Vì buổi tập hôm nay kéo dài cả buổi trưa, nên chiều nay Anh
Em trong Đoàn được nghỉ xả hơi và tùy nghi xử dụng thời gian của mình. Các cô
gái kéo nhau sang những nhà người dân gần đó để tắm gội, sau đó lại tập trung
chuẩn bị y phục cho ngày mai. Những chiếc áo dài được xếp, nằm thật kỹ trong ba
lô – túi xách tưởng là sẽ không có dịp sử dụng đến, được mang ra. Lại là một
việc làm khổ thân nam giới chúng tôi, vì phải chạy máy phát điện cho các cô ủi
y phục, vì thế nhóm nam giới phải chia nhau luân phiên canh chừng máy. Nhưng để
bù lại các cô dành quyền ủi giùm y phục của nam giới chúng tôi, thế là huề .
Đến xế chiều tất cả chúng tôi tập trung đi thăm những gia
đình còn ở lại tại Ấp Phú Đức khu vực ga xe lửa, tại đây có những vườn rau cải
xà lách, cải ngọt của các gia đình và của cả các đơn vị quân đội, những và thuở
ruộng nhỏ cấy lúa, đang trổ bông, trông cảnh vật thật là thanh bình.
Chúng tôi đi dần theo con đường Phạm Hồng Thái đến khu vực
nhà Thờ Bình Long cũ trên nền của nhà đề bô xe lửa Hớn Quản, theo chân những
người lính chúng tôi rẽ trái vào con đường dốc rải sỏi xuống khu vực Chùa
Chưởng Phước, đi qua cây cầu bắc ngang qua suối Quản Lợi là phần đất của Ấp Phú
Hòa. Từ đây những mảnh vườn, ruộng chi chít những hố bom vì trong cuộc chiến
vùng này là điểm cuối của những phi vụ oanh tạc của B52 trải dài từ hướng bắc
khu vực Phú Lạc , Xóm Cũ và từ hướng đông Núi Gió, Sóc Gòn đến.
Ngay cổng vào Chùa Chưởng Phước bên cạnh cây cầu có xác một
chiếc phi cơ thám thính hai đuôi, hai động cơ ( trước và sau) không phải loại
phi cơ thám thính L19 hay còn gọi là “ Máy Bay Bà Già “, bị trúng đạn rơi va
vào cổng chùa, cắm đầu xuống đất, làm cho các trụ cổng chùa bị gãy ngang và sập
. Những người Quân Nhân đi cùng chúng
tôi cho biết : Chiếc thám thính cơ này bị trúng đạn tầm nhiệt phòng không SA7
của đối phương khi đang bao vùng bắn hỏa điểm cho các khu trục cơ oanh tạc.
Người phi công đã không kịp nhảy dù thoát thân, sau khi khu vực này được tái
chiếm mới lấy được xác vị Trung Úy Phi Công tên là Hùng, rất may là phi cơ
không bị cháy, tuy nhiên xác người phi công chỉ còn lại bộ xương khô, rã rời
nằm trong bộ quần áo bay trên ghế lái , nhưng cũng phải đào sâu xuống cả thước
mới đưa được xác ra ngoài, thương cảm vô cùng .
Chúng tôi nhìn quanh chỉ thấy những người lính đang làm công
việc của nông dân, chung quanh không còn một ngôi nhà và ngươi dân nào ở cả.
Nhìn vào cổng Chùa chỉ thấy cái nền Chùa không còn nhận ra hình thể , tất cả đã
bị bom tàn phá . Dưới giòng suối là những người lính đang tát nươc để bắt cá,
họ bắt được rất nhiều cá lóc, cá trê, lươn….Chung quanh là những nương
mía,không biết là trồng trước cuộc chiến còn lại hay là do những ngưới lính mới
trồng sau này. Nhưng dù gì thì các cô gái cũng được các quân nhân chặt cho vài
cây làm quà vác về . Vì khu vực phía trước không còn nhà dân nên chúng tôi phải
dừng lại ở đây, con đường này ngày xưa cũng được rải sỏi đỏ dẫn đến vườn trồng
rất nhiều loại cây ăn trái của nhà ông thầy Tư Ngải, nhưng bây giờ toàn là đất
xám, đen của đồng ruộng hai bên đường do bom nổ tung lên , không còn nhận hình
thù của con đường ngày xưa. Lòng cảm thấy xót xa khi nhìn cảnh hoang tàn của
một vùng đất trù phú xưa, mà thương cho mảnh đất Bình Long hiền hòa.
Chúng tôi không hẹn mà cùng cất lên tiếng hát :
“ Bình Long quê hương tôi chìm trong máu, lửa, hoang tàn,
Bình Long quê hương
tôi, Bình Long hai tiếng thảm thương,
thương rất nhiều đồng
bào vô tội ngã gục……..”
Đoàn chúng tôi đành ngậm ngùi chia tay những người lính “
nông dân” ở đây, để trở về bản doanh chuẩn bị cho công việc ngày mai đầy khó
khăn hơn, đang chờ chúng tôi .
( Còn tiếp )