Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Tháng 10






Tản mạn về chúc thọ Nhân ngày 1 tháng 10 ngày quốc tế người cao tuổi
Chữ Thọ theo chữ Hán xếp vào bộ sĩ gồm có 5 chữ cấu thành, và chữ sĩ xếp trên đầu chữ Thọ। Sĩ nghĩa đen là học trò, rộng ra là sự hiểu biết, là tư duy. Như vậy điều đầu tiên muốn sống lâu thì bộ óc luôn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo.
Có nhiều công trình khoa học có giá trị được đúc kết phát minh ở vào tuổi trên 70. Người Pháp có câu tục ngữ “Tôi suy nghĩ, là tôi tồn tại”. Như vậy thường xuyên suy nghĩ sáng tạo là giúp ta sống lâu. Ngày nay, đã có quan điểm xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời.
Ở Pháp, vào độ tuổi 60 thi vào đại học là điều khuyến khích. Ở Việt Nam các cụ làm công tác nghiên cứu khoa học vào tuổi trên 70 vẫn còn học sử dụng thành thạo vi tính. Cho nên người ta thường nói : “ Những suy nghĩ sâu sắc nhất thường chỉ có ở tuổi già “.
Chữ thứ 2 của chữ Thọ là chữ Nhị, nghĩa đen là hai. Nghĩa rộng ra là quan hệ giao lưu qua lại. Người già muốn sống lâu phải thường xuyên giao tiếp tìm đối tác, trao đổi từng lĩnh vực của đời sống như văn hóa, chính trị, khoa học, kinh tế xã hội. Việc giao tiếp này cũng có nghĩa là nâng cao năng lực tư duy, giải tỏa những mắc mớ làm cho đầu óc thanh thản. Trong phương châm sống của người Trung Hoa, người già cần có vợ chồng chung thuỷ, có bạn bè tri kỉ để trao đổi tâm tình. Có nhiều cụ sống trên 80 tuổi, số bạn bè càng ngày ít vì các cụ đã dần dần ra đi, do đó cần phải tăng cường giao lưu để có nhiều bạn mới, có cơ hội gặp nhau thường xuyên, sống vui vẻ là ít bệnh tật hơn.
Chữ thứ 3 của chữ Thọ là chữ Công, nghĩa là vận động. Người già muốn sống lâu cần vận động theo sức lực của mình, trong vận động đáng chú ý nhất là đi bộ. Tuy nhiên đối với người đau khớp gối, khớp háng lại nên chỉ đi bộ vừa phải. Việc đi bộ trong thực tế đã làm chậm phát triển một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiêu hóa... được phát hiện cách đây hơn 70 năm tại Mỹ trong tác phẩm “ Sức khỏe với đi bộ “ (walk health).
Vận động giúp cho mạch máu được mềm dẻo, không xơ cứng; máu dễ lưu thông đến nuôi các tế bào trong cơ thể, nhất là bộ não. Vận động kết hợp với thở, nhất là thở theo phương pháp khí công là thở có 4 thì ( hít vào sâu bằng mũi, nén khí ở bụng, thở ra kéo dài bằng mũi, và ngừng thở khoảng 5 - 7 giây ).
Chữ thứ 4 của chữ Thọ là chữ Khẩu, nghĩa là miệng. Trong các chữ Hán có nghĩa phát ra lời nói, phần lớn có chữ Khẩu hoặc chữ Ngôn (nói). Chữ Khẩu trong chữ Thọ có nghĩa trừu tượng hơn. Như câu tục ngữ “ăn bớt bát, nói bớt lời” hay câu “tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào” là bao hàm phần nào nghĩa trừu tượng của chữ khẩu đối với người già.
Khoa học dinh dưỡng đối với người già cũng đã đề cập nhiều về chế độ ăn uống hợp lí. 3 chất chủ yếu là đạm, mỡ và đường bột theo tỉ lệ 1/0,7/3 - 3,5 trong khi ở người trưởng thành là 1/1/6 nghĩa là giảm bớt chất đường bột.
Người già duy trì chế độ ăn uống, không cho cơ thể quá cân, nên ở trong khoảng 18 - 23 của chỉ số IBM (kg) chia cho bình phương của chiều cao cơ thể theo đơn vị (m).
Chữ thứ 5 : là chữ cuối cùng của chữ Thọ là chữ Thốn, theo nghĩa đen là tấc, nghĩa rộng là sự đo đếm, là mực thước. Chữ này ở trong chữ Thọ là quy định 4 hoạt động trên đây đều nên ở một mực thước nhất định, là định lượng các hoạt động ở một mức thích hợp cho từng người chứ không phải cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên còn có nhiều yếu tố tạo cho con người sống lâu như di truyền, môi trường sinh thái, môi trường xã hội... kể cả sự rủi ro và may mắn mà trong chữ Thọ không thể nói lên được.
Lễ chúc thọ các cụ từ 70 trở lên. Để các cụ sống lâu, sống khỏe, sống có ích. Có một cuộc sống trường thọ, là đem niềm vui đến cho gia đình và xã hội, chúc các cụ sống lâu theo ngữ nghĩa của chữ Thọ là một triết lý sống của người phương đông.



NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC NGƯỜI GIÀ
Hiểu và biết cách chăm sóc sức khỏe đúng cho người cao tuổi là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe cho ông, bà, cha, mẹ mình. Sau đây là một số gợi ý:
Người già không nên ăn quá no vào buổi tối.
- Khi chăm sóc người già cần chú ý những đặc điểm gì ?
Do trương lực dạ dày giảm, sức co bóp yếu, dịch vị và dịch nước bọt cũng như các men tiêu hóa hấp thụ giảm cả về số lượng, chất lượng nên người già thường ăn kém ngon. Mặt khác, hoạt động thể lực giảm, tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản giảm nên nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm theo. Vì thế, người già cần giảm lượng ăn vào.
Nếu ở người trẻ tuổi, mỗi ngày cần 2500 kcal thì khi 60 tuổi chỉ cần 80% (2000 kcal) và khi 70 tuổi chỉ cần 70% (1800 kcal) là đủ. Cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm, nhai kỹ. Nên thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ, hầm kỹ, dễ tiêu; nên ăn món luộc, hấp thay cho món xào và nướng.
Người già cũng không được ăn quá no, nhất là vào buổi tối, vì khi nằm dạ dày căng to sẽ đẩy cơ hoành lên chèn ép làm cản trở hoạt động của tim. Ăn xong, các cụ nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút nhằm giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn để chuyển xuống ruột non dễ dàng.
- Những loại thực phẩm nào người già nên ăn và không nên ăn ?
Người già nên ăn nhiều các carbohydrate phức hợp và các chất xơ như khoai, gạo xát không trắng quá. Những thức ăn này sẽ giúp hạ bớt cholesterol trong máu, giảm huyết áp, giảm tình trạng không dung nạp đường và ngăn ngừa táo bón.
Để chống ung thư và các bệnh thoái hóa, người già cũng nên ăn nhiều thức ăn thực vật vừng, lạc, đỗ, rau xanh và hoa quả tươi (rau chân vịt, cà rốt, cà chua, cam). Trong thực đơn cũng nên thêm những thực phẩm có chứa canxi và vitamin D như sữa, đậu phụ, pho mát, cá để phòng tránh bệnh loãng xương.
Ngoài ra, người già còn phải được chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng vì họ thường có nguy cơ thiếu các chất này. Hạn chế ăn thức ăn có nhiều chất béo như mỡ động vật, trứng, phủ tạng, da gia súc; các loại carbohydrate đơn là đường và các chất dẫn của nó; không ăn mặn.
- Người già ăn rất dễ bị nghẹn, cách xử trí và phòng bệnh như thế nào ?
Nghẹn nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Người bị nghẹn có những biểu hiện sau: Trong lúc ăn bỗng thấy khó nuốt, nấc, nôn oẹ rồi ho dữ dội, nói không ra tiếng, có trường hợp nghẹt thở... Khi người cao tuổi mắc phải bệnh lý đó, người nhà cần chú ý cấp cứu ngay tại chỗ, đồng thời báo cho bác sỹ đến trợ giúp.
Đối với trường hợp người nghẹn vẫn tỉnh táo, hãy để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người ra phía trước. Động viên họ ho mạnh nhằm tạo ra dòng khí quản thúc đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp, người cấp cứu đứng phía sau đập mạnh vào vùng lưng.
Còn nạn nhân bất tỉnh, hãy cho nằm nghiêng người, người cấp cứu lấy 1 ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, tay kia đập mạnh vào vùng lưng. Khi đã làm hết cách mà vẫn chưa có kết quả thì phải ép ngực làm hô hấp nhân tạo: nắm hai tay nạn nhân ép xuống ngực rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục thao tác này. Nếu không giải quyết được thì phải dùng kim tiêm lớn chọc vào khí quản, mở đường thông khí, duy trì sự sống.
Để hạn chế tối đa bệnh nghẹn, người cao tuổi cần lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, tập trung khi ăn uống, không nói chuyện, mải nghĩ và tránh bực mình trong bữa ăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét