Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Quá Chậm...Hay Không Làm !

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư
Tiệt Nhiên Định Phận Tại Thiên Thư
Như Hà Nghịch Lỗ Lai Xâm Phạm
Nhữ Đẳng Hành Khan Thủ Bại Hư.


Hai nữ sinh phổ thông, một Việt Nam, một Trung Quốc (học 1 năm phổ thông và ở nhà cha mẹ nuôi là người Mỹ) cùng tham gia chương trình giao lưu văn hóa ở Mỹ , được sắp xếp ở chung một nhà.
Tất cả là ngẫu nhiên, có học sinh giao lưu văn hóa Việt Nam ở chung cùng một nhà với những bạn ở các nước Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc...

Nhưng ! Ngay những ngày đầu tiên, bạn học sinh Trung Quốc, trong một lần nói chuyện với cả nhà về đất nước mình, đã "tranh thủ" giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc ; bạn học sinh Việt Nam bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động rằng: " Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam "…
Sự việc này không chỉ dừng lại ở đó. Đến cuối năm học, khi có dịp thuyết trình về một đề tài lịch sử trong lớp của mình, bạn học sinh Trung Quốc đăng ký ngay đề tài về Hoàng Sa, Trường Sa.
Buổi thuyết trình được thầy giáo khen về mặt chuẩn bị tư liệu. Lời khen đó trở thành đề tài trong bữa cơm tối ở nhà cha mẹ nuôi người Mỹ. Bạn học sinh Việt Nam phản ứng bằng cách... bỏ cơm.
Trên đây là câu chuyện có thật, được một học sinh Việt Nam tại Mỹ kể lại. Chúng ta không thể chê con cái chúng ta chậm, thực tế là người lớn chúng ta chậm, hay nói đúng ra là quá chậm.
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề trọng đại của cả dân tộc và các thế hệ người Việt Nam, nhưng dường như chúng ta chưa có kế hoạch toàn diện một cách bài bản. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong những điểm yếu. Nhìn lại toàn bộ chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học ( Tiểu Học – Trung Học – Đại Học ), không có chương nào, bài nào nêu rõ quá trình làm chủ không thể chối cãi và quá trình khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta; cũng như quá trình lấn chiếm có “lộ trình” của nhà nước Trung Quốc… Có thể nói trong chương trình giáo dục của ta hiện nay, những địa danh Hoàng Sa, Trường Sa có chăng chỉ là một vài câu chữ ở môn địa lý.
Tìm hiểu thêm trên các website chính thức, không thấy có trang nào hệ thống các bằng chứng, lý lẽ của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản, mạch lạc để học sinh và người dân (không phải là các học giả) có thể lấy đó làm vũ khí lý luận, đấu tranh mọi lúc mọi nơi.
Hàng trăm ngàn du học sinh chúng ta hiện đang học tập và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Lực lượng này có thể làm cho giới trẻ quốc tế, những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới hiểu đúng và ủng hộ chúng ta trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tài liệu không đầy đủ thì kêu gọi con cái chúng ta làm thế nào để chiến thắng?
Vấn đề là làm sao để câu chuyện " Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam " không chỉ là khẩu hiệu mà đi kèm theo đó phải là những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người Việt Nam.
Cái trước mắt có thể làm được ngay là : Đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, từ Tiểu Học cho đến Đại Học; tùy theo trình độ hiểu biết của người học mà biên soạn nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị ngay cho học sinh, nhất là du học sinh Việt Nam, những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dịch ra nhiều thứ tiếng để du học sinh trên toàn thế giới có thể sử dụng làm tư liệu trong các bài thuyết trình, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các bằng chứng về Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam .
Tại sao chúng ta lại không làm được việc này ? Dù là có chậm trễ vẫn hơn là không làm ! 
Hay là vì một lý do nào khác nên không thể..... làm được !?

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Tùy Bút Mùa Đông Bình Long 1972 (26)


( Tịnh Xá Ngọc Long trước 1972 ( đối diện xéo Nhà Thờ Tin Lành ) trên đường Nguyễn Huệ, qua nhà xe đò Hoàng Sơn một đoạn  về hướng Phi Trường Bình Long )

Nhà khách của mặt trận Bình Long là ngôi biệt thự của Ông Đại úy Hiệp Dân Biểu Hội Đồng Tỉnh Bình Long, tọa lạc bên đường Nguyễn Huệ, khu hẻm cây keo, phía trước nhà là cây xăng SHELL. Vừa mới xây dựng xong thì chiến sự xảy ra, tuy căn nhà cũng bị đạn pháo làm cho hư hại, nhưng vẫn còn nguyên vẹn hơn những căn nhà khác, chứng tích còn lại là chiếc chiến xa lội nước PT76 của đối phương bị bắn cháy nằm trên đường Nguyễn Huệ trước ngôi nhà .
 Vào trong ngôi nhà, tầng dưới được chia thành nhiều khu vực vách ngăn là những dãy bao cát tránh đạn, dùng để tiếp đón và là nơi nghỉ của khách đến thăm Thị Xã, những phòng khác là kho dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Lên phía tầng trên được bài trí thành một phòng họp. Cũng có bàn ghế dài đặt sát tường chung quanh căn phòng.
Về phía ngành của chúng tôi có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát Trưởng Khối Văn Tuyên Phủ Tổng Ủy DV&CH, Xếp Lợi  Trưởng DV&CH Khu 3 và các vị Trưởng, Phó các bộ phận nghiệp vụ của ngành ở khu 3, còn có các Ông Văn Công Tỷ Trưởng Cơ Sở DV&CH Tỉnh Bình Long , Lê Văn Bình Trưởng Cơ Sở DV&CH Quận An Lộc từ Bình Dương lên và rất nhiều quan chức của Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long đã hiện diện bao gồm : Các sĩ quan của các đơn vị thuộc Tiểu Khu Bình Long, Chi Khu An Lộc, binh chủng Biệt Động Quân hiện đang trú đóng tại Bình Long. Đúng 2 giờ vị Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, các Sĩ quan của Quân Khu 3, Tỉnh Trưởng, Phó Tỉnh Trưởng , Vị Dân Biểu Hạ Nghị Viện Tỉnh Bình Long, Trưởng - Phó Quận An Lộc và những vị Tuyên Úy Phật Giáo, Công Giáo cùng nhiều quan chức khác của Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh cùng đến.
Vị Đại tá Thành Tỉnh trưởng Bình Long đã tường trình về thành quả trong những buổi dạ thanh do Đoàn chúng tôi thực hiện được :
* Hướng bắc thị xã các đơn vị Địa Phương Quân chốt khu vực Xã Thanh Lương đã tiếp đón 12 gia đình có 57 người do một Đồng Bào Thượng dẫn đường, chạy thoát từ Quận Lộc Ninh về .
* Hướng đông Thị Xã khu vực Ấp Sóc Trào, một đơn vị Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân đã giải cứu cho 80 đồng bào ở khu vực Xa Cô 2 ( Xã Tân Hưng ) bị đối phương cô lập, buộc phải đi ngược lên biên giới Việt – Miên .
* Khu vực hướng nam gần Van Hiên, đơn vị Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long đã giải thoát 03 nam sinh Trường Trung Học Bình Long, bị lực lượng đối phương bắt, khi cùng gia đình chạy tránh nạn xuống Ấp Tân Khai, cưỡng bức cầm súng tham gia vào lực lượng du kích địa phương .
Số đồng bào này, hiện nay đang được các bộ phận CTCT của các đơn vị tại mặt trận Bình Long săn sóc tại khu vực Nhà Thờ Bình Long, khi nào sức khỏe bình thường sẽ chuyển về Trại Tỵ Nạn Phú Văn, Gò Đậu, Bình Dương.
Trong buổi họp này, Chính Quyền Tỉnh Bình Long yêu cầu Đoàn chúng tôi yểm trợ cho công việc xã hội, chăm sóc cho số đồng bào này, vì ở mặt trân này không có Nữ Trợ Tá Xã Hội.
Nhân dịp Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh bộ phận Tuyên Úy Công Giáo đề nghị Đoàn của chúng tôi yểm trợ thiết bị âm thanh và kết hợp tổ chức “ Lễ Cầu Siêu, Cầu An” cho tất cả người đã nằm xuống và những người đang còn sống tại mặt trận Bình Long và “ Thánh Lễ Giáng Sinh 1972 “ vào sáng và chiều ngày 24 tháng 12 năm 1972 .
Thay mặt Đoàn, xếp Lợi trình bày nội dung mà Đoàn chúng tôi sẽ đảm trách trong nhiệm vụ , lệnh cho Đoàn chúng tôi và vị Linh Mục Đổng, Tuyên Úy Công Giáo Tiểu Khu Bình Long cùng với Đoàn trao đổi hành động cho kịp, vì ngày mai đã là 22 tháng 12 năm 1972 .
( Còn tiếp )

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

TIN TỨC về : Thầy GIÁP BẰNG PHAN

Mời các Thầy Cô và các Anh Chị CHS-THBL đọc tin tức về Thầy Giáp Bằng Phan.
Nếu Anh Chị nào từng là học sinh của Thầy, hãy liên lạc theo địa chỉ sau :

Thầy GIÁP BẰNG PHAN " pbgiap@yahoo.com "
************************************

Thân mến gửi em Đoàn Văn Tiết.
Nếu có thể được, nhờ em thông báo với học sinh trường Trung Học Bình Long giùm thày.
Cám ơn em .
Trước hết thày xin tự giới thiệu: thày tên là GIÁP BẰNG PHAN .Thầy dạy tại trường Trung Học Bình Long khoảng từ năm 1960.
Mới đây thày có liên lạc được với thày NGUYỄN HỮU KHÁNH,thày Khánh có cho thày biết là trong danh sách các thầy cô,thầy Phan (đã tạ thế).
Không biết các em lấy được chi tiết này tại đâu ? Thày vẫn còn tại thế và hiện sinh sống tại Mỹ.

Thầy dạy tại Bình Long, thì thày bị động viên đi Sĩ quan Thủ Đức. Biệt phái trở về thì thầy dạy tại trường Nữ Trung Học Tổng Hợp SƯƠNG NGUYỆT ANH ( Saigon).
Đến năm 75,thày bị đi tù cải tạo gần 3 năm, thả về thầy dạy học trở lại tại trường cấp 3 NAM KỲ KHỞI NGHĨA ( trước năm 75 là trường Trung học ĐỒNG TIẾN (đường Trần Quốc Toản ,Saigon).Được 2 năm thầy vượt biên và bị tù tại Long Xuyên.
Thả về, thày vượt biên nữa và lần này vượt thoát sang Thái Lan rồi định cư tại Mỹ năm 1981.

Thầy vừa đi học vừa đi làm và tới tháng 9/2011,thầy đã về hưu.

Thầy dạy chuyên môn về Toán,nhưng khi tới Binh Long thì các thầy Hạnh ( hiện sống tại Mỹ ),thầy Tùng (đã tạ thế ) đã dạy Toán rồi,lúc đó trường mới có lớp đệ tứ hoặc đệ ngũ ? là lớp cao nhất của trường ,thầy đành dạy một thời gian ngắn về Pháp Văn và Việt Văn ( Khi thầy Đỗ Trọng Thạc là hiệu trưởng,thầy Thạc đã tạ thế lâu rồi ).
Chúc các em và các thày cô cùng dạy tại Bình Long luôn luôn :
AN VUI,MẠNH KHOẺ & VẠN SỰ NHƯ Ý
Thân mến
Giáp Bằng Phan

(Trích blog Nhớ Trung Hoc Bình Long )