Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Bình Long Đất Xưa & Cảnh Nay

Xin được lượm lặt một số hình ảnh của cảnh Bình Long ngày nay trên đất Bình Long ngày xưa . Để các cụ " Cổ Lai Hy " dòm lại cho đỡ nhớ.
Và cũng để con cháu về sau có đề tài " nghiên cứu ". Cũng như các cụ khi về già ở xa thật xa, có dịp về thăm cố hương không bị lạc đường, lộn chỗ .


( Chỗ tượng đài chiến sĩ, nay là công viên thị xã Bình Long )

( Tượng Đài Chiến Sĩ ngày xưa )

( Tháp nước Bình Long ngày nay, vẫn ở trên đất xưa )

( Phía bên kia đường là Tòa Hành Chánh ngày xưa, nay là trụ sở UBND Thị xã )

( Trụ sở UBND Thị xã Bình Long ngày nay )

( Tòa Hành Chánh Bình Long ngày xưa )

( Con đường này đi xuyên qua trụ sở MACVI ngày xưa xuống ngã ba Tư Dương )

( Trường học này được xây dựng trên đất Nghĩa Trang Tân Lập Phú, chỗ Tân Minh Tự hay còn gọi là Chùa Ông Năm Rài )

( Bên trong sân trường Phổ Thông Trung Học Bình Long là Sân Vận động Nguyễn Huệ ngày xưa )

( Đường Nguyễn Huệ ngày xưa, nay là đường Lê Quí Đôn )

( Đại lộ Hoàng Hôn ngày nay, ngày xưa là tử lộ của tank T54 )

( Tòa Án Bình Long hiện nay, xây dựng trên phần đất của đồn Quân Cảnh Tư Pháp ngày xưa )

( Dãy nhà phía bên trái con đường Nguyễn Huệ ngày nay, xưa kia là phần đất của Ty Chiêu Hồi, Trung Tâm Dân Ý Vụ và sau lưng rạp Lý Thường Kiệt )

Khu công viên chợ cũ, vẫn hoang tàn như xưa )

( dãy nhà hiện nay, trước đây là dãy nhà thuốc tây An Lộc )

( Chỗ đám cỏ hoang trước đây là cây xăng SHELL chợ cũ )

( Đây là nền của dãy phòng học bán công trường THBL ngày xưa)

( Con đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay, xưa là đường Cách Mạng 1 tháng 11 từ dưới Công Viên Tao Phùng lên ( hồi xưa xe be từ Lộc Ninh về hay chạy con đường này : ( Ngày xưa bên trái đường là trường THBL, bên phải đường là cổng vào Bệnh Viện Quân dân Y Bình Long )

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tháng 10 " Nịnh Vợ "


Trên thế giới, có nước nào có riêng một ngày gọi là "Ngày Phụ Nữ" không nhỉ !? Chứ ở Giao Chỉ ta ngày 20 tháng 10 là ngày " Phụ Nữ Việt Nam ". Làm đấng mày râu nghĩ cũng thật khổ, trong một năm có 2 lần phải chịu phép với các " " hết 8 tháng 3 rồi lại 20 tháng 10 .
Nhân đây xin mách nước cùng " quí ông " phương pháp " nịnh v..ơ..nặng..vợ " ai thực hiện thì cứ toàn quyền, còn ai chưa thì cứ nghiên cứu để dành .

Thân trai cũng mười hai bến nước
Nỗi lo vô phước gặp vợ… "chằng "
Thế nhưng chuyện chẳng khó khăn,
Miễn là khéo nịnh, khéo ăn, khéo "mần"

“Mần” cho tuyệt phải cần nghệ thuật,
Đòi hỏi mình hết sức “ga-lăng”,
Khi mà bà xã nấu ăn,
Xắt hành, xắt tỏi lăng xăng phụ bà.

Canh vợ nấu dù là mặn chát,
Cũng khen rằng: “ Ngọt mát em ơi !”.
Thức ăn dù chẳng muốn xơi,
Cũng gồng cái miệng nuốt trôi cho rồi !

Khi tan sở, về nơi tổ ấm,
Dù vợ nhà chưa tắm cũng hôn,
Khen rằng: “Mít chín chẳng hơn,
Thơm sao mà cả tâm hồn ngất ngây !”

Khi thấy vợ mặt mày ủ dột,
Phải khôi hài theo “mốt” Văn Chung,
Đang đi bỗng té cái đùng !
Để cho mặt vợ sáng trưng nụ cười.

Khi vợ bị trở trời, nhức mỏi,
Đừng làm lơ, phải hỏi, phải han,
Ẵm vợ nằm sấp, chân dang,
Trổ tài đấm bóp nhiều màn mê ly !

Khi thấy vợ kẻ mi, vẽ mắt,
Phải ngắm nhìn rồi gật gù khen,
Khen rằng: “Nguyệt thẹn, hoa ghen,
Dung nhan em rất “ăn đèn” em ơi !

Khi vợ muốn vào nơi mỹ viện,
Mà túi tiền chẳng tiện bỏ ra,
Nịnh rằng: “ Em đẹp thướt tha,
Sửa chi cho mất..cái mà anh yêu !?

Lỡ bè bạn có kêu đi nhậu,
Nửa đêm về, bị cấu, bị la,
Dẫu đau cũng ráng hề hà:
“Lẽ ra anh ngủ tại nhà bạn anh,

Nhưng men rượu đã hành anh nhớ,
Nhớ thương em, anh trở về đây,
Xin “cưng” đừng có quấy rầy,
Để cho anh được .. .“trả bài” đêm nay!”

Thấy vợ có lai rai tóc ngứa,
Lấy nhíp ra, ngồi tựa bên nàng,
Nhổ từng cọng tóc ngã vàng,
Cho nàng đã ngứa, mơ màng mắt nhung ..

Vợ đi tắm, phải cùng đi tắm,
Để nàng cần sờ sẫm, kỳ lưng,
Lên xe, phải đỡ, phải bưng,
Xuống xe, phải ẳm, xin đừng lãng quên.

Nếu gặp chuyện chẳng hên đưa tới,
“ Tò tí ” cùng “ em nhí ” thơm tho,
Cuộc vui bại lộ bất ngờ,
Bị vợ bắt gặp, phải lo giải bày,

Rằng: “Anh trót nhậu say, lỡ dại,
Bị ma men khơi dậy máu ba lăm,
Ả nầy chẳng đáng anh mê,
Nhưng mà không… “ấy”, ả chê “ cần lù ”.

Em xinh đẹp bội phần hơn ả,
Thôi thì nên hỉ xả cho anh,
Cho anh cơ hội làm lành,
Chẳng còn tái phạm, tập tành thói hư !!”

“Làng Đực Rựa” vốn dư “chiêu thức”,
Phục vụ bà tích cực đêm ngày.
Có chàng thì rất dẻo dai,
Có chàng kiểu cọ lại hay.. lắm trò.

Tài sức ấy đủ cho vợ khoái,
Muốn thêm “suya” thì phải nịnh bà.
Ở vào thời đại chúng ta,
Phải theo mẫu hệ, các bà mới mê !

Bọn phong kiến hay đè bẹp vợ,
Thời bây giờ để vợ ngồi trên,
Dẫu rằng nghẹt thở cũng nên,
Miễn sao bà xã được lên non Bồng.

Các bả “lái” các ông vất vả,
Lái nhiều, bằng lái đã có…. râu!
Dù ông lả lướt tới đâu,
Thế nào cũng phải qua cầu... tòng thê.

Xin thời tạc dạ lời thề “ Bà Thơ “
“Nâng dĩa” vợ vạn điều êm ấm !
Tôi đây kinh nghiệm trải qua
Vợ mình, mình nịnh, biết còn nịnh…. ai ?

( tác giả : khờ...ông...không biết nịnh )

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Gà " Không Lông "

Xin giới thiệu cùng các nhà chăn nuôi " Gà ta " một giống gà...." Khỏa Thân " siêu thịt, hay còn được gọi bằng cái tên thông dụng khác là gà " Không Lông " .
( Nhìn giống như là gà bị " nhổ lông khô " rồi thả ra )













Gà "khoả thân" hay còn được gọi với tên gọi phổ biến là gà " không lông " là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học của Đại học Rechovot, Israel do Avigdor Kahaner làm chủ đề tài.
Đây là loại gà siêu thịt, ít lông năng suất rất cao, phù hợp với các quốc gia có khí hậu nóng như Trung Đông, Bắc Phi.
( Chúng ta thử nhập đem về nuôi ở Giao Chỉ mình, đằng nào thì nó cũng bị " rô ti " nếu mà sống được, nuôi được ở xứ Giao Chỉ ta thì mình chậm " rô ti " một chút, còn nếu như không xong thì....nướng liền )

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Bệnh giời leo (herpes zoster virus)

Tất cả chúng ta nếu thấy trên cổ, trên mặt, trên lưng, bắp vế, bắp tay, thậm chí cả khu “tam giác quỷ” của mình, xuất hiện một vệt đỏ hơi sần sùi những mụn cám, tưởng như bị côn trùng đốt hoặc là nổi mề đay . Nhưng thấy vết đỏ nọ không lặn, những mụn cám phồng dần, không ngứa mà lại đau nhức, biết ngay đã bị căn bệnh giời leo. Nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt


Nguyên nhân gây bệnh giời leo (herpes zoster virus)
Bệnh này già hay trẻ cũng bị bệnh nhưng vào tuổi già thì dễ mắc bệnh hơn vì hệ thống miễn nhiễm yếu .
Đại đa số trong dân gian đều cho rằng : nguyên nhân tại “ con giời “ một loài côn trùng có phát lân tinh về đêm giống như con đom đóm, nhưng chỉ nhỏ cỡ đầu cây tăm gây ra. Chặp tối, “ con giời “ bay đi kiếm ăn, quẹt trúng quần áo đang phơi ngoài trời. Người nào lỡ mặc phải quần áo bị “ con giời “ quẹt trúng đương nhiên bị bệnh giời leo (có lẽ vì thế người ta không để quần áo phơi ngoài trời vào ban đêm).
Còn giới tây y đã minh oan cho “ con giời “ đồng thời đã chỉ ra đích danh thủ phạm gây bệnh giời leo là virus Herpes Zoster (cũng là virus gây bệnh thủy đậu). Bệnh này tuổi nào cũng có thể “được” nếm mùi, nhưng ưu tiên nhất vẫn là các vị tuổi 60 trở lên (tính trung bình trong số những người mắc bệnh giời leo mới hàng năm thì phân nửa là người cao tuổi).



Triệu chứng
Khi mới bị phát bệnh, nếu kịp thời đi bác sĩ ngay thì sẽ không phải nếm những cơn đau “như có hàng trăm con ong cùng chích một lúc” hay “như có cái khoan, đang khoan xoáy vào trong xương tủy ”. Nếu để cho bệnh đã phát kịch liệt, “giời” chạy lung tung, các dây thần kinh bị thương tổn nặng, việc chữa trị sẽ rất khó khăn, lâu lắc, thậm chí không tác dụng, có thể dẫn đến cái chết vì bệnh giời leo ...

Chữa trị
Tây y : Trừ thì chưa có nhưng phòng thì có rồi, ở Mỹ từ năm 2006 thuốc chủng ngừa đã được lưu hành. Chích trên cánh tay gần vai, kim chích vào tay chỉ đau bằng 1/1000 của sự đau đớn nếu đã bị bệnh và đau kéo dài hàng năm trời.
Bệnh nhân được khuyến cáo không đắp các thứ lá vớ vẩn dễ nhiễm trùng da, không cúng quẩy, bùa chú mà phải sử dụng vài biệt dược như Acyclovir (uống 5 lần/ ngày, từ 7 ngày- 10 ngày) hay Valacyclovir (3 lần/ ngày, uống 7 ngày), Famcyclovir (3 lần/ ngày- uống 7 ngày), đồng thời đắp gạc mỏng lên vết thương, giúp ngăn không cọ xát vào quần áo. Tùy theo thể tạng người bệnh, tình trạng bệnh, những loại thuốc giảm đau, chống trầm cảm, tăng sức đề kháng có thể được bác sĩ chỉ định dùng thêm .
Dân gian : Thay vì đi bác sĩ, họ lại tìm tới “ Thầy khoán “. Chung quanh việc chữa bệnh giời leo bằng cách “ khoán “ có nhiều điều “ rất lạ”.
Thầy "khoán" chữa bệnh

Danh từ “ Thầy khoán”……Khoán : Đại ý hiểu nôm na là giao phó, lãnh nhận trọn vẹn (trong bán khoán, nhận khoán, mua khoán). Trong bệnh giời leo (cả bệnh quai bị) khoán có nghĩa là “rào” khoanh vùng chỗ bị đau lại, không cho bệnh “dời” hay “leo” sang chỗ khác. Khi con bệnh đến xin khoán, nếu thấy vết đỏ chưa lan rộng, mụn chưa chảy nước, người bệnh chưa bị những cơn đau nhức dữ dội hành hạ thì có nghĩa mới bị một tuần đổ lại, và cơ may chữa lành bệnh là trăm phần trăm, “ Thầy khoán “ sẽ dùng vôi ăn trầu (hay mực tầu) vẽ một vòng tròn quanh vết đỏ để phong tỏa “giời”. Quá trình chữa bệnh diễn ra chừng một phút, người bệnh không bị đau đớn, “ Thầy khóan “ không va chạm vào người bệnh,và không phải uống thuốc hay dán bùa, bị quất roi dâu như kiểu trục bệnh của mấy cụ “ Thầy pháp “ bắt ma – trừ tà .
Cách chữa của ” Thầy khoán “ rất là đơn giản, chỉ cần đốt ba nén nhang, bảo người bệnh nhắm mắt lại, quơ nhang vẽ ngoằn ngoèo trước vết đau như vẽ bùa, đọc lầm thầm vài câu gì đó, rồi ngậm một nhúm bột trắng (là gạo và nếp giã nhuyễn, trộn chung) nhắm thẳng những vết sưng đỏ trong vòng khoán thổi phù phù. Thầy thổi xong, người bệnh ra về. ngày mai, ngày mốt đến khoán tiếp, đủ ba lần khoán là xong. Những vết đỏ sẽ bớt sưng tấy, chuyển từ mầu đỏ sang đỏ sẫm, rồi thâm đen, các mụn khô mặt, tróc vẩy, bệnh lui dần rồi hết hẳn. Người bị bệnh giời leo một lần đã được khoán trị rồi, nhưng chưa chắc là đã được miễn nhiễm. Còn khi đang chữa trị bệnh giời leo bằng cách khoán, phải kiêng ăn “đồ phong” như : tôm, cua, thịt bò. Đặc biệt, không được viếng đám ma.
Cũng không nên phối hợp vừa chữa thuốc tây vừa đi khoán, trừ khi người bị bệnh muốn “thăng thiên về chầu trời “ sớm.
Để tạ ơn Thầy, thường là con bệnh chỉ mua đĩa trái cây hay trà bánh để Thầy cúng tổ. Cũng có người “bỏ bao thư” nhưng chỉ năm, ba chục ngàn gọi là cho có . Ai mà làm “ thầy khoán “ cũng đều vậy, nghĩa là phải mưu sinh bằng nghề khác, còn khoán chỉ coi là duyên, là nghiệp chứ không phải nghề. Người làm “ thầy khoán “ lúc thọ giáo với sư phụ, phải thề không ăn tiền, không lợi dụng người bệnh. Nếu làm trái lời thề, sẽ tự nhiên bị “phế võ công”.
Trong cuộc chiến phòng và diệt bệnh giời leo Lang tây và Lang ta” một bên đại diện cho khoa học thực nghiệm, một bên đại diện cho khoa học... huyền bí, chỉ giống nhau ở chỗ cùng thừa nhận bệnh giời leo gây đau đớn dữ dội cho người bệnh, nếu chạy chữa ngay trong tuần đầu thì “no problem” (để muộn có thể gây biến chứng nặng cho vài bộ phận cơ thể hoặc nguy tới tính mạng), còn trong cách giải thích nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh thì hai “ lang” khác nhau một trời một vực.
Nói tóm lại, giời leo là một căn bệnh quái ác, chúng ta không nên xem thường.
Những hình ảnh bệnh Giời leo (herpes zoster virus)








(St)