hủy hoàn toàn một khu dân cư đông đúc mới tạo dựng lại của ấp Phú Thịnh, xã Tân Lập Phú. Không biết là trong vùng hoang tàn đổ nát kia còn có bao nhiêu thân xác của người dân bị vùi lấp ? Xót xa quá !
Đi lên một đoạn dốc thoai thoải, phía bên trái là những căn nhà của Ông Xã Tính, nhà anh Chánh, nhà anh Cử còn lại những bức tường loang lỗ, tường rào chỉ còn những trụ cột, ngã ba đầu đường Lý Thường Kiệt ở phía bên trên đầu đường Chợ Cũ có chiếc xe tăng lội nước PTR85 của Nga bị bắn cháy, bên hông xe có một lỗ đạn to khoảng 30cm. Tôi tiến lại quan sát, mặc dù biết là nó bị bất động từ rất lâu, nhưng sao cũng vẫn thấy sờ sợ ( eo ơi, rủi mà nó thức dậy thì…..) nhìn suốt dãy tiệm phía bên phải từ tiệm hủ tiếu dai Hà Ký đến chỗ cây xăng SHELL không còn một căn nhà nào nguyên vẹn, những căn cao ốc chỉ còn lại xườn, cột nhà . Phía trên những nóc nhà đó có những người lính làm nhiệm vụ quan sát, lắp đặt súng phòng không đóng chốt.
Đi tiếp đường Chu Văn An đến trường Tiểu Học Quốc Quang chúng tôi tiến vào, tại đây đang có những vị khách trong và ngoài nước đến quay phim, chụp hình. Tất cả chúng tôi được đơn vị hỏa tiễn tow bố trí ở đây hướng dẫn lên những tầng trên và sân thượng để quan sát toàn cảnh thị xã . Nhìn các bức tường của ngôi trường từ dưới đất lên đến sân thượng không chỗ nào là không có dấu đạn, những vị khách đều lắc đầu, le lưỡi .
Những người lính trấn an chúng tôi và nói rằng : “ Ở đây có bố trí sẵn những hầm trú ẩn an toàn, không sợ bất cứ loại đạn pháo nào của đối phương, mặc dù loại pháo đó là 130, 122, 127 hoặc hơn thế nữa”. Toàn bộ những tầng nhà từ những bức tường ngăn phòng, sàn nhà bằng bê tông nhưng lại được tăng cường thêm các lớp bao cát thật dày.
Lên đến sân thượng phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh mới thấy được cảnh tang thương của thị xã Bình Long. Nhìn về hướng nào cũng thấy trên các con đường xác xe cộ bị cháy, cột điện bị gãy đổ ngổn ngang, các khu nhà dân cư tan tành, nếu như chiến cuộc đừng xảy ra trên đất này thì Bình Long đâu có cảnh tang thương này.
Thật xót xa cho mảnh đất nghèo, tôi chạnh nghĩ không biết đến bao giờ Bình Long mới có thể trở lại cảnh như trước……
(Còn nữa)

Sao Đành Xa Anh

Xin click vào tiêu để nghe nhạc!

(Lời bài hát)
Đêm nay một mình anh
Cô đơn dưới ánh đèn vàng
Đêm nay để hồn anh... đi hoang.

Trong cơn đau nghe nước mắt mặn lời
Trong cơn mê anh khóc đã nhiều rồi
Khói thuốc nào đưa anh vào dĩ vãng
Hơi men nào đưa anh vào tương lai.

Mưa rơi, giọt lệ rơi
Theo nhau dẩm nát hồn người
Trăng rơi, cuộc tình ta... chia phôi.

Em thương Anh cho anh hết nụ cười
Anh yêu Em cho em cả cuộc đời
Góp nổi sầu anh chôn vùi quá khứ
Gom cơn buồn anh xa người hôm nay.

Bờ môi anh giờ lạnh giá
Mùa xuân tàn không hay
Bàn tay nào buốt giá
Chờ em... em về đêm nay.

Mưa vẫn rơi rơi giữa lòng đời
Em vẫn đi em quên mất một người
Sao đành xa anh
Sao đành quên anh
Sao đành bỏ anh.

Yêu nhau một đêm xuân
Bên Anh em đánh mất đường về
Xa nhau tàn mùa xuân... không hay.

Anh đưa tay mong bắt ánh mặt trời
Em quay lưng mong trốn tránh loài người
Tiếng hát buồn anh ru người phút cuối
Xa em rồi anh còn gì em ơi.

Sông trên " Sông "

Có thể gọi đây là một công trình " sông nằm trên sông "
Cây cầu dẫn nước Magdeburg là một công trình tại Đức cho phép kết nối kênh đào Elbe-Havel với kênh đào Mittelland, và cho phép tàu, thuyền vượt qua sông Elbe. Với chiều dài 918 mét, đây được xem là chiếc cầu dẫn nước dài nhất thế giới. Nếu nhìn từ trên xuống cây cầu dẫn nước này giống như một dòng sông nằm trên 1 dòng sông khác vậy, rất thú vị!
Trước khi chiếc cầu dẫn nước Magdeburg được hoàn thành, các con tàu muốn di chuyển giữa 2 kênh buộc phải thực hiện một đường vòng 12km và quãng đường đi cũng rất khó khăn. Sau khi có chiếc cầu, thời gian vận chuyển, nhất là vận chuyển hàng hóa được giảm thiểu rất nhiều.
Việc xây dựng đã bắt đầu vào những năm 30 của thế kỉ trước. Nhưng do chiến tranh thế giới thứ 2, cộng với việc nước Đức bị chia cắt nên công việc này đã tạm đình chỉ cho đến năm 1997. Cuối cùng, chiếc cầu này đã hoàn thành và mở cửa cho công chúng tham quan vào năm 2003. Trên cầu còn có cả đường dành riêng cho người đi bộ.
Mời các bạn xem một vài hình ảnh mô tả giòng sông trên sông


Cây cầu dẫn nước Magdeburg ở Đức.

Toàn cảnh cây câu dẫn nước

Cây cầu thật độc đáo

Có cả đường dành riêng cho người đi bộ tham quan cầu.

Đây là cây cầu dẫn nước dài nhất thế giới

Cây cầu có một cấu trúc khá vững chắc

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Nắng mùa hè

Xin clik vào tiêu đề để xem !

Mùa hè trời nóng cháy da
Hằng Nga ngồi dựa gốc đa mệt đừ
Ngủ gà, ngủ gật ngắc ngư
Áo xiêm tung xổ, lờ mờ thịt da
Thằng Cuội trông thấy xuýt xoa
Nguyên một khoảng rốn Hằng Nga trắng hồng.
Cuội sờ thấy mịn như bông
Xoa đi xoa lại, mặt trông dại khờ
Hằng Nga chợt tỉnh, làm ngơ
Thằng Cuội vẫn cứ tỉnh bơ xoa hoài
Hằng Nga tát mấy bạt tai
"Cái đồ đần độn, chả ai như mày
Cái rốn thì có gì hay
Sao không xuống khoảng gang tay, hả ... Khờ"

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Mưa xuân !

xin click vào tiêu đề để xem vidéo clip

Bộ tranh quý Triều Nguyễn Việt Nam

“Grande Tenue de la Cour d'Annam”
Bộ tranh quý về triều Nguyễn chào bán tại Mỹ . Nhà sách Eric Chaim Klein ở Santa Monica, California đang rao bán bộ sưu tập gồm những bức họa thể hiện lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn.
Những họa phẩm này chưa từng xuất hiện, độc đáo và hiếm thấy, đã được một người tên là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12-1902, đúng 100 năm sau ngày triều Nguyễn được thiết lập. Chúng tôi bày tỏ mong muốn Bảo tàng Guimet quan tâm để mua lại các họa phẩm này. Nếu không, chúng tôi vô cùng biết ơn việc (ông) thông báo lời đề nghị này đến các tổ chức, cá nhân khác vì chúng tôi tin rằng việc này có một vai trò quan trọng trong các bảo tàng hay trong thư viện công cộng cũng như trong các sưu tập tư nhân”
Bộ tranh có tên Lễ phục của triều đình An Nam (Grande tenue de la Cour d'Annam) đang được Eric Chaim Klein Bookseller rao bán với giá 35.000 USD, gồm 54 bức được vẽ bằng màu nước hết sức sống động, tất cả đều trong tình trạng hoàn hảo. Mỗi bức đều có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước, phẩm hàm của những nhân vật được vẽ.
Từ năm 2004 đến nay, trong các kỳ Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế luôn phục dựng lễ Tế Giao nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi phục chế lễ phục và tái hiện không gian lễ hội.
Ngoại trừ 128 bộ lễ phục của 64 văn sinh và 64 vũ sinh biểu diễn điệu múa Bát dật đã được nhà nghiên cứu " Trịnh Bách phục " chế một cách bài bản, các lễ phục của vua quan, hoàng thân, đình thần, bồi tế, binh lính cũng như trang phục của voi, ngựa tham gia lễ tế đều mượn từ các vai diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế hoặc được phục chế một cách vội vàng và nặng tính tuồng chèo.
Đó là một trong những lý do khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế luôn phàn nàn " Lễ Tế Nam Giao " tái hiện ở Huế đã mất tính xác thực (authenticity) của một " Lễ Tế " quan trọng nhất dưới thời Nguyễn.

( Ảnh chụp chiếc nhãn dán ngoài chiếc túi vải có dòng chữ Hán (phiên âm): Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất cùng dòng chữ Pháp: Grande Tenue de la Cour d'Annam / par Nguyễn Văn Nhân / Biên-tu du Hàn-lâm en disponibilité / Hué. Decembre 1902. Nội dung ghi trên nhãn này khẳng định các bức vẽ này do nguyên Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào năm 1902 về lễ phục tế Nam Giao của triều đình Huế )

( Bức tranh miêu tả nhà vua (có lẽ là vua Thành Thái, trị vì từ năm 1889 đến năm 1907), đang ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa, hai bên có hai viên Thái giám và hai vị Hiệp lĩnh thị vệ đứng chầu, phía dưới có dòng chữ Hán: Đại Nam hoàng đế sắc phục tại vị cùng các chữ Hán ghi rõ chức phận của những người trong tranh là Hiệp lĩnh thị vệ và Thái giám )

( Bức tranh vẽ nhà vua mặc xiêm và long cổn, đi hia, đội mũ bình thiên, cùng các bồi tế, thị vệ và thái giám, đang chuẩn bị bước lên đàn tế Nam Giao )

(Bức tranh vẽ hai người mặc lễ phục khác nhau, với hai sắc màu xanh dương và đỏ làm chủ đạo, đầu đội hai chiếc mũ tế khác nhau. Các chữ Hán 皇 親 (Hoàng thân) viết trên tranh cho biết đây là hai vị hoàng thân thuộc tôn thất nhà Nguyễn )

(Bức tranh vẽ hai vị quan trong lễ phục màu cam, đầu đội mũ ô sa ngồi đối diện nhau)

( Chữ Hán viết trên tranh Chánh nhất phẩm, Đông Các, Võ Hiển cho biết đây là hai vị quan đứng đầu điện Đông Các (Đông Các đại học sĩ) và điện Võ Hiển (Võ Hiển điện đại học sĩ) trong triều đình Huế, hàm chánh nhất phẩm, vận lễ phục tế Nam Giao. Bức thứ bảy vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi bên cạnh con voi mặc binh phục, đội nón dấu, lưng thắt khăn với các màu sắc khác nhau. Chữ Hán trên bức tranh này cho biết họ là những người lính thuộc Kinh tượng vệ, được gọi bằng các danh xưng: Hiệp quản), Dương, Binh và Thanh minh )

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Tin buồn !


Vô cùng thương tiếc báo tin cùng :
Các Bạn Hữu, Các Cựu Học Sinh Trung Học Bình Long trước 1970.
Anh Nguyễn Văn Phú ( Phú khoèo)sinh năm 1948
Cựu Học Sinh Trung Học Bình Long trước năm 1970.
Đã từ trần vào lúc 21 giờ 00 ngày 03 tháng 05 nắm 2011.
Hưởng thọ 64 tuổi
Nhập quan vào lúc 07 giờ 00 ngày 04 tháng 05 năm 2011
Linh cửu quàn tại tư gia Xã Lộc Thái ( Ngã ba Xóm Bưng ) huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Động quan vào lúc 10 giờ 30 ngày thứ sáu 06 tháng 05 năm 2011 và an táng tại Lộc Thái, Lộc Ninh, Bình Phước
Thành kính phân ưu cùng gia đình,
cầu chúc hương hồn Bạn Nguyễn Văn Phú siêu thoát về nơi vĩnh hằng .
Nhóm Bạn CHS - THBL trước 1970
*************************
Tản mạn về Anh !
Tôi và Anh quen biết nhau từ những năm 1972, Anh tham gia làm việc cho một bộ phận “Thiện nguyện” chăm sóc và giúp đỡ cho đồng bào “ nạn nhân chiến cuộc “ Bình Long ở khu vực Phú Văn Bình Dương, còn tôi đang thực tập công tác “ Dân sự Vụ”. Không phân biệt tuổi tác Anh luôn xem tôi là một người Bạn, còn tôi luôn kính trọng Anh là người anh.
Sau đó tôi và Anh xa nhau, tôi trở về nhiệm sở, tuy không cách xa nhau là mấy, nhưng vì công vụ thường xuyên nên Anh Em ít khi có dịp gặp nhau. Cho đến ngày 30/04/1975.
Trong những năm đầu sau ngày ấy tôi gặp lại Anh, lúc đó đời sống còn lắm cơ cực, nhà tôi ở cùng xóm của nhà vợ của Anh. Hai Anh Em chỉ biết nhìn nhau, qua ánh mắt đã nói lên đủ những điều, mà chỉ những người trong cuộc mới có thể thấu hiểu.
Sau này vì cuộc sống với bàn tay tật nguyền Anh phải bôn ba làm đủ nghề, đủ việc để mưu sinh, với chiếc xe đạp không xích, không thắng được săn nhặt từ xe mobilet, hàn cặp ống nước để thêm chắc chắn, Anh đã đi khắp vùng, xóm, ấp, sóc để mua, đổi củ khoai mỳ, đậu bắp, hôm nào kiếm được vài kilogram gạo là ngày đó có vẻ đời được lên hương.
Còn tôi được ôm cây cuốc, tối ngủ xạp tre trong một ngôi láng ở trên vùng Sông Măng Bù Đốp (Bố Đức ngày xưa) có đầy đủ điều kiện cho bệnh sốt rét và những bệnh khác mà có lẽ lần đầu tôi được hưởng. Gần hai năm trưởng thành ở trường cải tạo, tôi trở về, người gặp lại đầu tiên kể cả người thân trong gia đình lại là Anh. Thế là Anh Em lại cùng nhau vào một quán cóc, nhâm nhi ly “xây xừng” mà đã rất lâu tôi chưa được thưởng thức. Chả biết có phải là cà phê chính hiệu hay là loại “ cà phê bắp rang cháy đen” xay nhuyễn độn vào. Nhưng với tôi lúc này cứ màu nước đen là cà phê tất, còn hơn là phải uống thứ nước lờ lợ trong thời gian qua.
Nhìn Anh tôi cười nói : cứ ngỡ là gặp nhân vật Robinson trên hoang đảo, tóc để dài rối bung, râu ria tua tủa, nước da thì sạm nắng đen thui.
Anh nhìn tôi rồi nói : Chú mày có khá gì hơn Anh : Nước da xanh mét như tàu lá, mập chẳng ra mập, phù thủng thì có .
Rồi thời gian cứ trôi đi, Anh vì cuộc sống của gia đình phải trôi nổi, tôi vì hoàn cảnh cũng phải xa gia đình lo cho cuộc sống. Mãi đến những năm sau 1990 cuộc sống mới tạm thoải mái. Tôi gặp lại Anh, lúc này Anh đang làm quản lý cho một nhà buôn phế liệu, công việc cũng nhàn hạ. Cứ mỗi chiều thứ bảy, Anh lại lóc tóc chiếc xe đạp (không phải chiếc xe của những năm đầu) vào chỗ tôi và các Anh Bạn, thế là bên chai rượu đế, đĩa gà luộc lá chanh, tô cháo, dĩa gỏi, mấy Anh Em lại tạc thù cho đến khi cùng đồng ca “ ai đưa ai về “ thì mới kết thúc.
Sau này cuộc sống tươi tắn hơn, cứ mỗi chiều Anh muốn có bạn đối ẩm, Anh lại điện thoại cho tôi, thế là hai Anh em cùng đi tim chỗ để “ nâng lên, hạ xuống ”.
Bẳng đi một thời gian do việc làm ăn càng phát triển, cơ sở đã điều Anh lên Lộc Ninh cũng từ lúc đó Anh Em ít có dịp cùng nhau đối ẩm. Chỉ có những dịp họp mặt bạn bè, hay đám cưới con của các Anh, Chị bạn thì mới gặp nhau mà thôi.
Trong những dịp như vậy, Anh là người “ tửu nhập – ca xuất ” tôi chỉ nghe Anh hay hát một bài duy nhất mang tựa đề : “ Đám cưới đầu xuân của n/s Trần thiện Thanh “ Tôi hỏi vì sao Anh lại hay hát bài này,
Anh trả lời : “ Cuối năm đi đám cưới nhiều quá, biết hát bài gì bây giờ ! “ Mà Anh hát nào có hay ho gì đâu, nếu mà Ông Nhật Trường còn sống mà nghe Anh hát chắc có lẽ Ổng xin giải nghệ ngay.
Hôm nay khi nghe tin Anh mất, tôi như thấy mình hụt hẫng thế nào ấy. đời người như thể phù du còn đó, mất đó.
Thôi ! xin cầu chúc cho Anh ngàn thu an giấc nơi suối vàng, nợ trần gian Anh đã trả xong, chỉ xin Anh có hiển linh phù hộ cho tất cả Anh Chị Em bạn bè của Anh được vạn sự an lành trong cuộc sống.
Xin thắp cho Anh một nén hương để tỏ lòng thành , mong Anh hiển chứng !
Bình Long ngày 06 tháng 05 năm 2011.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Tin Hoạt Động CHS - THBL

Ngày chủ nhật 01/05/2011.
* Tại Lộc Ninh các Cựu Học Sinh Trung Học Bình Long - Lộc Ninh đã tổ chức họp mặt lần thứ 10, về dự họp mặt có Anh Nguyễn Văn Lý Phó Ban Vận Động Hội CHS-THBL, Thầy Lai và gần 100 Anh Chị CHS từ Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Lộc Ninh, Bù Đốp. Do đường xá xa xôi nên khai mạc hơi trễ, nhưng thật vui và đầm ấm.
* Tại Bình Long các CHS -THBL khối 12/1973 cũng tổ chức họp mặt thường niên lần thứ 7, có gần 50 Anh chị từ Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Hớn Quản về dự. Anh Trần Đại Thắng Trưởng Ban Vận Động, Anh Trần Văn Chính Phó Ban Vận động Hội cũng tham dự.
* Cũng trong buổi sáng ngày chú nhật 01/05/2011 tại Chơn Thành đã có buổi họp mặt thường niên lần 2/2011 của các Anh Chị CHS - THBL khối 12/1975, về dự có rất đông các Anh Chị ở các Tỉnh xa. Theo lịch Thầy Lai sẽ đến dự nhưng vì ở Lộc Ninh khai mạc muộn nên không thể về kịp, chị Huỳnh Thị Xuân Đại diện Ban Vận Động Hội cùng về dự .
Nhìn chung các buổi họp mặt CHS - THBL, có sự hiện diện của Đại diện Ban Vận Động Hội với tư cách bảo vệ tính hợp pháp cho các buổi họp mặt của Cựu Học Sinh Trung Học Bình Long.