Việt Nam chúng ta có Ngày Nhà giáo. Nhiều nước trên thế giới (như Úc chẳng hạn cũng có Ngày Nhà giáo hay Teachers’ Day), nhưng hình như không rầm rộ như ở Việt Nam. Tôi thấy Ngày Nhà giáo ở Việt Nam là một truyền thống hay. Hồi xưa, trước 1975, người ta thường ví thầy cô là “ Kỹ Sư Tâm Hồn “, cách ví von đó chẳng sai chút nào. “ Không thầy đố mày làm nên “ đó là câu mà ông bà mình vẫn hay nói. Trong đời mình, ai cũng có một người Thầy hay một người Cô đáng nhớ.
“ Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư ”.
Chiếu theo câu nói đó, trong đời tôi cũng có nhiều Thầy và Cô lắm. Và, vào ngày này làm tôi nhớ nhất là thầy dạy tiểu học, tên Thầy là Trúc đã qua đời trên 30 năm rồi. Người để lại nhiều dấn ấn trong tôi. Cũng lạ, những Thầy Cô thời Trung học và sau này, không để lại dấu ấn gì trong tôi mà chỉ có Thầy, Cô thời Tiểu học! Tôi vẫn nhớ Thầy Trúc là một nhà giáo đúng mực, một nhà giáo tiêu biểu. Thầy là giáo viên lớp nhì, rồi lớp nhất Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc. Phần lớn gia đình của Thầy đều làm nghề giáo. Tôi học với Thầy Trúc hai năm cuối Tiểu học trước khi đi thi đệ thất. Dù ở một tỉnh lẽ, gần như thôn quê, nhưng mỗi khi lên lớp là Thầy vận quần áo nghiêm chỉnh (áo bỏ vô quần, mang giầy), trông rất đạo mạo. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Bây giờ tôi mới biết đó là những bài Thầy trích từ Quôc văn Giáo khoa thư. Thầy đã gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và rất tận tụy với học trò. Mỗi lần tôi ra chợ mà gặp Thầy là theo “luật làng” phải khoanh tay và chào Thầy. Thật ra, lúc đó tôi rất ngán Thầy, nên thấy Thầy ở xa xa là tôi tìm cách … tránh. Hồi còn nhỏ, tôi chắc thuộc loại học trò hơi “quậy”, nên cũng nhiều phen bị Thầy cho ăn đòn. Thời đó, có nhiều hình phạt “độc đáo” lắm. Một trong những hình phạt là nằm dài trên bàn và thầy/cô tha hồ quất roi! Những lúc đó, chẳng hiểu sao tôi không thấy mắc cở gì cả. Nhớ có lần tôi bị đòn, đến giờ ra chơi, cô bạn học tên N (bây giờ là một “quan đốc”) đến bên tôi nó nói “Tao có cái này, mày ăn là hết đau”. Tưởng gì, hóa ra là quế, mà ăn quế thì cay cay, ngọt ngọt, chứ có hết đau gì đâu ! Chẳng hiểu sao câu nói đó nó theo tôi đến tận bây giờ. Một hình phạt khác là quì xơ mít trước cột cờ. Cũng may là tôi chưa bị hình phạt này lần nào. Thật ra, tôi cũng chưa thấy đứa nào bị quì xơ mít cả, có quì ở hành lang trước cửa lớp thì có. Bây giờ nhớ lại mấy hình phạt này mà phát sợ.Ở Thầy, tôi còn thấy một sự phân định rạch ròi giữa cá nhân con người và chức phận. Thầy có những đam mê cá nhân có thể ngày nay không được xem là hay lắm, nhưng về mặt chức phận Thầy là một người làm tròn nhiệm vụ nhà giáo. Sau này lớn lên tôi mới biết là Thấy rất mê đá gà. Nhưng Thầy rất quan tâm đến chuyện thi cử. Tôi nhớ năm đi thi lên trung học, Thầy doạ đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt Thầy ! Trường tiểu học của tôi tuy nhỏ tí tẹo và xa “kinh thành” như thế nhưng có khá nhiều người thành đạt sau này. Công ơn của Thầy không thể nào không ghi nhận ở đây được.
Sau năm 1975, cả gia đình của Thầy đều tiêu tán. Thầy đương nhiên bị rơi chức hiệu trưởng và không được dạy học. Các con của thầy cũng không được dạy. Tôi nghe nói con út của Thầy ức quá nên tự tử chết. Còn con lớn thì lang thang như kẻ ăn xin ngoài phố. Bây giờ nhìn lại thời đó tôi thấy cái chính sách giáo dục thiển cận và giáo điều đó làm thui chột biết bao nhiêu nhà giáo có tài và có kinh nghiệm. Rất tiếc là năm tôi đến thăm thì Thầy không còn nữa để nói một lời cám ơn.
Tôi đã nói qua về người thầy của tôi thời Tiểu Học: Đó là thầy Trúc. Hôm nay, chợt nhớ một chuyện xưa cũng cảm động, nên tôi lại nhân cơ hội này nói qua về một người Thầy và Cô mà tôi theo học Trung Học. Câu chuyện của hai người cũng là một "chứng từ" cho một thời dao động lịch sử ở nước ta mà có lẽ ít người trẻ bây giờ biết được. Thầy tôi tên B, dạy văn chương. Nghe nói Thầy được biệt phái hay giải ngũ từ quân đội. Thầy B người thấp, không đẹp trai mấy nhưng không xấu tướng, ăn nói hoạt bát, miệng lúc nào cũng cười, áo chemise trong quần tây, trông rất lịch sự, Thầy có chiếc vespa rất oách ( thưở đó, chỉ có Thầy và hiệu trưởng có vespa). Thầy dạy văn tuyệt vời, Tôi mê thơ cũng là từ Thầy.
Còn Cô tên là H, dạy toán. Hình như lúc đó, Cô chỉ mới tốt nghiệp đại học sư phạm. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng đám học trò chúng tôi đã cảm nhận được cô H đẹp lộng lẩy, y như câu nói "mặt hoa da phấn". Tôi vẫn còn nhớ Cô thường đến trường trên chiếc xe Velosolex màu đen, áo dài thướt tha, tóc dài, đeo kính mát đen (thời trang thời đó), và mặt lúc nào cũng tươi như hoa nhưng rất nghiêm trang. Cô dạy toán cực kì thú vị, và tôi phải thú nhận rằng tôi ham mê toán thời đó cũng một phần là từ cách dạy của cô. Sau này tôi vẫn sử dụng cách dạy đại số của Cô là : Phải làm từng bước một, hai dấu = phải ngay hàng thẳng lối, hay dấu phân số phải nằm giữa dấu =, dấu căn, số phải viết đâu ra đó vân vân.
Tôi là học trò cưng của cả hai người, vì nói cho ngay, lúc đó tôi học cũng kha khá, nên được nhiều thầy cô quí mến.Các phòng học của trường được thiết kế theo kiểu hai dãy phòng hình thành theo mô hình dấu =, chính giữa là một sân rộng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay có sắp xếp, cứ đến giờ học của cô H thì phòng đối diện là giờ của thầy B.
Những khi có giờ của cô H, thầy B cho mở cửa toang, dạy rất hăng và … hay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Sau này, nghĩ lại tôi mới biết là những lời giảng của Thầy đều nhắm vào cô như là một cách tỏ tình. Thật ra, chắc lúc đó thầy B thương cô H (còn Cô H có thương Thầy B hay không thì chẳng ai biết).
Thầy oang oang giảng bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính :
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn
Hai người sống giữa cô đơn
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi …
Thỉnh thoảng Thầy còn đem thơ Xuân Diệu ra đọc :
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buồi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Có vài lần, Thầy nhờ tôi trao thư cho cô H, nhưng thú thật lúc đó tôi chưa biết điều đó có ý nghĩa gì. Được Thầy giao cho “trọng trách” như thế là hãnh diện lắm rồi! Còn phần cô, tôi nhớ chỉ có 2 lần cô nhờ tôi trao thư cho Thầy.
Đến đầu năm 1981, tôi tình cờ gặp lại Thầy và Cô, lúc này đã là vợ chồng. Cả Thầy và Cô đều … “mất dạy”. Nhìn Thầy da xạm nắng, dáng dấp phong trần, tôi hỏi qua Thầy làm nghề gì. Thầy cho biết sau 1975 đi học cải tạo 2 năm, ra khỏi trại không còn dạy học, làm đủ thứ nghề khuân vác, đạp xe lôi, buôn bán ... để sống qua ngày.
Nay thì Thầy có việc làm tương đối ổn định hơn : bán vé xe đò! Còn Cô thì tôi không biết làm gì. Tôi hỏi dạo này người ta vượt biên nhiều quá, sao Thầy Cô còn ở đây, thì Thầy méo miệng cười buồn nói : tiền đâu, nghèo rớt mồng tơi mà. Nhìn hai người, tôi chợt ngậm ngùi trước cảnh khó khăn mà hai người phải trải qua.
Tôi không còn nhận ra một Thầy B sang trọng ngày nào, không còn nhận ra cô H thướt tha, đài các của ngày xưa. Ôi, thời thế làm cho Thầy và Cô tôi nghèo khó và tiều tụy như bây giờ. Thế nhưng Thầy vẫn tươi cười, thậm chí còn mời tôi đi uống cà phê !
Hôm đó là ngày tôi gặp hai Thầy Cô lần cuối, vì từ đó cho đến nay, hơn 30 năm tôi vẫn chưa gặp lại Thầy B và cô H. Nhưng hình bóng của Thầy và Cô vẫn in đậm trong tôi, mãi mãi không thể xóa mờ được.
Ông Bà mình có câu “NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ”. Hiểu theo nghĩa đó, Thầy B và Cô H đều là người “ kỹ sư tâm hồn “ lớn trong đời tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét