Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (13)


(Rừng cao su quản lợi năm 1970 )
Vì nhà gần nên tôi đi theo con hẻm về Chùa Tịnh Độ, khu vực này và trên đường rầy xe lửa rất yên bình lại còn rất nhiều gia đình ở lại. Những người dân “ tử thủ “ sinh sống bằng nghề trồng rau xanh và chăn nuôi heo, gà vịt…., những luống rau thơm, cải ngọt, xà lách, giàn bầu, bí, mướp xanh tốt đủ cung cấp cho thị xã . Đến 3 giờ chiều xếp L vừa bay lên đến chỗ chúng tôi thông báo “Cụ Hoàng “ sẽ lên thăm An Lộc và đoàn chúng tôi trong thời gian tới, anh em trong đoàn cũng nhận được thư, quà của người thân. Chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Được sự ưu ái của Chỉ Huy Mặt Trận chúng tôi được cấp những nhu yếu phẩm cần thiết .
Chiếc xe GMC chở quân nhân BĐQ đến, chúng tôi cho chuyển thiết bị lên xe và bộ phận kỹ thuật được đi theo xe, còn lại tất cả chúng tôi cùng các quân nhân hành quân bằng xe “ căng hải “, cũng như những người lính, chúng tôi cán phục đen, súng carabine, đeo balô quân đội chân mang giầy nhà binh . Đi theo đường rầy xe lửa qua khu vực nhà dân những con chó thấy đoàn chúng tôi đi ngang chạy ra sủa inh ỏi nghe cũng vui vui. Ra đến đường đi về Quản Lợi ngang qua nhà, tôi nhìn vào như thầm báo cho Ba Má biết là tôi đi, tới cầu sắt (Cầu Trắng hay còn gọi Cầu Quản Lợi chỗ Trường Trung Học Tư Thục Hồng Bàng ) thời Pháp thuộc cầu được đúc bằng bê tông có thành cầu hình vòm trông rất đẹp, nhưng đã bị hủy hoại trong chiến tranh năm Mậu Thân 1968 người ta đã thay vào đó bằng cầu sắt dã chiến, mặt cầu lót bằng vì sắt khua rầm rầm khi chúng tôi đi trên cầu. Bên này cầu là khu vực ấp Phú Hòa hai bên đường còn lưa thưa vài căn nhà không nguyên vẹn, vắng tênh không một bóng người, những cây dừa xanh tốt vươn lên giữa cảnh trống vắng sao thấy lạc lõng vô cùng, ngã 3 gốc điệp cái lô cốt cảnh sát bị vỡ một mảng to nhưng vẫn còn nguyên đứng trước bờ đê chiến lược. Chúng tôi đã ra khỏi nội ô thị xã bắt đầu đi lên con dốc của đoạn đường Bình Long – Quản Lợi, vườn cao su hai bên đường tiêu điều do bị bom, đạn cỏ mọc dầy đặc, trên đường không thấy có một mảnh đạn bom nào vì mỗi buổi sáng và chiều đều có đơn vị công binh mở đường, rà mìn thu lượm sạch . Những hố bom rộng mênh mộng đỏ thẳm nhưng trên mặt đường thì không có hố bom. Lên đến đầu dốc, các cô gái trong đoàn đã thấm mệt chúng tôi ai cũng mồ hôi ướt đẵm, những người lính và đoàn chúng tôi vào vườn cao su nghỉ chân, từ đầu dốc này nhìn về thị xã mới thật sự thấy sự khốc liệt của chiến tranh, môt thành phố đông đúc nhà cửa như thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng trở thành hoang tàn, bình địa chỉ còn lơ thơ vài ngôi nhà kiên cố chịu đựng nổi sự hủy hoại, tàn phá của đạn bom. Nhìn xa xa ngọn núi Bà Đen vươn cao xanh thẳm giữa nền trời trong ánh nắng của chiều tà, ngọn đồi Đồng Long sơ xác trơ lại những khoảng trống cháy đen. Vị Sĩ quan chỉ huy đơn vị thông báo còn một đoạn đường ngắn sẽ tới điểm dừng, cắt đứt giòng thương cảm của tôi đoàn lại lên đường, đi hết quãng đường thẳng cả đoàn rẽ vào một lối mòn bên phải đi vào trong vườn cao su, chừng 30 phút sau chúng tôi có mặt gần tháp nước bằng sắt rất lớn bị bom đổ gục, tôi nhận ra đây là ấp Sóc Gòn nhưng đã bị B52 hủy diệt nên không còn lại một ngôi nhà nào, chỉ toàn là hố bom dày đặc. Chung quanh tháp nước những dây mướp trổ những bông vàng, do bị bom nên hạt bay tung tóe và tự mọc giúp cho đơn vị tiền đồn này có thêm rau trong khẩu phần ăn hằng ngày. Bộ phận kỹ thuật do đến trước đã hoàn tất nhiệm vụ, Sĩ quan chỉ huy Tiểu Đoàn, Sĩ Quan CTCT tiểu đoàn cùng đoàn chúng tôi trao đổi chương trình văn nghệ , đơn vị đã bố trí vị trí sân khấu là bệ chân của tháp nước, nơi đó có sẵn những hầm trú rộng lớn dành cho đoàn làm nơi nghỉ đêm. Những người lính đã chuẩn bị nhiều đống củi sẽ đốt lên thắp sáng cho đêm văn nghệ. Bộ phận dạ thanh làm nhiệm vụ ở một chốt tiền tiêu cách chỗ chúng tôi hơn 1 km, chúng tôi vào công việc vì trời cũng đã bắt đầu tối, chưa thấy vị khán giả nào ! Đúng như một lời trong bài hát Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh : “ Giữa rừng già tôi có thấy gì đâu….”
(còn tiếp)

2 nhận xét:

  1. Tôi đọc gần hết 14 bài BL mùa đông của bạn .Thật buồn khi nhắc đến Tân Khai ,Xa cam ,Phú hòa ,chợ củ , BV quan dân y BL : tôi đã từng hứng pháo trọn tháng 4/1972 và mục kích chuyên chôn cả ngàn người trong mồ tập thể ở Trương Trung học BL..
    Toi có mộtURL = http://xegiayvun.yolasite.com có nhiều cảnh ghi lại ký ức BL , mời các ban ghé vào xem .Để nhớ !

    Trả lờiXóa
  2. Xin Chào và cám ơn Bạn Le Chi .
    Đã ghé thăm blog, nhưng vô tình tôi đã gợi lại trong Bạn những kỷ niệm buồn của mảnh đất Bình Long " Nghèo tất cả, nhưng giàu đạn- bom".
    Tôi sẽ ghé blog của Bạn, mong rằng chúng ta có những điểm tương đồng.
    Chúc Bạn mạnh khỏe !

    Trả lờiXóa