Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (14)


(Sân bay Technique Quản Lợi )
Âm thanh của máy phát điện nổ vang như đánh thức cả khu rừng vừa chập choạng tối. Khu vực sân khấu được soi sáng bằng những bóng đèn điện từ máy phát điện, khi vào vị trí ban nhạc tôi hỏi vị sĩ quan : Chúng tôi mở âm thanh công suất lớn có gì nguy hiểm không ? Vị sĩ quan nói : Tọa độ này đối phương chưa biết nên không sợ pháo kích, vả lại cũng nên cho đối phương cùng thưởng thức vì họ cũng thiếu món ăn tinh thần này như tụi tôi. Nói thế thôi ! Chứ đoàn chúng tôi đã quen những nhiệm vụ như thế này, chả việc gì phải sợ, lại đã có nhóm dạ thanh đánh lạc hướng giúp cho chúng tôi làm nhiệm vụ ở đây. Bây giờ có rất nhiều khán giả là quân nhân của các đơn vị trong tiểu đoàn sẽ luân phiên làm nhiệm vụ và thưởng thức văn nghệ. Sau vài lời mở đầu của sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, chương trình đêm văn nghệ được liên tục. Các tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, ảo thuật, hài kịch, vũ được chúng tôi chuẩn bị kỹ nên không có trục trặc xảy ra, xen kẽ là những tiết mục “ lính hát - lính nghe “ của các ca sĩ nhà đã đưa bầu không khí thêm phần náo nhiệt, xua tan màn đêm u tịch của một tiền đồn đối mặt tại vùng cao nguyên đất đỏ.
Độc đáo là những người lính ở tiền đồn này đã sử dụng những nhạc cụ mà họ tự chế tạo như : Đàn guitare thùng có gắn thêm ca uống nước nhà binh bằng inox để khuếch đại tiếng đàn, thùng đàn bass được làm bằng chiếc can plasstic 20 lít dùng đựng nước, cần đàn là một cây đòn gánh bằng tre, dây đàn là một đoạn dây điện thoại, bộ trống thì được góp nhặt từ đủ loại nồi niêu, xoong chảo, cà men quân đội tạo lên được những âm thanh đầy khí thế hòa âm, đệm nhạc cho ca sĩ “ gà nhà “ và cả ca sĩ của đoàn chúng tôi, có nhìn thấy tận mắt những nghệ sĩ, nhạc công, nhạc cụ của những người lính ở đây thì tôi mới hiểu âm nhạc có tầm quan trọng như thế nào !
Trời về đêm lạnh dưới ánh sáng đèn điện cộng ánh sáng của những đống lửa và những ánh mắt ngời sáng đầy niềm tin của những khán giả đã giúp chúng tôi hăng say trình diễn . Bây giờ đối phương có bắn đại bác 130 ly hay lớn hơn nữa vào chỗ này cũng chẳng ngăn cản được chúng tôi, một khi mà tiếng đàn, tiếng ca đã cất lên dù có ngồi trước quả mìn định hướng chuẩn bị nổ chúng tôi cũng coi như không. Vì những người lính ở tiền đồn này cần sự có mặt của chúng tôi, ngược lại chúng tôi cũng cần có những người lính, chúng tôi là như thế. Không biết các anh chị ca sĩ “ sân khấu phòng trà, ca sĩ thủ đô” có hiểu cho những ca sĩ “nhà nước” chúng tôi hay không ?
Đến hơn 10 giờ thì chương trình sinh hoạt văn nghệ kết thúc, những khán giả lính đã tặng cho anh chị em trong đoàn chúng tôi những chiếc vòng kỷ niệm làm bằng nòng súng M72 mà các Anh đã kỳ công cưa, dũa, khéo léo trạm khắc lên những họa tiết, giòng chữ thật tinh xảo, lúc chia tay các Anh còn dặn chúng tôi là : Đừng bao giờ hát cho chúng tôi nghe bài Tưởng Như Còn Người Yêu , Kỷ Vật Cho Em… mà phải luôn hát bài Việt Nam Việt Nam. Tôi nhìn các Anh ra về mà thấy cay ở khóe mắt….
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét