Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

TỤC CÚNG GIAO THỪA VÀ NGÀY MÙNG MỘT TẾT

CÚNG GIAO THỪA

( Ngày tết, nhà nào cũng làm mâm cỗ tết cúng tất niên, bữa cơm đón năm mới, cúng giao thừa. Trong nhiều thức của mâm cỗ Tết, không thể thiếu con gà luộc, đĩa xôi gấc, các thức nấu như món măng, món bóng, món nộm ( gỏi ).

Trong cuốn “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính có viết về “ Lễ Cúng Giao Thừa “.
-” Tục ta tin rằng mỗi năm có một Ông Hành Khiển coi việc trần gian, hết năm thì Thần nọ bàn giao công việc cho Thần kia, cho nên cúng tế đêm giao thừa là để tiễn ông cũ và đón ông mới ”. Đó là ý nghĩa của việc cúng giao thừa ngay vào lúc trừ tịch (0 giờ ngày mới, tháng mới, năm mới), nhiều gia đình tổ chức rất long trọng, các đình chùa, miếu mạo cũng chuẩn bị thật trang nghiêm nhằm tống cựu nghinh tân.
Khi cúng giao thừa, bàn thờ được lập giữa trời chứ không phải trong nhà. Có nơi cúng các hoa quả ngày tết, có nơi cúng mặn. Ngày xưa, lễ vật thường gồm một đầu heo hoặc con gà, bánh chưng xanh, bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và giấy tiền vàng bạc, đôi khi có thêm áo mũ của Vị Hành Khiển năm mới.
Khi đúng nữa đêm, các nơi đánh chuông đánh trống, còn tại mỗi gia đình chủ nhà thắp 3nén nhang (có người dùng 3 cây nhang đại, cháy cả ngày chưa tàn) khấn vái trời đất, khấn vái Ông Hành Khiển mới, xin cho gia đình được một năm may mắn và những vận rủi sớm đi qua.
Theo quan niệm dân gian mỗi năm có một Ông Hành Khiển, qua báo chí ta vẫn thấy Vị Hành Khiển của năm mới mang tên 1 trong 12 con giáp (theo đúng năm được gọi tên), người xưa gọi là Thập Nhị Hành Khiển Vương Hiệu. Vị Thần Cai Quản trong năm được gọi là Dương Niên Chi Thần. Mỗi Chi Thần này còn có một Phán Quan giúp việc ( Vị Thần Hành Khiển trong năm lo việc thi hành những mệnh lệnh trên thượng giới, trình lên Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc đang điều hành, còn vị Phán Quan lo ghi chép công tội của mọi gia đình, mọi địa phương v.v..)

TỤC HÁI LỘC

( Thuở nhỏ tôi thường nghe câu “hái lộc đầu xuân”, nhưng chẳng biết hái lộc như thế nào, và vì sao lại đi “hái lộc”? Cho đến khi tôi được tiếp xúc với các cụ thì câu chuyện hái lộc đầu xuân tự nhiên vỡ lẽ. Tôi bắt đầu “ăn theo” nét văn hoá đó, coi như một nghi thức để bước vào mùa xuân đầy ý nghĩa trong cuộc đời.)

Sau giao thừa, người Việt thường có một cuộc “du xuân” để cầu may mắn. Người ta thường đến đền, chùa để làm lễ. Khi ra về ngắt một cành hoa hoặc một nhánh cây gọi là “ hái lộc ‘. Về nhà, cành lộc thường đuợc trưng tại gian nhà chính và gìn giữ trọn một năm mới bỏ đi. Người Việt chúng ta tin tưởng rằng việc hái lộc để lấy may. Cành lộc thường là cành đa, cây đa lại là cây sống rất lâu. Chọn cành đa là họ mong muốn sẽ trường thọ, nhiều tiền bạc, đông con nhiều cháu.

TỤC XÔNG ĐẤT

( Tục xông đất là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt ngày Tết. Về thực chất, tục xông đất chuyên chở khát vọng về sự thịnh vượng, an khang và người xông đất như một dấu hiệu để người ta giải đoán trước hậu vận của năm đó.
Tết Nhâm Thìn này gia đình bạn sẽ chọn người tuổi nào xông đất để nhà mình được may mắn cả năm ? )
Còn tôi xin mời các Bạn trong ngày đầu năm và những ngày Tết xông đất ( blog ) của tôi nhé

Vào ngày mồng một Tết, ai là người bước chân vào đất hoặc nhà người khác đầu tiên được cho là người “ xông đất – xông nhà “. Theo quan niệm, người xông đất là người có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ trong một năm. Nếu người xông đất tốt thì mọi việc trong năm sẽ thuận buồm xuôi gió, ngược lại, người xông đất xấu sẽ gặp rủi ro.
“Xấu” và “Tốt” ở đây có nghĩa là hợp duyên hợp vía. “Duyên” và “Vía” ở đây cũng có thể là tính tình, đạo đức tư cách của người tới xông đất; cũng có thể là người xông đất năm đó có tuổi hợp với tuổi của gia chủ hay không. Vì vậy người ta cố tránh đến nhà nhau vào sáng sớm mùng một tết, còn ai được gia chủ có nhã ý mời tới xông đất thì khi đến cũng phải rất thận trọng.
Trước hết, trước khi bước vào đất của gia chủ, người xông đất phải cười vui vồn vã với gia chủ, lì xì cho con cái gia chủ thật mau mắn, sau đó mới chúc tết lẫn nhau…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét