Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Tết Trung Thu


Bao giờ trở lại mùa thu cũ,
Nhặt lá vàng rơi trước hiên nhà.
Nghe mẹ hát ru và kể chuyện
Nghe cha ngâm vịnh mấy câu kiều......


      Hôm nay đã là ngày 13 tháng tám âm lịch.Còn 2 ngày nữa là đến “ Tết Trung Thu “, hay còn gọi là “ Tết Thiếu Nhi, Tết Trông Trăng “ .
 Tết Trung Thu đến thì có gì ?
Đương nhiên là phải có bánh trung thu, có điều chẳng hiểu vì sao ở Việt Nam trong những năm gần đây, gọi là bánh trung thu nhưng nó đã xuất hiện rầm rộ từ đầu tháng bảy âm lịch, để rồi đến vài ngày trước đêm rằm tháng tám thì xem như đã hết mùa. Các hiệu bánh đua nhau rao : " mua một tặng một "
   Theo tìm hiểu, bánh trung thu xuất xứ từ Trung Quốc, có điều khi đến các nước, thì nó đã thay đổi nhiều cho phù hợp với tập quán ẩm thực của người bản xứ.
Như ở Nhật bánh trung thu không bao giờ có nhân lòng đỏ trứng muối, còn bánh trung thu ở Malaysia thì phần vỏ áo bánh được phủ thêm một lớp chocolatt, bánh trung thu ở Phillippines chỉ có nhân bằng đậu xanh, khoai môn chứ ; không có nhân thập cẩm, ở Đại Hàn thì bánh trung thu chính là bánh songpyeon đầy màu sắc...
   Còn ở Việt Nam từ thời xa xưa cha ông ta đã có tục bày cỗ trung thu. Mâm cỗ gồm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo có hình vuông, tròn hay hình heo mẹ cùng bầy heo con béo múp míp hay hình cá chép. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, đem phơi khô trước 2,3 tuần, khi đến hôm rằm và đến đêm trung thu những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Khi trăng lên đến đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu với trẻ con, hiếm có giây phút nào hạnh phúc như lúc ấy, khi trẻ con vừa rước đèn vui đùa lại được quây quần phá cỗ bên cạnh có Ông Bà, Cha Mẹ

( những hình ảnh về Tết Trung Thu ngày xưa )

  





























( Những cửa hiệu bán lồng đèn trung thu )






























































( Mâm cỗ trong đềm rằm Trung thu )

 Cho dù ở nơi đâu đi nữa, thì ý nghĩa nguyên thủy của bánh trung thu cũng là để dành cho con trẻ, dành cho tình cảm gia đình khi quây quần bên nhau vừa thưởng thức bánh, vừa ngắm trăng rằm tháng tám, vì đây là mùa trăng đẹp nhất trong năm.
   Thế nhưng ! Bánh trung thu bây giờ có còn dành cho trẻ con, có còn dành cho gia đình quây quần bên nhau nữa hay không….!? Hay,  bánh trung thu bây giờ đã bị lạm dụng làm quà '' ơn nghĩa '' của người lớn.
Chính vì vậy mới có những chiếc bánh trung thu có nhân “ chỉ - khâu ” có hộp bánh trung thu nhân hải sâm ,vi cá...đi kèm với chai rượu XO, hộp trà “ Thiết Quan Âm “  ngoại nhập trị giá vài triệu đồng...Và vì là quà '' ơn nghĩa '' quà chạy chọt  nên mới càng phải đi sớm càng tốt .
Sớm đến độ trăng tháng tám chưa kịp tròn - thì trung thu đã tàn !  
Rồi mỗi khi dịp trung thu đến, có rất  nhiều '' cảnh '' cười ra nước mắt trong gia đình của nhiều người " hàm ơn ", vì khi vừa nhận được hộp bánh “ biếu “, thì lại vội mang ngay đi '' ơn nghĩa '' chỗ khác. 
Có người còn ví '' bánh trung thu chạy vòng quanh như đèn kéo quân '' 
Có nhà nhiều bánh đến độ từ người lớn đến trẻ con chỉ " nhằn "  vài miếng rồi vứt bỏ, trong khi còn rất nhiều trẻ em trong gia đình có hoàn cảnh nghèo, dù có nằm mơ cũng không thấy được chiếc bánh trung thu, vì hiện nay một hộp bánh giá cả gấp bội phần thu nhập của bố mẹ chúng .
   Nếu ! Đã không còn giữ được ý nghĩa tốt đẹp như ngày xưa, thế thì còn gọi '' bánh trung thu '' làm gì nhỉ !?
 Nên chăng, bây giờ nên gọi là bánh “ CHUNG -THU “  là đúng nghĩa ... nhất !