Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (11)


(Chùa Tịnh Độ sau 1975)
Vì là chùa chuyên bốc thuốc và chữa bệnh nên có rất nhiều phòng, chúng tôi chia thành nhóm rải khắp các phòng, trừ phần chánh điện nơi có tượng vị Bồ Tát. Chung quanh là những mảnh tường đổ nát do đạn, pháo. Những người lính của Chi Khu An Lộc làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn đốt đống lửa để có ánh sáng thay cho đèn. Trời về đêm lạnh, cộng thêm sự trống vắng, lạnh lẽo của chỗ ở khiến tôi cứ trằn trọc, nhìn lên mái nhà chi chít những lỗ do ngói bị vỡ qua ánh sáng hỏa châu thấy như có hàng vạn vì sao, tiếng côn trùng kêu râm ran nghe mà não lòng. Xa xa có tiếng súng vọng về, tiếng đại bác đì đùng suốt đêm, hỏa châu lập lòe trên trời chung quanh thị xã. Có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa nghe rất gần, trời đã sáng ! Lại một đêm không yên giấc.
Do lúc đến nơi trời đã nhá nhem tối, lại lo ổn định chỗ ở nên tôi không quan sát cảnh vật chung quanh. Bước ra ngoài sân trước chùa, những cây bông đại cổ thụ trổ bông trắng xóa, vườn cây sa pô chê xanh mướt, trĩu quả. Thoảng có mùi thơm của nhang khói, tôi nhìn vào chính điện thấy có một Cụ ông đang đốt nhang nơi thờ Đức Phật, trò truyện cùng cụ mới biết khu vực này còn rất nhiều gia đình còn ở lại. Cụ cho biết trong những ngày chiến sự ác liệt ngôi chùa này là nơi trú ẩn của cả ngàn người khắp nơi và cũng là nơi chăm sóc những người bị thương, rất may là đạn pháo chỉ rớt vào vườn chùa, nếu rớt vào trong chùa thì…..số người bị chết chắc nhiều như ở Nhà Thờ Bình Long, người bị thương sau khi được chăm sóc tạm lành được quân đội chuyển về Bình Dương, Sàigòn, còn những người không may chết đi thì được chôn ngoài đường rầy xe lửa trước cổng chùa cách chừng 50 mét. Tôi đi theo Cụ đốt nhang cho hơn 100 ngôi mộ đất không bia liền nhau Cụ nói còn nhiều mộ lắm, rải rác chung quanh chùa và khu vực, lúc đó ai chết ở đâu thì người sống chôn vùi vội vàng vì còn phải chạy, bây giờ không biết nấm mồ nào là của người thân. Tôi đi lại chỗ nhà ga xe lửa, hai bức tường rất dày của phòng bán vé và đợi tàu còn nguyên, nhưng nóc không còn, búc tường bên ngoài có hàng chữ đắp bằng đá hoa cương tên ga HON QUAN “Hớn Quản” to và đẹp vẫn còn nguyên vẹn.
Trở về chùa tôi nhìn trên phía trước gian chánh điện giòng chữ hán tên chùa được trạm khắc rất đẹp, dưới là giòng chữ “ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam” rất tinh xảo mặc dù bị đạn sứt mẻ, nếu không có cuộc chiến tàn khốc thì đây là ngôi chùa cổ và đẹp nhất Bình Long. Có hai xe thiết giáp của Chi Đội Cơ Giới Bình Long dừng trước cổng chùa, cửa xe mở tôi nhìn thấy bộ phận làm nhiệm vụ “ dạ thanh “ thật hy hữu chỉ ở Bình Long mới có cảnh “ ca sĩ đi bằng xe tăng “ trở về, phụ các anh chị đưa thiết bị xuống xe, nhìn các cô gái mặc cán phục đen đội mũ đen của lính thiết giáp trông thật xinh, chia tay những người lính thiết giáp chúng tôi đi vào để chuẩn bị cho công vụ trong ngày.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét