Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi
Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (8)
(Tượng đài Người Lính chụp từ phía cổng Tòa Hành Chánh Tỉnh )
Hơn 8 giờ sĩ quan CTCT của Chi Khu An Lộc đến hướng dẫn đoàn của chúng tôi, kể cả các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm An Lộc - Bình Long, xếp L vì công vụ khẩn phải về Biên Hòa. Chúng tôi đi bộ, trong đội hình quân nhân mặc quân phục xanh nhà binh còn chúng tôi “quân đen “ mặc cán phục . Tới đường Nguyễn Huệ đi ngang Chi Khu An lộc phía trước còn 1 trụ cổng, Cơ Quan Hành Chánh Quận bị đạn pháo tan tành còn lại đống gạch vụn ngổn ngang.
Công viên cửa ngõ vào thị xã cây cảnh chung quanh bị đạn pháo tơi tả, tượng đài người lính ở tư thế tiến công bị rất nhiều mảnh đạn làm trầy trụa, nhưng trên khuôn mặt tượng không có một vết nào, chúng tôi đốt nhang cắm vào lư hương đặt dưới chân bệ tượng đài. Những quân nhân gặp trên đường yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng đi qua khu vực “ vận động trường Nguyễn Huệ “ đối điện với tượng đài, đây là mục tiêu chính của các trận pháo kích. Nhìn qua bên trái là tháp nước được xây dựng từ thời pháp, chiếc thang sắt để leo lên chòi quan sát bị đạn pháo gãy một đoạn, có 6 chiếc loa của còi báo động vẫn còn sử dụng, bồn nước bị đại bác 100m/m của xe tăng T54 bắn trực xạ thủng nhiều lỗ và lỗ chỗ miểng đạn pháo. Bên trái là Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long ( Tòa Hành Chánh ) loang lỗ, còn đứng vững mái nhà không còn, trên sân còn ngổn ngang các thứ, lá cờ trên cột vẫn phất phới bay trong gió, chung quanh là dãy nhà các Ty đã thành bình địa .
Bên phải là đồn Quân Cảnh Tư Pháp, văn phòng Hội Đồng Tỉnh, Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc cũng chẳng còn gì ngoài những đống đổ nát. Đến ngã tư bên trái là Tiểu Khu Bình Long cũ chẳng còn hình hài gì ngoài những lô cốt, hầm hố, ụ chiến đấu. Bên kia ngã tư phía phải là trường Tiểu Học Thượng cũng chỉ còn trơ những bức tường xây bằng gạch thẻ dày đến hơn 20cm nhưng cũng không chịu nổi sự tàn phá của đạn pháo, tôi đọc được hàng số 1938 đúc bằng xi măng trên tường, những dãy nhà ký túc xá cho học sinh cũng cùng số phận. Dãy nhà Ty Tiểu Học Bình Long còn nguyên dãy tường nhưng nóc thì không còn, bên trái là trường Trung Học Bình Long mặc dù không bị xập hoàn toàn nhưng mái thì không còn nguyên vẹn, trơ những hàng rui mè, đòn tay cháy xém đen xì xì.Chúng tôi không đi thẳng theo đường Nguyễn Huệ mà rẽ trái đi về phía Bệnh Viện Bình Long, đến khu mộ chôn tập thể trên nền những phòng học của trường Trung Học Bình Long, lúc này có một số quân nhân đang khiêng đất vun đắp lên ngôi mộ, sĩ quan hướng dẫn nói đoàn sẽ dừng lại đây để chăm sóc cho ngôi mộ. Tôi hỏi người quân nhân đang làm việc : Những người dưới mộ là những ai vậy ? Anh nói : Dân cũng có, lính ta, lính họ cũng có. Từ lúc chiến sự xảy ra số người chết do bị pháo, bị đạn, bị miểng bom, miểng pháo, nhà sập….rất nhiều, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đi thu gom xác chết từ cổng Xa Cam và trong khu vực thị xã tập trung về khu bệnh viện để đem đi chôn, nhưng mỗi ngày số người chết tăng lên gấp bội, mà nghĩa trang thì không đến được, ở bệnh viện số người bị thương cùng với xác chết, sợ bị những bệnh nguy hiểm do tử khí sinh ra nên chỉ huy mặt trận lệnh cho chúng tôi phải tìm chỗ chôn, công binh đã ủi những lỗ chôn ở khu vực ấp Hưng Chiến nhưng do bị pháo và bắn sẻ nên không chôn ở dưới đó được. Ban đêm mới ủi khu nhà sập này để chôn nhưng cũng chẳng yên lành gì đạn pháo là làm chết 2 người lái máy ủi cũng may là cái xe ủi chưa bị hư nặng, ban đầu chỉ ủi 1 hố chôn hết lớp xác cũ xong, chỉ một đêm đến sáng đi gom về cũng bằng số vừa mới chôn thành ra khu mộ này có nhiều ngôi mộ liền nhau .
Tôi kính phục những người lính này đã không ngại gian lao nguy hiểm đến bản thân hằng ngày chỉ 5 người với 1 chiếc xe dodge đi đến những điểm giao tranh, bị pháo, bị bom đưa những người xấu số về nơi tập trung . Chắc tình cảnh này chỉ ở Bình Long mới có……Tôi không biết là dưới nấm mồ này có người quen của mình hay không ? Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ tất cả những người cùng chung an nghỉ nơi đây, vì họ đã nằm xuống trên đất Bình Long …..!
( còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét