Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (9)


(Từ Đại lộ Hoàng Hôn nhìn xuống dọc đường Ngô Quyền đi cổng Lộc Ninh )
Bên kia đường là Bệnh Viện Quân Dân Y Bình Long, những dãy nhà bị đạn pháo dày đặc những lỗ trông như một chiếc rổ thưa, xe cứu thương nhà binh lỗ chỗ vết miểng đạn liên tục chạy đi chạy về tải thương, phía sau khu đất trống dành cho trực thăng tải thương .
Chúng tôi và những người lính xây những đường bao quanh các ngôi mộ bằng gạch, trồng cây hoa đại, phóng viên của các hãng thông tấn đi bằng xe tải GMC sứt đầu, bể thùng không thành, không ghế của Bình Long mà ở đây người lính quen gọi là xe buýt. Họ đến quay phim, chụp hình, hỏi chuyện những người lính. Một phóng viên và người phiên dịch hỏi chúng tôi là đơn vị nào, ở đâu ? Họ ngạc nhiên nhìn thấy chúng tôi làm việc, chúng tôi nói đây cũng là một tiết mục nghệ thuật của chúng tôi. Họ nói còn ở lại đây nhiều ngày, sẽ cùng đi tiền đồn với chúng tôi . Người sĩ quan hướng dẫn thông báo cho chúng tôi tập trung đến một đơn vị để ăn cơm trưa. Tôi xin về thăm gia đình nên không đi theo đoàn.
Con đường từ bệnh viện xuống Công Viên Tao Phùng nhìn đâu cũng thấy cảnh đổ nát hoang tàn, đi qua ngã 5 nhìn lên cơ quan USAID những căn nhà di động bằng nhôm bị đạn pháo toác nóc tơi tả, Ty Xã Hội gần bên cũng vậy. Đến đầu đại lộ Hoàng Hôn đi ngược lên dốc hai hàng cây cảnh xơ xác, dãy nhà bên trái còn nguyên vẹn vài căn, bên phải từ Ty Thông Tin trở xuống đã thành bình địa.Từ đầu dốc xuống cuối Công Viên Tao Phùng những chiếc xe T54 bị cháy nối nhau nằm ngổn ngang . Bồn phun nước bị xe tăng đâm vào nức đôi, những trụ bơm của cây xăng SHELL bên cạnh cũng bị nghiền dẹp lép chỉ còn lại cái kiốt loang lỗ đạn, chiếc xe tăng cũng bị bắn cháy nằm ngay sát bên. Dãy tiệm sửa xe đạp Thanh Hải của ông Tám Say, nhà sách –thuốc tây An Lộc, cà phê Mỹ Giai chỉ còn lại mặt trước. Khu công viên chợ cũ và hai dãy nhà phố thì sụp đổ hoàn toàn, trên nền công viên và con đường hai bên, kẽm gai bùi nhùi để chống xe tăng dày đặc, phía dãy nhà lầu trường tư thục Quốc Tuấn chỉ còn lại vài khung nhà. Từ đầu dốc Sáu Khế nhìn xuống khu dân cư Phú Hòa chỉ thấy màu xanh của cây cối, không còn một căn nhà nhìn thật hoang vắng, xa xa con đường đi Quản Lợi uốn quanh.
Chỉ còn vài trăm mét là đã về đến nhà, tôi bước thật nhanh ! Đến dãy nhà lầu ông Năm Lơ góc ngã tư Chợ chiều nhìn tấm bảng “ cà phê Phương Vinh “ để bớt hồi hộp tôi bước vào, khách trong quán toàn là quân nhân thấy tôi ai cũng nhìn. Không khí trong quán im ắng chỉ có tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly từ chiếc máy cassetter rên rỉ những bài hát mà trong đoàn chúng tôi tuyệt đối cấm sử dụng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi gọi ly cà phê đen và gói thuốc capstan.
Lúc này mới có dịp quan sát ngã tư : nhà ông Dè loang lỗ vết đạn, có toán tuần cảnh hỗn hợp ( Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến, Quân Cảnh, Tuần Cảnh Quân Sự )đứng giữ gìn trật tự trong thị xã.Dãy nhà tôn trước quán cà phê còn nguyên vẹn, những cây dầu, trâm quần to cỡ 2, 3 người ôm tỏa bóng mát cho con đường, nhìn lên dốc tiệm ông Sáu Khế chỉ còn lại những búc tường. Tôi trả tiền bước ra khỏi quán, ánh nắng chói chang nhìn về ngã ba Tư Dương thấy người, xe đi lại tấp nấp. Toán Tuần Cảnh hỏi tôi ở đơn vị nào và định đi đâu, tôi trả lời và nói là đi về thăm nhà ở ấp Phú Đức, họ dặn nên mặc áo giáp và đội nón sắt đề phòng . Đi ngang nhà Hội Âm Công Hiếu Nghĩa, trường Tiểu Học Tư Thục Tiến Đức, ngã 3 lò mỗ heo, đường rầy xe lửa và nhà tôi đây rồi…..hai cánh cổng khép kín.
Tôi lên tiếng ….Ba Má ơi !....người mở cổng chính là Ba tôi… không kềm được xúc động nước mắt tôi tuôn trào, tôi ấp úng thốt lên …con đã về, con về thăm Ba Má…..
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét