Giải trình về chủ trương thu Phí Lưu Hành Đường Bộ đối với xe cơ giới và Phí Lưu Hành vào giờ cao điểm ở các thành phố lớn, người phát ngôn của Bộ Giao Thông Vận Tải, chánh văn phòng Nguyễn Văn Công nhắc lại hai con số 12.000 người chết và số lớn hơn thế người bị thương trong năm để khẳng định lý do vì sao Bộ đề xuất chủ trương này lên Chính phủ .
Điều này cho thấy trước sau Bộ Giao Thông Vận Tải vẫn cho rằng việc có quá nhiều xe ra vào các thành phố là nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông . Điều đó hoàn toàn không đúng vì chính Ủy ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia đã tổng kết : tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất là trên quốc lộ khi đường hai chiều mà các lái xe thường phóng nhanh vượt ẩu, người đi xe máy thường sang đường thiếu quan sát …Còn trong thành phố , các xe chạy như rùa bò nên tai nạn chết người ít xảy ra .
Trong giải trình này không thấy Bộ đưa ra lý do kẹt xe và từ đó phải thu thêm tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng mặc dù trước đó Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có nói đến chuyện này khi trả lời các nhà báo. Như vậy giải trình của Bộ Giao Thông Vận Tải là thiếu nhất quán và không đầy đủ. gió chiều nào che chiều ấy, thiếu luận cứ khoa học cần thiết
Ông Thăng Bộ Trưởng còn yêu cầu Văn phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia ra văn bản gửi Thường Vụ Quốc Hội phản đối một số ý kiến của các Đại Biểu Quốc Hội không đồng tình với chủ trương này. Trong đó có cả Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chung Lưu. Cho rằng các vị đã làm trái với nghị quyết về “năm giao thông” đã được Quốc Hội thông qua
Điều này cũng không đúng và các vị Đại Biểu Quốc Hội sẽ phản ứng khi ông Bộ mưốn tước cả quyền phát biểu quan điểm cá nhân của các Đại Biểu Nhân Dân trong khi nghị quyết của Quốc Hội là rất chung chung còn đề xuất của Bộ Giao Thông thì lại quá cụ thể .. Đối đầu với nhân dân chưa đủ, Bộ Giao Thông Vận Tải còn muốn đối đầu cả với các Đại Biểu của nhân dân . Khá to gan đấy chứ ! Không biết có ô dù nào ở bên trên hay không ?!
Tìm ra nhiều giải pháp tổng thể và phối hợp đồng thời để gỡ bài toán ách tác và tai nạn giao thông là điều cần thiết nhưng không thể đốt cháy giai đoạn và coi thường các ý kiến phản biện xây dựng từ các tầng lớp nhân dân trong đó có các Đại Biểu Quốc Hội. Không thể dựa vào nghị quyết này nọ mà bóp mồm bóp miệng các đại biểu của dân được
Rõ ràng thu thêm phí sử dụng đường bộ có thể tăng thêm cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng tiền đó được giao cho thành phố hay giao cho Bộ ? Mà nếu giao cho thành phố thì Hội Đồng Nhân Dân phải có ý kiến. Bộ không thể làm thay việc của thành phố được. Từ chủ trì quản lý doanh nghiệp độc quyền chi tiêu hàng ngàn tỉ đồng , ký cái roẹt không cần hỏi ý kiến ai, sang quản lý nhà nước chi một xu cũng phải báo cáo. Hình như Bộ trưởng Đinh La Thăng chưa qua bài học lấy dân làm gốc. Cứ định làm thay chính quyền các tỉnh, thành phố là không có được đâu .
Việc thu phí đường bộ có thể thu rốt ráo qua khâu đăng kiểm định kỳ hay khâu đăng ký phương tiện lần đầu tiên, nhưng nếu chỉ thu các xe biển trắng thì đã công bằng chưa? Bộ sẽ giải thích ra sao khi miễn trừ cho xe buýt và xe công vụ ? Xe buýt là xe kinh doanh có điều kiện tại sao lại không phải đóng phí ? Còn lý giải rằng thu phí cao đối với xe ô tô là đánh vào anh nhà giầu nhưng lại trừ xe biển xanh thì cũng không ổn. Vì hiện nay ai cũng biết chỉ có các quan chức mới đi xe công vụ mà quan chức diện đi xe công vụ hiện là người giầu có nhất đất nước này ! Thế thì công bằng ở đâu ? Còn việc thu phí vào giờ cao điểm thì chỉ cần giữ một xe lại để hỏi giấy tờ là tắc đường dây truyền xảy ra ngay. Tôi cũng chưa hình dung ra thu như thế nào, ai đứng ra thu, ai kiểm tra kiểm soát .
Đừng máy móc mang bài học ở một nước đã phát triển và có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh như Singapore vào đất nước “ khó phát triển ” như Việt Nam. Trong giờ cao điểm, tôi ở trong nội đô chỉ đi loay quanh từ quận này sang quận khác thì có phải mua vé vào thành phố không ? Liệu công an có đủ lực lượng và có nhiệt tình giúp ngành giao thông, ngành chuyên bày vẽ thêm các chuyện rắc rối cho họ vất vả có đồng tình và ủng hộ chủ trương này hay không ? Hay là trống đánh xuôi kèn lại thổi ngược. Lúc đó thất bại là cái chắc .
Giao thông là vấn đề xã hội tổng hợp nhất . Làm nghề giao thông là “ làm dâu trăm họ ”, là phải đối mặt với người dân từng giờ từng phút. Anh chưa bao giờ chia sẻ với người dân niềm vui về sự đi đến nơi về đến chốn và cũng chưa bao giờ chia sẻ thật lòng nối đau thương đối với các gia đình bị mất người thân do việc quản lí quá yếu kém và bất cập của ngành giao thông, chưa bao giờ chia sẻ sự bực bội khi người dân vì tắc đường kẹt xe mà không thể đến cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, không thể đưa con đến trường, đến công sở làm việc đúng giờ .
Tất cả chỉ là nói mồm, là hứa suông trên đầu lưỡi và bây giờ là móc túi người dân (trừ các quan chức) Thử hỏi khi đã thu tiền của dân rồi mà đường vẫn tắc, tai nạn vẫn không giảm thì Bộ Giao Thông có trả lại tiền cho dân không ? Bộ Trưởng có từ chức hay không ? Thiết nghĩ nếu Quốc Hội hay Chính Phủ ra nghị quyết cho phép ngành giao thông thu lệ phí này thì cũng cần bỏ một số các lệ phí khác trùng lặp để tránh tình trạng phí chồng phí, đồng thời phải yêu cầu Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cam kết cụ thể nếu mục đích của việc thu phí không đạt trong một thời hạn nhất định nào đó , Bộ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng thất thoát và công trình không đảm bảo tiến độ và chất lượng (như đã từng nhiều lần xảy ra). Tất cả các việc này đều yêu cầu công khai minh bạch . Chỉ khi đó người dân mới có thể đồng tình cùng Bộ Giao Thông Vận Tải giải bài toán ách tắc và tai nạn .
Lúc này là lúc cần nhớ bài học “ Dễ muôn lần không dân cũng chịu, Khó vạn làn dân liệu cũng xong ” Không dựa vào dân, không nghe những lời nói nghịch nhĩ, chỉ thích lũ nịnh thần xu hót, khăng khăng cho chủ quan của mình là đúng chắc chắn sẽ thất bại .
LƯƠNG KHÁU LÃO
(Trích quechoa.info)
Lời bàn : Xin được hiến kế là chúng ta hãy làm quen và sử dụng loại phương tiện của dân chúng Thành phố Thượng Hải (China)dưới đây, để khỏi nhọc lòng đến việc mà Bộ GTVT đề xuất .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét