Niềm Vui Dâng Tặng Cho Đời,
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi
Nỗi Buồn Xin Gởi Mây Trời Mang Đi
Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (14)
(Sân bay Technique Quản Lợi )
Âm thanh của máy phát điện nổ vang như đánh thức cả khu rừng vừa chập choạng tối. Khu vực sân khấu được soi sáng bằng những bóng đèn điện từ máy phát điện, khi vào vị trí ban nhạc tôi hỏi vị sĩ quan : Chúng tôi mở âm thanh công suất lớn có gì nguy hiểm không ? Vị sĩ quan nói : Tọa độ này đối phương chưa biết nên không sợ pháo kích, vả lại cũng nên cho đối phương cùng thưởng thức vì họ cũng thiếu món ăn tinh thần này như tụi tôi. Nói thế thôi ! Chứ đoàn chúng tôi đã quen những nhiệm vụ như thế này, chả việc gì phải sợ, lại đã có nhóm dạ thanh đánh lạc hướng giúp cho chúng tôi làm nhiệm vụ ở đây. Bây giờ có rất nhiều khán giả là quân nhân của các đơn vị trong tiểu đoàn sẽ luân phiên làm nhiệm vụ và thưởng thức văn nghệ. Sau vài lời mở đầu của sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, chương trình đêm văn nghệ được liên tục. Các tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, ảo thuật, hài kịch, vũ được chúng tôi chuẩn bị kỹ nên không có trục trặc xảy ra, xen kẽ là những tiết mục “ lính hát - lính nghe “ của các ca sĩ nhà đã đưa bầu không khí thêm phần náo nhiệt, xua tan màn đêm u tịch của một tiền đồn đối mặt tại vùng cao nguyên đất đỏ.
Độc đáo là những người lính ở tiền đồn này đã sử dụng những nhạc cụ mà họ tự chế tạo như : Đàn guitare thùng có gắn thêm ca uống nước nhà binh bằng inox để khuếch đại tiếng đàn, thùng đàn bass được làm bằng chiếc can plasstic 20 lít dùng đựng nước, cần đàn là một cây đòn gánh bằng tre, dây đàn là một đoạn dây điện thoại, bộ trống thì được góp nhặt từ đủ loại nồi niêu, xoong chảo, cà men quân đội tạo lên được những âm thanh đầy khí thế hòa âm, đệm nhạc cho ca sĩ “ gà nhà “ và cả ca sĩ của đoàn chúng tôi, có nhìn thấy tận mắt những nghệ sĩ, nhạc công, nhạc cụ của những người lính ở đây thì tôi mới hiểu âm nhạc có tầm quan trọng như thế nào !
Trời về đêm lạnh dưới ánh sáng đèn điện cộng ánh sáng của những đống lửa và những ánh mắt ngời sáng đầy niềm tin của những khán giả đã giúp chúng tôi hăng say trình diễn . Bây giờ đối phương có bắn đại bác 130 ly hay lớn hơn nữa vào chỗ này cũng chẳng ngăn cản được chúng tôi, một khi mà tiếng đàn, tiếng ca đã cất lên dù có ngồi trước quả mìn định hướng chuẩn bị nổ chúng tôi cũng coi như không. Vì những người lính ở tiền đồn này cần sự có mặt của chúng tôi, ngược lại chúng tôi cũng cần có những người lính, chúng tôi là như thế. Không biết các anh chị ca sĩ “ sân khấu phòng trà, ca sĩ thủ đô” có hiểu cho những ca sĩ “nhà nước” chúng tôi hay không ?
Đến hơn 10 giờ thì chương trình sinh hoạt văn nghệ kết thúc, những khán giả lính đã tặng cho anh chị em trong đoàn chúng tôi những chiếc vòng kỷ niệm làm bằng nòng súng M72 mà các Anh đã kỳ công cưa, dũa, khéo léo trạm khắc lên những họa tiết, giòng chữ thật tinh xảo, lúc chia tay các Anh còn dặn chúng tôi là : Đừng bao giờ hát cho chúng tôi nghe bài Tưởng Như Còn Người Yêu , Kỷ Vật Cho Em… mà phải luôn hát bài Việt Nam Việt Nam. Tôi nhìn các Anh ra về mà thấy cay ở khóe mắt….
(còn tiếp)
Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (13)
(Rừng cao su quản lợi năm 1970 )
Vì nhà gần nên tôi đi theo con hẻm về Chùa Tịnh Độ, khu vực này và trên đường rầy xe lửa rất yên bình lại còn rất nhiều gia đình ở lại. Những người dân “ tử thủ “ sinh sống bằng nghề trồng rau xanh và chăn nuôi heo, gà vịt…., những luống rau thơm, cải ngọt, xà lách, giàn bầu, bí, mướp xanh tốt đủ cung cấp cho thị xã . Đến 3 giờ chiều xếp L vừa bay lên đến chỗ chúng tôi thông báo “Cụ Hoàng “ sẽ lên thăm An Lộc và đoàn chúng tôi trong thời gian tới, anh em trong đoàn cũng nhận được thư, quà của người thân. Chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Được sự ưu ái của Chỉ Huy Mặt Trận chúng tôi được cấp những nhu yếu phẩm cần thiết .
Chiếc xe GMC chở quân nhân BĐQ đến, chúng tôi cho chuyển thiết bị lên xe và bộ phận kỹ thuật được đi theo xe, còn lại tất cả chúng tôi cùng các quân nhân hành quân bằng xe “ căng hải “, cũng như những người lính, chúng tôi cán phục đen, súng carabine, đeo balô quân đội chân mang giầy nhà binh . Đi theo đường rầy xe lửa qua khu vực nhà dân những con chó thấy đoàn chúng tôi đi ngang chạy ra sủa inh ỏi nghe cũng vui vui. Ra đến đường đi về Quản Lợi ngang qua nhà, tôi nhìn vào như thầm báo cho Ba Má biết là tôi đi, tới cầu sắt (Cầu Trắng hay còn gọi Cầu Quản Lợi chỗ Trường Trung Học Tư Thục Hồng Bàng ) thời Pháp thuộc cầu được đúc bằng bê tông có thành cầu hình vòm trông rất đẹp, nhưng đã bị hủy hoại trong chiến tranh năm Mậu Thân 1968 người ta đã thay vào đó bằng cầu sắt dã chiến, mặt cầu lót bằng vì sắt khua rầm rầm khi chúng tôi đi trên cầu. Bên này cầu là khu vực ấp Phú Hòa hai bên đường còn lưa thưa vài căn nhà không nguyên vẹn, vắng tênh không một bóng người, những cây dừa xanh tốt vươn lên giữa cảnh trống vắng sao thấy lạc lõng vô cùng, ngã 3 gốc điệp cái lô cốt cảnh sát bị vỡ một mảng to nhưng vẫn còn nguyên đứng trước bờ đê chiến lược. Chúng tôi đã ra khỏi nội ô thị xã bắt đầu đi lên con dốc của đoạn đường Bình Long – Quản Lợi, vườn cao su hai bên đường tiêu điều do bị bom, đạn cỏ mọc dầy đặc, trên đường không thấy có một mảnh đạn bom nào vì mỗi buổi sáng và chiều đều có đơn vị công binh mở đường, rà mìn thu lượm sạch . Những hố bom rộng mênh mộng đỏ thẳm nhưng trên mặt đường thì không có hố bom. Lên đến đầu dốc, các cô gái trong đoàn đã thấm mệt chúng tôi ai cũng mồ hôi ướt đẵm, những người lính và đoàn chúng tôi vào vườn cao su nghỉ chân, từ đầu dốc này nhìn về thị xã mới thật sự thấy sự khốc liệt của chiến tranh, môt thành phố đông đúc nhà cửa như thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng trở thành hoang tàn, bình địa chỉ còn lơ thơ vài ngôi nhà kiên cố chịu đựng nổi sự hủy hoại, tàn phá của đạn bom. Nhìn xa xa ngọn núi Bà Đen vươn cao xanh thẳm giữa nền trời trong ánh nắng của chiều tà, ngọn đồi Đồng Long sơ xác trơ lại những khoảng trống cháy đen. Vị Sĩ quan chỉ huy đơn vị thông báo còn một đoạn đường ngắn sẽ tới điểm dừng, cắt đứt giòng thương cảm của tôi đoàn lại lên đường, đi hết quãng đường thẳng cả đoàn rẽ vào một lối mòn bên phải đi vào trong vườn cao su, chừng 30 phút sau chúng tôi có mặt gần tháp nước bằng sắt rất lớn bị bom đổ gục, tôi nhận ra đây là ấp Sóc Gòn nhưng đã bị B52 hủy diệt nên không còn lại một ngôi nhà nào, chỉ toàn là hố bom dày đặc. Chung quanh tháp nước những dây mướp trổ những bông vàng, do bị bom nên hạt bay tung tóe và tự mọc giúp cho đơn vị tiền đồn này có thêm rau trong khẩu phần ăn hằng ngày. Bộ phận kỹ thuật do đến trước đã hoàn tất nhiệm vụ, Sĩ quan chỉ huy Tiểu Đoàn, Sĩ Quan CTCT tiểu đoàn cùng đoàn chúng tôi trao đổi chương trình văn nghệ , đơn vị đã bố trí vị trí sân khấu là bệ chân của tháp nước, nơi đó có sẵn những hầm trú rộng lớn dành cho đoàn làm nơi nghỉ đêm. Những người lính đã chuẩn bị nhiều đống củi sẽ đốt lên thắp sáng cho đêm văn nghệ. Bộ phận dạ thanh làm nhiệm vụ ở một chốt tiền tiêu cách chỗ chúng tôi hơn 1 km, chúng tôi vào công việc vì trời cũng đã bắt đầu tối, chưa thấy vị khán giả nào ! Đúng như một lời trong bài hát Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh : “ Giữa rừng già tôi có thấy gì đâu….”
(còn tiếp)
Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (12)
( Dốc Sáu Khế nhìn xuống " Ngã tư chợ chiều " ngã rẽ bên trái lên Trường Quốc Quang )
Đã năm ngày đoàn chúng tôi ở Bình Long, hôm nay những anh chị làm công tác dạ thanh trong đêm được nghỉ xả hơi, còn lại chúng tôi chia 2 đoàn A và B làm nhiệm vụ, tôi phụ trách đoàn A toàn là lớp trẻ, còn đoàn B cao tuổi hơn chúng tôi một chút. Nhiệm vụ của đoàn tôi là kẻ, viết khẩu hiệu, căng biểu ngữ, dán bích chương trên khắp nẽo đường của thị xã, buổi chiều ghi âm tiết mục cho chương trình dạ thanh. Phần đoàn B là đến thăm, mạn đàm cùng các gia đình còn ở lại thị xã, kết hợp cùng đơn vị diện địa chăm sóc lại cây cảnh dọc Đại lộ Hoàng Hôn, thực hiện văn nghệ bỏ túi tại Bệnh Viện lịch đặt ra cho chúng nhưng phải đáp ứng các chương trình văn nghệ, tuyên truyền, dạ thanh khi các đơn vị tiền đồn yêu cầu.
Từ đường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Du rất thuận lợi cho công việc, từ ngã tư Nguễn Trãi – Nguyễn Du ( ngã tư chợ chiều) đến ngã 3 Tang Bồng đầu đường Hùng Vương đến cây xăng mới ngã tư Nguyễn Huệ xuống bến xe Bình Long khó khăn lắm mới tìm được bức tường, cột điện hay bất kỳ điểm nào còn nguyên vẹn có thể thực hiện được khẩu hiệu. Các cô gái trong đoàn bình thường là những “ ca sĩ nhà nước” nhưng cũng leo trèo trông thật ngoạn mục, đơn vị pháo binh của Tiểu Đoàn 52 gắn những ống xạc chứa thuốc súng đại bác thành những cây cột giúp cho chúng tôi có điểm để chăng khẩu hiệu. Chúng tôi có buổi sinh hoạt văn nghệ cùng với đơn vị, những bài hát được các cô gái thể hiện thật hay và xúc động như : Tâm Sự Người Đan Áo, Nó và Tôi, Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Ngõ Hồn Qua Đêm…..và còn nhiều, nhiều nữa những bài hát nói về người lính, có điều là ở chiến trường này đa phần những người lính lại thích hát những “ ca khúc da vàng “ của Trịnh Công Sơn, đây là một nhiệm vụ “ chiến tranh tâm lý “ đặt nặng cho đoàn chúng tôi, làm sao phải để “ Việt Nam Quê Hương Ta Ngạo Nghễ “ có ấn tượng thật sâu vào tâm tư của người lính nơi này, buổi văn nghệ bên bệ pháo kết thúc.
Trước khi chia tay để chuẩn bị cho công việc chiều và tối, đoàn chúng tôi cùng ăn trưa với đơn vị . Tôi tranh thủ chạy về thăm nhà, vì từ đêm nay chúng tôi sẽ liên tục có chương trình văn nghệ dạ thanh nơi tiền đồn của Tiểu đoàn 51 Biệt Động Quân tại khu vực ấp Sóc Gòn nằm ở phía đông thị xã, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân tại khu vực ấp Núi Gió. Những ngày kế tiếp chúng tôi sẽ liên tục cùng với các đơn vị của Sư Đoàn 18 làm nhiệm vụ dạ thanh tại khu vực nghĩa trang đồn điền Quản Lợi, Bệnh Viện Quản Lợi, Hồ nước, Nhà thờ Quản Lợi…. sinh hoạt văn nghệ cùng những người lính của các đơn vị này.
(còn tiếp)
Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (11)
(Chùa Tịnh Độ sau 1975)
Vì là chùa chuyên bốc thuốc và chữa bệnh nên có rất nhiều phòng, chúng tôi chia thành nhóm rải khắp các phòng, trừ phần chánh điện nơi có tượng vị Bồ Tát. Chung quanh là những mảnh tường đổ nát do đạn, pháo. Những người lính của Chi Khu An Lộc làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn đốt đống lửa để có ánh sáng thay cho đèn. Trời về đêm lạnh, cộng thêm sự trống vắng, lạnh lẽo của chỗ ở khiến tôi cứ trằn trọc, nhìn lên mái nhà chi chít những lỗ do ngói bị vỡ qua ánh sáng hỏa châu thấy như có hàng vạn vì sao, tiếng côn trùng kêu râm ran nghe mà não lòng. Xa xa có tiếng súng vọng về, tiếng đại bác đì đùng suốt đêm, hỏa châu lập lòe trên trời chung quanh thị xã. Có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa nghe rất gần, trời đã sáng ! Lại một đêm không yên giấc.
Do lúc đến nơi trời đã nhá nhem tối, lại lo ổn định chỗ ở nên tôi không quan sát cảnh vật chung quanh. Bước ra ngoài sân trước chùa, những cây bông đại cổ thụ trổ bông trắng xóa, vườn cây sa pô chê xanh mướt, trĩu quả. Thoảng có mùi thơm của nhang khói, tôi nhìn vào chính điện thấy có một Cụ ông đang đốt nhang nơi thờ Đức Phật, trò truyện cùng cụ mới biết khu vực này còn rất nhiều gia đình còn ở lại. Cụ cho biết trong những ngày chiến sự ác liệt ngôi chùa này là nơi trú ẩn của cả ngàn người khắp nơi và cũng là nơi chăm sóc những người bị thương, rất may là đạn pháo chỉ rớt vào vườn chùa, nếu rớt vào trong chùa thì…..số người bị chết chắc nhiều như ở Nhà Thờ Bình Long, người bị thương sau khi được chăm sóc tạm lành được quân đội chuyển về Bình Dương, Sàigòn, còn những người không may chết đi thì được chôn ngoài đường rầy xe lửa trước cổng chùa cách chừng 50 mét. Tôi đi theo Cụ đốt nhang cho hơn 100 ngôi mộ đất không bia liền nhau Cụ nói còn nhiều mộ lắm, rải rác chung quanh chùa và khu vực, lúc đó ai chết ở đâu thì người sống chôn vùi vội vàng vì còn phải chạy, bây giờ không biết nấm mồ nào là của người thân. Tôi đi lại chỗ nhà ga xe lửa, hai bức tường rất dày của phòng bán vé và đợi tàu còn nguyên, nhưng nóc không còn, búc tường bên ngoài có hàng chữ đắp bằng đá hoa cương tên ga HON QUAN “Hớn Quản” to và đẹp vẫn còn nguyên vẹn.
Trở về chùa tôi nhìn trên phía trước gian chánh điện giòng chữ hán tên chùa được trạm khắc rất đẹp, dưới là giòng chữ “ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam” rất tinh xảo mặc dù bị đạn sứt mẻ, nếu không có cuộc chiến tàn khốc thì đây là ngôi chùa cổ và đẹp nhất Bình Long. Có hai xe thiết giáp của Chi Đội Cơ Giới Bình Long dừng trước cổng chùa, cửa xe mở tôi nhìn thấy bộ phận làm nhiệm vụ “ dạ thanh “ thật hy hữu chỉ ở Bình Long mới có cảnh “ ca sĩ đi bằng xe tăng “ trở về, phụ các anh chị đưa thiết bị xuống xe, nhìn các cô gái mặc cán phục đen đội mũ đen của lính thiết giáp trông thật xinh, chia tay những người lính thiết giáp chúng tôi đi vào để chuẩn bị cho công vụ trong ngày.
(còn tiếp)
Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010
Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010
Đột Nhập Hầm Vàng Lớn Nhất Thế Giới
Xin thành thật cáo lỗi cùng các Bạn, cho phép tôi được tạm ngưng " Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 " một kỳ. Để cùng các Bạn đột nhập kho trữ vàng lơn nhất thế giới kiếm chút vốn đón mừng năm 2011.
Lower Manhattan ( Mã Nhật Tân) nằm ở khu tài chánh New York là một trong những tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc điển hình của thời kỳ phục hưng, với kiểu cách rất hút ngoạn mục nằm xen giữa khu phố Nassau và Hayden vô cùng sôi động.
Nhưng, hình ảnh quốc kỳ Mỹ, những chiếc camera cùng cảnh sát trang bị võ trang ở ngay trước cánh cửa nặng nề như nhắc nhở mọi người rằng đây không phải là một nơi dễ dàng có thể đến thăm. Và đó chính là trụ sở lưu trữ vàng cùa Cục Dự Trữ Liên Bang (CDTLB) Mỹ tại New York.
Trong số các nhân viên làm việc ở đây cũng có những người mặc thường phục. Nhưng để vào được bên trong tòa nhà, họ phải trải qua một loạt các cửa an ninh nghiêm ngặt. Còn người thường, phải hẹn trước từ 1 đến 3 tháng nhưng cũng chưa chắc đã được vào.
Kho vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang New York được cho là kho vàng lớn nhất thế giới, nơi lưu trữ khoảng 1/4 trữ lượng vàng của thế giới. Hai trăm năm trước, danh hiệu này thuộc về ngân hàng Trung ương của Anh. Nhưng sau khi đế quốc Anh bước vào giai đoạn thoái trào và buộc phải bán vàng, nước Mỹ đã trở thành người mua lớn nhất của Anh, và kho chứa vàng của Anh giờ chỉ là kho chứa đồ.
Bình thường, hầm vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ không mở cửa cho người ngoài, thậm chí là Tổng thống Mỹ hay Tổng thư ký LHQ hoặc chính chủ nhân của khối tài sản nào đó gửi trong đó. Còn trong trường hợp cực kỳ đặc biệt, người tới thăm phải trải qua 2 vòng kiểm tra an ninh và phải làm sạch cơ thể trước khi được phép bước vào. Hầm vàng nằm sâu dưới lòng đất 180 m và di chuyển bằng thang máy có tốc độ cực cao. Để vào kho dự trữ vàng ở Manhattan chỉ có 1 lối đi duy nhất dài 7m. Cửa nặng 90 tấn và 140 tấn sắt thép viền xung quanh mà không một loại bom nào hiện có có thể phá hủy được. Cứ cách 1m trên hành lang lại hiện ra cảnh cửa với dáng vẻ hoàn toàn khác nhau ở hai bên. Nhưng nếu bước vào bất cứ cánh cửa nào trong đó, bạn sẽ không bao giờ tới được hầm vàng.
Trong hầm vàng có tổng cộng khoảng 1,2 triệu tấn vàng, 5% trong số này thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ. Số còn lại là vàng ký gửi của khoảng 60 quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới trong đó gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngân hàng Anh... Đa số đều mua vàng ở Mỹ nhưng không muốn chuyển về nước vì lý do an toàn. Hầm vàng gồm 122 phòng lưu trữ. Lớn nhất trong số đó là căn phòng lưu trữ 110.000 cục vàng hình viên gạch được xếp chồng lên nhau. Bức tường vàng này cao 3m, dài 5 m, gồm 7.000 tấn vàng. New York là một trung tâm giao dịch vàng toàn cầu và Ngân hàng dự trữ Liên bang là một trạm trung chuyển chính. Lý do chính khiến nhiều quốc gia và tổ chức tài chánh chọn gửi vàng tại đây để tạo điều kiện cho việc giao dịch nhanh gọn và an toàn.
Có thể hiểu về cách thức giao dịch ở đây như thế này: khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, vàng đơn giản sẽ được chuyển từ một căn phòng này sang căn phòng khác đồng nghĩa với việc chuyển từ tài khoản của cá nhân này sang tài khoản của một cá nhân khác, nhưng không một ai trong số những người chuyển biết ai là chủ nhân của hầm vàng đó.
Ngoài ra, đây cũng được coi là một kho lưu trữ an toàn nhất thế giới. Từ ngày đi vào hoạt động tới nay, chưa hề có một trục trặc nào xảy ra. Hệ thống an ninh được cài đặt sẽ tự động khóa chặt các cửa hầm chỉ trong vòng 15 giây. Các cánh cửa được thiết kế có khả năng chống bom, nặng 280 tấn. Những bức tường được xây bằng đá granit, không một tên trộm nào có thể khoan thủng được hay bị phá bởi bom đạn. Ngoài ra, nước Mỹ cũng có một số kho lưu trữ vàng nổi tiếng khác nằm ở Louisville, Kentucky hay Fort Knox, một căn cứ quân sự của Mỹ được cho là nơi lưu trữ một nửa lượng vàng của nước Mỹ. Ngay như Trung tâm thương mại thế giới cũng là nơi lưu trữ 167 tỷ USD bằng vàng. Sau khi trung tâm này sụp đổ vào năm 2001, người ta đã tìm thấy trong đống đổ nát số vàng trị giá 230 triệu USD.
Trung Quốc cũng được cho là một những nước có dự trữ vàng lớn trên thế giới nhưng quốc gia này không chọn gửi vàng ở CDTLB Mỹ, mà gửi ở các kho lưu trữ tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thụy Sỹ. Kho dự trữ vàng của Thụy Sỹ là Bern và kho thuộc Quốc hội Liên bang được thiết kế giống như một hầm chống bom hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất
Lower Manhattan ( Mã Nhật Tân) nằm ở khu tài chánh New York là một trong những tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc điển hình của thời kỳ phục hưng, với kiểu cách rất hút ngoạn mục nằm xen giữa khu phố Nassau và Hayden vô cùng sôi động.
Nhưng, hình ảnh quốc kỳ Mỹ, những chiếc camera cùng cảnh sát trang bị võ trang ở ngay trước cánh cửa nặng nề như nhắc nhở mọi người rằng đây không phải là một nơi dễ dàng có thể đến thăm. Và đó chính là trụ sở lưu trữ vàng cùa Cục Dự Trữ Liên Bang (CDTLB) Mỹ tại New York.
Trong số các nhân viên làm việc ở đây cũng có những người mặc thường phục. Nhưng để vào được bên trong tòa nhà, họ phải trải qua một loạt các cửa an ninh nghiêm ngặt. Còn người thường, phải hẹn trước từ 1 đến 3 tháng nhưng cũng chưa chắc đã được vào.
Kho vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang New York được cho là kho vàng lớn nhất thế giới, nơi lưu trữ khoảng 1/4 trữ lượng vàng của thế giới. Hai trăm năm trước, danh hiệu này thuộc về ngân hàng Trung ương của Anh. Nhưng sau khi đế quốc Anh bước vào giai đoạn thoái trào và buộc phải bán vàng, nước Mỹ đã trở thành người mua lớn nhất của Anh, và kho chứa vàng của Anh giờ chỉ là kho chứa đồ.
Bình thường, hầm vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ không mở cửa cho người ngoài, thậm chí là Tổng thống Mỹ hay Tổng thư ký LHQ hoặc chính chủ nhân của khối tài sản nào đó gửi trong đó. Còn trong trường hợp cực kỳ đặc biệt, người tới thăm phải trải qua 2 vòng kiểm tra an ninh và phải làm sạch cơ thể trước khi được phép bước vào. Hầm vàng nằm sâu dưới lòng đất 180 m và di chuyển bằng thang máy có tốc độ cực cao. Để vào kho dự trữ vàng ở Manhattan chỉ có 1 lối đi duy nhất dài 7m. Cửa nặng 90 tấn và 140 tấn sắt thép viền xung quanh mà không một loại bom nào hiện có có thể phá hủy được. Cứ cách 1m trên hành lang lại hiện ra cảnh cửa với dáng vẻ hoàn toàn khác nhau ở hai bên. Nhưng nếu bước vào bất cứ cánh cửa nào trong đó, bạn sẽ không bao giờ tới được hầm vàng.
Trong hầm vàng có tổng cộng khoảng 1,2 triệu tấn vàng, 5% trong số này thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ. Số còn lại là vàng ký gửi của khoảng 60 quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới trong đó gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngân hàng Anh... Đa số đều mua vàng ở Mỹ nhưng không muốn chuyển về nước vì lý do an toàn. Hầm vàng gồm 122 phòng lưu trữ. Lớn nhất trong số đó là căn phòng lưu trữ 110.000 cục vàng hình viên gạch được xếp chồng lên nhau. Bức tường vàng này cao 3m, dài 5 m, gồm 7.000 tấn vàng. New York là một trung tâm giao dịch vàng toàn cầu và Ngân hàng dự trữ Liên bang là một trạm trung chuyển chính. Lý do chính khiến nhiều quốc gia và tổ chức tài chánh chọn gửi vàng tại đây để tạo điều kiện cho việc giao dịch nhanh gọn và an toàn.
Có thể hiểu về cách thức giao dịch ở đây như thế này: khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, vàng đơn giản sẽ được chuyển từ một căn phòng này sang căn phòng khác đồng nghĩa với việc chuyển từ tài khoản của cá nhân này sang tài khoản của một cá nhân khác, nhưng không một ai trong số những người chuyển biết ai là chủ nhân của hầm vàng đó.
Ngoài ra, đây cũng được coi là một kho lưu trữ an toàn nhất thế giới. Từ ngày đi vào hoạt động tới nay, chưa hề có một trục trặc nào xảy ra. Hệ thống an ninh được cài đặt sẽ tự động khóa chặt các cửa hầm chỉ trong vòng 15 giây. Các cánh cửa được thiết kế có khả năng chống bom, nặng 280 tấn. Những bức tường được xây bằng đá granit, không một tên trộm nào có thể khoan thủng được hay bị phá bởi bom đạn. Ngoài ra, nước Mỹ cũng có một số kho lưu trữ vàng nổi tiếng khác nằm ở Louisville, Kentucky hay Fort Knox, một căn cứ quân sự của Mỹ được cho là nơi lưu trữ một nửa lượng vàng của nước Mỹ. Ngay như Trung tâm thương mại thế giới cũng là nơi lưu trữ 167 tỷ USD bằng vàng. Sau khi trung tâm này sụp đổ vào năm 2001, người ta đã tìm thấy trong đống đổ nát số vàng trị giá 230 triệu USD.
Trung Quốc cũng được cho là một những nước có dự trữ vàng lớn trên thế giới nhưng quốc gia này không chọn gửi vàng ở CDTLB Mỹ, mà gửi ở các kho lưu trữ tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thụy Sỹ. Kho dự trữ vàng của Thụy Sỹ là Bern và kho thuộc Quốc hội Liên bang được thiết kế giống như một hầm chống bom hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất
Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (10)
Cũng như những ngôi nhà khác, căn nhà của gia đình tôi cũng được ghi dấu bằng những mảnh đạn lỗ chỗ khắp nhà, rất may là nó chưa bị hủy diệt, Ba tôi cùng những người chung quanh còn ở lại mà lúc đó người ta gọi là “dân tử thủ” đã giúp nhau sửa chữa lại, để che mưa nắng.Chung quanh vách nhà có thêm lớp vỉ bằng sắt cao gần 2 mét để chống miểng, đạn. Bước vào trong, nếu gọi hầm thì cũng chẳng sai vì nhà là một căn hầm rộng lớn, có như vậy mới sống được ở chiền trường này. Ở đây ngoài Ba Má tôi còn có Cậu của tôi và một viên chức của Đồn Điền Cao Su Đất Đỏ cử lên để quản lý tài sản, đồ vật của khu vực nhà máy Quản Lợi cùng ở. Lúc tôi bước vào thấy Ông đang ngồi nói chuyện với vài người lính, tôi gật đầu chào rồi vào nhà sau. Không nhìn thấy Má, tôi hỏi, Ba tôi nói Má bận đi bán hàng, tôi rất lo vì gần những căn cứ quân sự sợ bị đạn pháo, Ba tôi nói khu vực đó rất an toàn, đạn pháo không còn bắn vào nơi đó cũng như khu vực nhà tôi, đi thăm quanh nhà, vườn cây chung quanh còn nguyên mặc dù cũng bị vết đạn lỗ chỗ nhưng không như trên khu phố chợ, nhìn giếng nước trong vắt dâng cao lên sát miệng , múc uống một ngụm giòng nước mát lạnh, mang vị ngọt của đất quê hương làm tôi thấy tươi tỉnh, sảng khoái. Tôi cho Ba biết về tình hình đời sống, sức khỏe, việc học hành của các thành viên gia đình, mục đích cũng như thời gian chuyến công vụ của tôi. Ba tôi dặn dò phải cẩn thận vì đây đang còn là mặt trận .
Tôi ngả người nằm trên giường trong căn phòng của tôi và ngủ thiếp đi, khi thức dậy thấy có Cậu, Anh Nhụ cùng vài người khác Má tôi cũng đã về. Bữa cơm đoàn tụ gia đình đối với tôi hôm đó thật vui, những câu chuyện được nối tiếp nhau kéo dài đến gần 5 giờ chiều, tôi xin phép để về đoàn, Anh Nhụ và những người quân nhân đưa tôi đi về đoàn bằng xe gắn máy. Gần 5 giờ 30 lúc này mặt trời đã xuống thấp, ánh sáng đã dịu trời sắp tối, đoàn chuẩn bị chuyển địa điểm, bộ phận dạ thanh đã lên đường, sĩ quan hướng dẫn thông báo điểm mới sẽ thuận lơi cho đoàn, xe đến cũng là những chiếc xe “buýt Bình Long” chúng tôi chất đồ đạc và lên xe.
Xe chạy ra đến đường Nguyễn Huệ thì rẽ phải qua khỏi trại Đỗ Cao Trí ( B15 cũ ) thì rẽ trái vào đường Nguyễn Du đi qua khu vực “ nhà dây thép” Bưu điện Hớn Quản cũ xuống đến ngã 3 Tư Dương thì rẽ phải theo đường Phạm Hồng Thái xuống ga xe lửa Hớn Quản đến trường tiều học Phú Đức thì dừng lại đây là nơi làm việc của Chi Khu An Lộc, chúng tôi xuống xe và chuyển đồ đạc vào Chùa Tịnh Độ ở phía sau dãy phòng học. Thấy ở đây không có hầm trú ẩn nhiều anh chị trong đoàn lo lắng, sĩ quan hướng dẫn cho biết ở chỗ này rất an toàn, có một đơn vị quân đội sẽ bảo vệ cho đoàn. Chúng tôi tranh thủ chuẩn bị chỗ ở, từ đây về nhà tôi chưa tới 1 km.
Thêm nơi ở mới, để đón ngày mai trên đất Bình Long. Tôi ước thầm phải chi được về ngủ ở nhà …..
(còn tiếp)
Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (9)
(Từ Đại lộ Hoàng Hôn nhìn xuống dọc đường Ngô Quyền đi cổng Lộc Ninh )
Bên kia đường là Bệnh Viện Quân Dân Y Bình Long, những dãy nhà bị đạn pháo dày đặc những lỗ trông như một chiếc rổ thưa, xe cứu thương nhà binh lỗ chỗ vết miểng đạn liên tục chạy đi chạy về tải thương, phía sau khu đất trống dành cho trực thăng tải thương .
Chúng tôi và những người lính xây những đường bao quanh các ngôi mộ bằng gạch, trồng cây hoa đại, phóng viên của các hãng thông tấn đi bằng xe tải GMC sứt đầu, bể thùng không thành, không ghế của Bình Long mà ở đây người lính quen gọi là xe buýt. Họ đến quay phim, chụp hình, hỏi chuyện những người lính. Một phóng viên và người phiên dịch hỏi chúng tôi là đơn vị nào, ở đâu ? Họ ngạc nhiên nhìn thấy chúng tôi làm việc, chúng tôi nói đây cũng là một tiết mục nghệ thuật của chúng tôi. Họ nói còn ở lại đây nhiều ngày, sẽ cùng đi tiền đồn với chúng tôi . Người sĩ quan hướng dẫn thông báo cho chúng tôi tập trung đến một đơn vị để ăn cơm trưa. Tôi xin về thăm gia đình nên không đi theo đoàn.
Con đường từ bệnh viện xuống Công Viên Tao Phùng nhìn đâu cũng thấy cảnh đổ nát hoang tàn, đi qua ngã 5 nhìn lên cơ quan USAID những căn nhà di động bằng nhôm bị đạn pháo toác nóc tơi tả, Ty Xã Hội gần bên cũng vậy. Đến đầu đại lộ Hoàng Hôn đi ngược lên dốc hai hàng cây cảnh xơ xác, dãy nhà bên trái còn nguyên vẹn vài căn, bên phải từ Ty Thông Tin trở xuống đã thành bình địa.Từ đầu dốc xuống cuối Công Viên Tao Phùng những chiếc xe T54 bị cháy nối nhau nằm ngổn ngang . Bồn phun nước bị xe tăng đâm vào nức đôi, những trụ bơm của cây xăng SHELL bên cạnh cũng bị nghiền dẹp lép chỉ còn lại cái kiốt loang lỗ đạn, chiếc xe tăng cũng bị bắn cháy nằm ngay sát bên. Dãy tiệm sửa xe đạp Thanh Hải của ông Tám Say, nhà sách –thuốc tây An Lộc, cà phê Mỹ Giai chỉ còn lại mặt trước. Khu công viên chợ cũ và hai dãy nhà phố thì sụp đổ hoàn toàn, trên nền công viên và con đường hai bên, kẽm gai bùi nhùi để chống xe tăng dày đặc, phía dãy nhà lầu trường tư thục Quốc Tuấn chỉ còn lại vài khung nhà. Từ đầu dốc Sáu Khế nhìn xuống khu dân cư Phú Hòa chỉ thấy màu xanh của cây cối, không còn một căn nhà nhìn thật hoang vắng, xa xa con đường đi Quản Lợi uốn quanh.
Chỉ còn vài trăm mét là đã về đến nhà, tôi bước thật nhanh ! Đến dãy nhà lầu ông Năm Lơ góc ngã tư Chợ chiều nhìn tấm bảng “ cà phê Phương Vinh “ để bớt hồi hộp tôi bước vào, khách trong quán toàn là quân nhân thấy tôi ai cũng nhìn. Không khí trong quán im ắng chỉ có tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly từ chiếc máy cassetter rên rỉ những bài hát mà trong đoàn chúng tôi tuyệt đối cấm sử dụng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi gọi ly cà phê đen và gói thuốc capstan.
Lúc này mới có dịp quan sát ngã tư : nhà ông Dè loang lỗ vết đạn, có toán tuần cảnh hỗn hợp ( Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến, Quân Cảnh, Tuần Cảnh Quân Sự )đứng giữ gìn trật tự trong thị xã.Dãy nhà tôn trước quán cà phê còn nguyên vẹn, những cây dầu, trâm quần to cỡ 2, 3 người ôm tỏa bóng mát cho con đường, nhìn lên dốc tiệm ông Sáu Khế chỉ còn lại những búc tường. Tôi trả tiền bước ra khỏi quán, ánh nắng chói chang nhìn về ngã ba Tư Dương thấy người, xe đi lại tấp nấp. Toán Tuần Cảnh hỏi tôi ở đơn vị nào và định đi đâu, tôi trả lời và nói là đi về thăm nhà ở ấp Phú Đức, họ dặn nên mặc áo giáp và đội nón sắt đề phòng . Đi ngang nhà Hội Âm Công Hiếu Nghĩa, trường Tiểu Học Tư Thục Tiến Đức, ngã 3 lò mỗ heo, đường rầy xe lửa và nhà tôi đây rồi…..hai cánh cổng khép kín.
Tôi lên tiếng ….Ba Má ơi !....người mở cổng chính là Ba tôi… không kềm được xúc động nước mắt tôi tuôn trào, tôi ấp úng thốt lên …con đã về, con về thăm Ba Má…..
(còn tiếp)
Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (8)
(Tượng đài Người Lính chụp từ phía cổng Tòa Hành Chánh Tỉnh )
Hơn 8 giờ sĩ quan CTCT của Chi Khu An Lộc đến hướng dẫn đoàn của chúng tôi, kể cả các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm An Lộc - Bình Long, xếp L vì công vụ khẩn phải về Biên Hòa. Chúng tôi đi bộ, trong đội hình quân nhân mặc quân phục xanh nhà binh còn chúng tôi “quân đen “ mặc cán phục . Tới đường Nguyễn Huệ đi ngang Chi Khu An lộc phía trước còn 1 trụ cổng, Cơ Quan Hành Chánh Quận bị đạn pháo tan tành còn lại đống gạch vụn ngổn ngang.
Công viên cửa ngõ vào thị xã cây cảnh chung quanh bị đạn pháo tơi tả, tượng đài người lính ở tư thế tiến công bị rất nhiều mảnh đạn làm trầy trụa, nhưng trên khuôn mặt tượng không có một vết nào, chúng tôi đốt nhang cắm vào lư hương đặt dưới chân bệ tượng đài. Những quân nhân gặp trên đường yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng đi qua khu vực “ vận động trường Nguyễn Huệ “ đối điện với tượng đài, đây là mục tiêu chính của các trận pháo kích. Nhìn qua bên trái là tháp nước được xây dựng từ thời pháp, chiếc thang sắt để leo lên chòi quan sát bị đạn pháo gãy một đoạn, có 6 chiếc loa của còi báo động vẫn còn sử dụng, bồn nước bị đại bác 100m/m của xe tăng T54 bắn trực xạ thủng nhiều lỗ và lỗ chỗ miểng đạn pháo. Bên trái là Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh Bình Long ( Tòa Hành Chánh ) loang lỗ, còn đứng vững mái nhà không còn, trên sân còn ngổn ngang các thứ, lá cờ trên cột vẫn phất phới bay trong gió, chung quanh là dãy nhà các Ty đã thành bình địa .
Bên phải là đồn Quân Cảnh Tư Pháp, văn phòng Hội Đồng Tỉnh, Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc cũng chẳng còn gì ngoài những đống đổ nát. Đến ngã tư bên trái là Tiểu Khu Bình Long cũ chẳng còn hình hài gì ngoài những lô cốt, hầm hố, ụ chiến đấu. Bên kia ngã tư phía phải là trường Tiểu Học Thượng cũng chỉ còn trơ những bức tường xây bằng gạch thẻ dày đến hơn 20cm nhưng cũng không chịu nổi sự tàn phá của đạn pháo, tôi đọc được hàng số 1938 đúc bằng xi măng trên tường, những dãy nhà ký túc xá cho học sinh cũng cùng số phận. Dãy nhà Ty Tiểu Học Bình Long còn nguyên dãy tường nhưng nóc thì không còn, bên trái là trường Trung Học Bình Long mặc dù không bị xập hoàn toàn nhưng mái thì không còn nguyên vẹn, trơ những hàng rui mè, đòn tay cháy xém đen xì xì.Chúng tôi không đi thẳng theo đường Nguyễn Huệ mà rẽ trái đi về phía Bệnh Viện Bình Long, đến khu mộ chôn tập thể trên nền những phòng học của trường Trung Học Bình Long, lúc này có một số quân nhân đang khiêng đất vun đắp lên ngôi mộ, sĩ quan hướng dẫn nói đoàn sẽ dừng lại đây để chăm sóc cho ngôi mộ. Tôi hỏi người quân nhân đang làm việc : Những người dưới mộ là những ai vậy ? Anh nói : Dân cũng có, lính ta, lính họ cũng có. Từ lúc chiến sự xảy ra số người chết do bị pháo, bị đạn, bị miểng bom, miểng pháo, nhà sập….rất nhiều, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đi thu gom xác chết từ cổng Xa Cam và trong khu vực thị xã tập trung về khu bệnh viện để đem đi chôn, nhưng mỗi ngày số người chết tăng lên gấp bội, mà nghĩa trang thì không đến được, ở bệnh viện số người bị thương cùng với xác chết, sợ bị những bệnh nguy hiểm do tử khí sinh ra nên chỉ huy mặt trận lệnh cho chúng tôi phải tìm chỗ chôn, công binh đã ủi những lỗ chôn ở khu vực ấp Hưng Chiến nhưng do bị pháo và bắn sẻ nên không chôn ở dưới đó được. Ban đêm mới ủi khu nhà sập này để chôn nhưng cũng chẳng yên lành gì đạn pháo là làm chết 2 người lái máy ủi cũng may là cái xe ủi chưa bị hư nặng, ban đầu chỉ ủi 1 hố chôn hết lớp xác cũ xong, chỉ một đêm đến sáng đi gom về cũng bằng số vừa mới chôn thành ra khu mộ này có nhiều ngôi mộ liền nhau .
Tôi kính phục những người lính này đã không ngại gian lao nguy hiểm đến bản thân hằng ngày chỉ 5 người với 1 chiếc xe dodge đi đến những điểm giao tranh, bị pháo, bị bom đưa những người xấu số về nơi tập trung . Chắc tình cảnh này chỉ ở Bình Long mới có……Tôi không biết là dưới nấm mồ này có người quen của mình hay không ? Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ tất cả những người cùng chung an nghỉ nơi đây, vì họ đã nằm xuống trên đất Bình Long …..!
( còn tiếp)
Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (7)
Do lạ chỗ, cùng tiết trời lạnh giá của vùng cao nguyên đất đỏ, cộng thêm tiếng súng đại bác bắn đì đùng yểm trợ cho các đơn vị bạn, nên nhiều anh chị trong đoàn không ngủ được. Phần tôi vì náo nức muốn về thăm gia đình nên cũng không thể chợp mắt. Các quân nhân luân phiên canh gác cùng quây quần bên bếp lửa trong phòng vừa là nhà, vừa là hầm trú pháo của đơn vị CTCT với các anh chị em trong đoàn. Thế là tiếng đàn ghita lại rung lên, những bài tình ca, du ca, những tình khúc Lê Uyên & Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Cung Tiến lại được cất lên trong không khí đầm ấm,mặc dù ngoài trời se lạnh .
Có tiếng gà gáy sáng từ xa vọng lại, tôi nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng lại bắt đầu một ngày mới trên quê hương, lúc này có nhiều anh chị em trong đoàn đã thức. Các Quân nhân của đơn vị mời chúng tôi ăn bữa sáng, họ cười nói : Ở đây không có phở, hủ tiếu hay bún riêu chỉ có món xôi “ Bà Thiệu “ chấm với muối đậu mời các bạn dùng tạm. Chúng tôi ngạc nhiên, không lẽ “ Đệ nhất phu nhân “ lại ưu ái đến lính mặt trận hay sao mà gởi cả xôi ăn sáng đến sớm vậy !? Tôi nhìn gói xôi được bọc bằng bao nylon đựng gạo xấy, thấy những miếng xôi vuông vức, bên cạnh là muối đậu phụng đựng bằng nắp plasstic đậy đầu đạn M79, cắn thử một miếng thấy dẻo, thơm và ngon vì lạ miệng nên anh em trong đoàn ăn rất hăng, mấy quân nhân nói : Các bạn cứ ăn cho thỏa thích, món này ở đây không thiếu, sau 5 phút là có ngay . Tò mò xem họ nấu ra sao mà nhanh thế ! Thì ra món được gọi là xôi “ Bà Thiệu “ được chế biến từ bịch gạo xấy 150gr (dùng cho bữa sáng) cho một chút nước vào rồi vò và nhồi cho nát nhừ, đập mạnh cho dẻo và cán mỏng, cắt thành từng miếng vuông chưa đầy 5 phút là ăn được.
Có tiếng xé gió hú thật kinh hoàng làm các cô gái trong đoàn sợ hãi, những tiếng của đồ vật rơi nghe lịch bịch khô khốc đất rung lên, thấy mọi người sợ người sĩ quan chỉ huy giải thích đó là tiếng hú của những kiện hàng tiếp tế do máy bay C130 thả xuống bằng dù, bây giờ thì tất cả vào hầm trú chuẩn bị ăn điểm tâm bằng pháo 130 ly, vừa lúc đó thì tiếng réo của đạn bay và tiếng nổ ầm ầm khắp mọi nơi, căn nhà hầm chúng tôi ở rung lên từng hồi vì đạn pháo nổ gần đâu đó, chừng 10 phút sau thì im lặng. Người sĩ quan nói, ăn sáng xong rồi bây giờ chỉ còn bữa trưa nữa thôi còn lót lòng thì lai rai không đáng ngại ( ý nói pháo buổi sáng, buổi trưa và trong ngày ) các anh chị cứ thoải mái, nhưng không nên coi thường vì tọa độ pháo không biết đâu mà lường được. Bước ra bên ngoài căn nhà hầm tiết trời rất lạnh nhìn về hướng đông thấy ngọn “ Đồi Gió “ sương giăng phủ dầy đặc, trắng xóa, chạnh nghĩ thương những người lính nơi tiền đồn có chịu nổi cái giá lạnh của Bình Long không ?
Chuẩn bị lịch hoạt động ngày mới, chương trình ngày hôm nay Chi Khu An Lộc hướng dẫn đoàn đi thăm những khu dân cư, những dấu tích chiến tranh, buổi chiều chuẩn bị cho chương trình dạ thanh . Tôi sẽ về thăm gia đình lúc đi thăm những khu dân cư, vì công việc tiếp theo sẽ chiếm rất nhiều thời gian.
( còn tiêp )
Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (6)
Tạm ổn định, đoàn chúng tôi chuẩn bị các tiết mục cho đêm văn nghệ, vì là một đơn vị chuyên nghiệp nên việc chuẩn bị chương trình, tiết mục đối với chúng tôi không có việc gì phải lo lắng. Bên trong thị xã, tiếng đạn pháo vẫn réo vang và nỗ ì ầm đâu đó, anh chị em trong đoàn không chút bận tâm, đã quen những buổi công vụ xã - ấp còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Ngày đầu đoàn chúng tôi kết hợp cùng đơn vị CTCT Tiều Khu có buổi sinh hoạt văn nghệ cho các đơn vị diện địa Bình Long, những bài hát hùng ca, trường ca được đoàn chúng tôi thể hiện, những người lính ở mặt trận này từ lâu chỉ nghe tiếng súng pháo, hôm nay được thấy và nghe tiếng hát của chúng tôi trình bày những bài trường ca, hùng ca như : “ Những Nẻo Đường Việt Nam, Mẹ Trùng Dương, Hồn Nước, Trên Đầu Súng Quê Hương, Việt Nam – Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ta Ngạo Nghễ, Quyết Chiến Thắng, Đến Với Quê Hương Tôi, Mưa Rơi Bình Long Mưa Pháo An Lộc, Tiếng Hát Từ Bình Long Về Đến trị Thiên Anh Dũng “, kỹ năng phối bè, hoạt cảnh minh họa cùng với những bài, điệu múa dân ca 3 miền,. Những bài hát về người lính : “ Giờ này Anh Ở Đâu, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Đêm Tiền Đồn, Hàng Hàng Lớp Lớp, Các Anh Đi “ cũng được 2 đơn vị chúng tôi thể hiện trong đêm sinh hoạt . Những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng nhạc đã vang xa trong màn đêm cô tịch, lạnh lạnh của chiến trường, trong lúc đạn pháo vẫn nổ ầm ầm trong thị xã, không làm cản trở đêm văn nghệ đầy khí thế . Lần đầu tiên chúng tôi sử dụng hệ thống âm thanh công suất lớn, cho nên những đơn vị ngoài tiền đồn vẫn nghe được, chương trình văn nghệ kéo dài đến gần 11 giờ đêm mới kết thúc. Bây giờ thì trời đã khuya nên rất lạnh
Phút chia tay đầy quyến luyến giữa anh chị em trong đoàn và những khán giả. Nhưng âm điệu những bài hát vẫn còn vang mãi trong mọi người .
(còn tiếp)
Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (5)
Đang thưởng thức mùi thơm và vị đắng của từng giọt cà phê, một quân nhân đến gặp Anh Nhụ báo có điện thoại. Anh Nhụ quay sang nói vói tôi cứ ngồi đây chờ Anh . Một lúc sau Anh trở lại cùng Anh Chữ dân Xa Trạch nhà có xe đò hiệu Nam Đồng chạy Bình Long - Xa Trạch , tôi chào và Anh hỏi về Bình Long thăm gia đình hả, Anh cho biết Cha Mẹ tôi khỏe mạnh, bình thường vì ngày nào Anh cũng gặp. Tôi cảm ơn và nói em về Bình Long làm công tác. Hai kiện hàng của mấy em, Anh đã đưa vào chỗ chỉ huy, ở đó an toàn và có xe các em ra bốc lên rồi vào Bình Long cho sớm.
Lúc này đã 12 giờ 45 như vậy là tôi về đất bình Long đã được hơn nửa giờ mà vẫn còn loanh quanh ngoài phi trường. Anh Nhụ nói mấy em ra lấy hàng đi để còn vào cho sớm, em muốn về thăm nhà thì Anh chở về. Tôi nói vì phải đi với đoàn, khi nào ổn định em sẽ về thăm nhà. Chúng tôi cùng đi ra khỏi hầm, tôi cùng anh em trong đoàn đi theo Anh.
Mấy quân nhân đã tháo lưới, dây giằng của kiện hàng, bên cạnh là chiếc xe GMC chúng tôi đưa thiết bị lên xe, vừa lúc đó thì đoàn máy bay khác cũng vừa bay đến thả hàng và khách xuống, rồi nhận khách lên và bay trở về, bằng thời gian như chuyến đến của chúng tôi. Một số quân nhân vào Bình Long cùng tháp tùng xe với chúng tôi. Anh Nhụ thông báo với người quân nhân lái xe về địa điểm xuống của chúng tôi ở đã nhận được qua điện thoại,. Chúng tôi và những người khách cùng lên xe.
Anh Quân nhân lái xe cười nói : Xe ở Bình Long chiếc nào cũng giống nhau cả, không sứt đầu thì cũng bể thùng, có xe đi là oách rồi các anh em chịu khó tìm chỗ ngồi nhé. Đúng thật, tôi nhìn chiếc xe không kiếng, không mui, còn thành xe thấp và đầy những lỗ đạn. Xe lăn bánh, tôi giơ tay chào Anh Nhụ và Anh Chữ, Anh Nhụ nói mai anh em mình uống cà phê sáng tại Bình Long đó, tôi gật đầu. Xe chạy trên đường Quốc lộ 13thẳng tiến vào thị xã, gần tới ngã 3 Xa Cam bên trái đường có một chiếc chiến xa T54 bị bom vùi sâu đến 5 – 6 mét chỉ chừa 2 lỗ trên nóc pháo tháp, bên phải trong vườn cao su có hơn 10 chiếc xe tăng PT76 bị bắn cháy đen xì . Kia rồi ! Tấm bảng xi măng được xây dựng từ thời pháp “ Plantation De XaCam “bị đạn lỗ chỗ nhưng vẫn còn đọc được những hàng chữ, trên mặt đường có 2 hàng lỗ đặt mìn chống chiến xa được đục tròn rất khéo, nhìn về bên phải là thung lũng, dưới thung lũng là những cánh đồng ruộng ấp Phú Đức, sóc Tư Bổn. Phía xa ngọn “ Đồi Gió ” sừng sững, hùng vĩ, trông đẹp như cảnh ở ĐàLạt, chạnh lòng nhớ đến ca khúc “ Đường Xưa Lối Cũ “ mà chị Mỹ Thể hát, nhưng có hậu hơn điệp khúc của ca khúc.
Xe đã đến cổng Bình Long, bót gác của trạm cảnh sát vẫn còn nguyên, bên cạnh là một chiếc chiến xa T54 bị bắn cháy, bên lề con đường Nguyễn Du có chiếc trực thăng UH1B khi đáp bị đạn pháo hư nằm tại chỗ, bên phải là Trại Đỗ Cao Trí xa hơn một chút là Chi khu An Lộc. Xe đến trước cổng trại Đỗ Cao trí thì ngừng cho những hành khách xuống, còn chúng tôi thì ngồi lại, đi thêm một đoạn ngắn thì rẽ trái đi vào con đường nhỏ sát bờ đê chiến lược, phía sau Ty Lâm Nghiệp thêm một đoạn thì ngừng lại. Chúng tôi xuống xe, quân nhân lái xe hướng dẫn chúng tôi vào một doanh trại quân đội, đây là doanh trại của Đại đội CTCT của Tiểu Khu Bình Long, Xếp L và các anh chị trong đoàn đi chuyến máy bay trước đang ở đây chạy ra đón chúng tôi, người sĩ quan CTCT hướng dẫn chúng tôi chuyển đồ đạc, thiết bị sang dãy nhà kế bên, tôi nhìn lên giòng chữ : “ Ty Hàng Không Bình Long “ được đúc bằng xi măng trên mặt trước của căn nhà chỉ còn lại vài bức tường, hai trụ sắt anten bên hông căn nhà bị đạn pháo gãy ngang. Xếp L thông báo cho chúng tôi ở tạm đây chờ bố trí điểm thuận lợi hơn, căn dặn chúng tôi phải tuân theo hướng dẫn của chỉ huy đơn vị .
Từ chỗ này đi bộ về đến nhà tôi khoảng 20 phút, nhưng phải nén lòng chờ đợi, vì tôi đang ở tại Bình Long…..
(còn tiếp)
Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (4)
Đột nhiên người tụt hẫng như rơi vào khoảng không trọng lực. vội vàng bám tay vào thành cửa nơi đang đứng, là do máy bay giảm cao độ đột ngột, chuyển hướng bay về hướng bắc, song song với Quốc lộ 13 về bên phải, nhận ra ấp Tân Khai 2 khu dân cư của Đồng Bào Thiểu Số, phía bên kia là ấp Tân Khai người Kinh. Phía dưới là một đồn lính, 2 khẩu đại bác 155 m/m nòng súng trắng xóa vươn lên hướng về Bình Long, những người lính đang sửa lại công sự.
Lúc này máy bay bay rất thấp, tôi thấy những chiếc dù hỏa châu lơ lửng phía trên, chắc là những người lính ở mặt trận Bình Long biết chúng tôi đến nên bắn hỏa châu hai bên đường để mừng đón !? Máy bay bay vào giữa hai hàng hỏa châu, tôi hỏi người xạ thủ phi hành : “ Tại sao ban ngày mà lại bắn hỏa châu ? “ Anh ta nói : “ Để phá hủy hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA7 của đối phương bắn lên máy bay “ . Thật là thú vị, chắc những người chế tạo ra loại hỏa tiễn SA7 phải quì xuống bái phục và gọi những người lính ở Bình Long là “ Sư Phụ “ mới xứng đáng.
Qua khỏi Tân khai là con đường đất sỏi đi về Van Hiên, Technique trên đường có chiếc trực thăng võ trang Cobra chắc là bị trúng đạn phòng không trong những ngày ác chiến, nhưng không bị cháy, đáp ngay giữa đường. Máy bay đã vào ấp Đức Vĩnh 1(Chà Là) những cây chà là hai bên đường vẫn tỏa lá xanh , bây giờ thì máy bay ở độ cao bằng ngọn cây cao su, vườn cao su chạy dài nhưng hầu như là không bị cụt ngọn thì cũng gãy cành, lưa thưa nhô lên trong đám cỏ mỹ dày đặc.
Đến ngã 3 Xa Trạch máy bay bay vào giữa Quốc lộ 13, là là qua ngã 3 vào ấp Đức Vĩnh 2(Sở nhì) thì dừng lại, hạ thấp thả 2 kiện hàng của chúng tôi xuống rồi bốc lên quay đầu lại hướng nam đáp xuống bên trái đường, nhân viên phi hành ra hiệu cho tất cả chúng tôi xuống máy bay thật nhanh vì sợ pháo kích. Chúng tôi chạy ra khỏi máy bay cùng lúc có rất nhiều quân nhân hối hả chạy lên máy bay, không đến 3 phút máy bay cất lên bay trở lại.
Chúng tôi ngơ ngác đứng bên lề đường Quốc lộ 13 nhìn cảnh vật hoang vắng, kiện hàng thì nằm mãi đâu đâu, lúc này trên mặt đường có rất nhiều kiện hàng vừa được thả xuống. Nhưng lạ thật , biết bao người trên máy bay cùng xuống mà bây giờ chỉ có lơ ngơ mấy anh em chúng tôi. Đang phân vân chưa biết phải làm sao, thì tôi nghe có tiếng người gọi từ vườn cao su, vào đây ngay, không tụi nó pháo là toi mạng bây giờ ! Thế là chẳng ai bảo ai chúng tôi cùng chạy vào nơi đó. Đây là những căn hầm trú đạn pháo của hành khách đến hoặc đi của phi trường .
Bây giờ tôi mới nhận ra phi trường dã chiến này là đoạn Quốc lộ 13 từ ngã 3 Xa Trạch chạy dài tới đường vào nhà tây Xa Cam. Phải thật lòng kính phục những người đã nghiên cứu thực hiện con đường, bình thường là đường bộ cho xe cộ, khi hữu sự trở thành một phi đạo hạng trung , thật vạn lần kính phục những bộ óc vĩ đại. Đang mãi ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, chợt một bàn tay vỗ vào vai tôi và hỏi : Vào Bình Long không ? Có xe GMC bên Trung Tâm Tiếp Vận Tiểu Khu đậu đằng kia, lại đó mà đi ! Tôi quay lại và kêu lên : Anh Nhụ ! Người vừa hỏi tôi chính là Thiếu úy Nhụ dân Technique, phụ trách chuyển vận ở phi trường này, Anh Nhụ cũng nhận ra tôi, sau vài lời hỏi han Anh dẫn tôi lại căn hầm có mái lợp tôn, chung quanh vách bằng bao cát dày cả thước, dưới mái tôn là trần cũng bằng bao cát dày đến 2 thước, trông rất chắc chắn. Vào trong hầm tôi mới biết đây là câu lạc bộ dành cho những quân nhân, hành khách chờ xe vào hoặc chờ máy bay để đi. Anh Nhụ kêu 2 ly cà phê đen và nói với tôi : Cà phê Bình Long chính hiệu đó, hái từ những vườn cà phê ở Núi Gió, uống xem có ngon hơn cà phê Sàigòn không ! Cái cảm giác vừa đặt chân lên đất quê hương, lại được uống ly cà phê trồng trên chính mảnh đất quê hương của mình, mặc dù ở đây đang là mặt trận, mà sao tôi lại thấy thanh bình, yên ổn quá .
Tôi thầm kêu :Tôi đã về Bình Long, Cha Mẹ ơi con đã về đến Bình Long, Bình Long ơi tôi đã về, tôi đã về….
(còn tiếp)
Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (3)
Ngồi nơi cửa sổ hình tròn của máy bay, tôi quan sát và định được hướng bay, máy bay bay dọc theo phi đạo của sân bay Biên Hòa về hướng cầu Săn Máu, Chợ Sặt - Hố Nai, xa xa là tháp chuông của nhà thờ Hà Nội, phía phải của máy bay là thành phố Biên Hòa và bên dưới là xa lộ Biện Hòa – Sài Gòn nườm nượp các loại xe, khi gần đến cầu Săn Máu thì máy bay chuyển về hướng Quận Công Thanh, dưới là giòng sông Đồng Nai êm ả , hai bên bờ là những dãy nhà và vườn cây, ruộng lúa, đây là xã Đại An – Đại Ngãi bên phài sông là con đường chạy dài từ chợ Biên Hòa qua Bửu Long, qua trung tâm Quận Công Thanh lên tới ngã ba Cây Gáo gặp Quốc Lộ 20 đi Phương Lâm – Định Quán – Đà Lạt.
Bay qua sông Đồng Nai vào không phận của Quận Tân Uyên, phía dưới là những khu nhà dân và trung tâm quận, từ trên cao nhìn thấy những người dân làm vườn, ngước mặt nhìn lên máy bay, không biết là có trông thấy tôi hay không mà họ đưa tay vẫy chào . Xa xa là con đường đi Quận Phú Giáo tỉnh Bình Dương.
Qua khỏi Quận Tân Uyên máy bay lên cao hơn lúc đầu. Thì ra đã đi vào khu vực “ chiến khu Đ “ để an toàn nên máy bay phải lên cao , lúc này tầm mắt của tôi nhìn được xa hơn. Tôi lại chỗ nhân viên phi hành hỏi “ Xin lỗi, hút thuốc có được không ” ? Anh ta gật đầu ! Tôi ngồi vào ghế bên cạnh anh đang đứng với tư thế hai tay cầm chặt vào tay cò khẩu súng đại liên 60 gắn bên cửa máy bay, mắt không ngừng quan sát phía dưới . Lúc này tôi mới nhìn thấy không phải chỉ có một máy bay của chúng tôi, mà có tới 8 hay là 9 chiếc CH 47 cùng bay , không biết bay theo đội hình gì mà tôi nhìn bên cửa phải cũng có, bên trái cũng có . Cứ nhìn chiếc máy bay bên cạnh lên hay xuống tức là máy bay của tôi đi đang lên và ngược lại, thấy hay tôi đứng lên bên cạnh người phi hành kiêm xạ thủ quan sát, tôi thấy một vòng tròn màu trắng, rồi hai vòng tròn trông thật đẹp, nhìn kỹ thì ra là những chiếc UH1B gunship đang làm nhiệm vụ truy tìm những ổ phục kích đoàn máy bay. Phía dưới là giòng Sông Bé hẹp nhưng lắm khúc khủy, uốn quanh, máy bay đã vào không phận xã Nha Bích Quận Chơn Thành, Tỉnh Bình Long, cây cầu sắt bắc ngang qua Sông Bé và con đường Tỉnh lộ 13 vắng tênh, chỉ có hai đồn lính bảo vệ hai bờ cầu là có thấy bóng người, còn phi trường phía dưới rộng thênh thang, nhưng nhìn rất sạch, những tấm vỉ lót phi đạo xanh rì, bóng loáng. Dưới ánh nắng bóng những chiếc máy bay đang bay in xuống mặt phi đạo trông thật rõ .
Ngạc nhiên hơn nữa là khi tôi nhìn thấy phía dưới rừng cây là những vết lỗ chỗ, loang loáng nước, rất nhiều và thật nhiều, ước tính từ trên cao này nhìn xuống cứ cách 1cm là có một vết trải dài muốt ngàn . Tôi hỏi người xạ thủ phi hành đó là vết gì vậy ? Anh ta nói : “ Đó là hố bom và lỗ pháo” Trông không khác gì hình chụp “ mặt nguyệt cầu “. Tôi vuột miệng kêu lên : “ Trời ơi ! Khốc liệt quá ! Vậy thì đâu còn ai sống !?”. Một nỗi buồn len vào trong tôi.
Tôi muốn bật khóc và kêu lên : Thương quá Bình Long ơi ! Nhưng tôi không thể nào khóc và kêu lên được, nghĩ mà thương cho mảnh đất nghèo, phải gánh chịu nhiều khốn khổ, bởi vì nó là Bình Long ……
(còn tiếp)
Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (2)
Ngày 6 tháng 12 đoàn xe gồm 5 chiếc chở chúng tôi theo Quốc lộ 15 đến ngã 3 Rừng Mít quẹo trái vào sân bay Biên Hòa. Ngạc nhiên vì di chuyển bằng máy bay thì chúng tôi thường vào căn cứ Long Bình khu vực Cầu Hang, sao lần này lại vào sân bay Biên Hòa, vào đến phi đoàn CH 47, chúng tôi bốc dỡ thiết bị từ trên các xe tải xuống, Xếp L và sĩ quan không quân đến, họ dặn dò chúng tôi thật kỹ : “giữ trật tự khi lên xuống và bình tĩnh trong khi phi cơ đang bay, hoặc có tình huống xấu .
Chúng tôi được chia thành nhóm, mỗi nhóm 20 người cùng với hành lý cá nhân và nhạc cụ, đạo cụ mang theo. Còn toàn bộ khí tài, thiết bị, âm thanh thì tập trung cho nhân viên kỹ thuật không vận cho vào lưới hàng, máy bay sẽ đeo bên dưới. Chúng tôi không đồng ý cách vận chuyển như vậy, vì máy móc cho vào lưới khi nâng lên sẽ bị bó dồn lại, gây hư hỏng .
Cuối cùng 2 nhóm dồn vào khoang một chiếc CH47 cùng với nhạc cụ cầm tay. Lúc đó là 8 giờ 45 chuyến bay đầu tiên cất cánh bỏ lại bộ phận kỹ thuật và nhạc công đi chuyến sau . chừng 10 phút một chiếc xe nâng hàng chạy lại thả xuống chỗ chúng tôi 2 tấm nhôm bằng phẳng, họ nói chúng tôi xếp tất cả khí tài lên 2 tấm nhôm đó, để kịp thời gian máy bay trở lại. Chúng tôi xếp các máy móc, thiết bị theo từng loại vào với nhau, các quân nhân chuyển vận sử dụng vải bạt bao các thiết bị, rồi dùng dây bẹ giằng chặt lại, phủ lưới bảo hiểm lên .
Mọi việc đã hoàn tất, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì không phải lo có sự hư hỏng xảy ra. Trong lúc chờ chuyến bay, chúng tôi vào câu lạc bộ của phi đoàn uống cà phê và mua bánh mì dành ăn theo đường . Đã hơn 10 giờ mà chưa thấy máy bay, tôi hỏi một sĩ quan chuyển vận thì được biết : Lộ trình bay đi về chỉ hơn 50 phút, nhưng vì không có “ gunship” hộ tống nên máy bay phải chuyển vận hàng cho đơn vị khác. Khi nào có “ gunship” hộ tống sẽ chuyển vận cho chúng tôi. Quả là bất ngờ, chuyến công vụ lần này là An Lộc - Bình Long, tôi lặng người, miệng lẩm bẩm Bình Long, Bình Long . như vậy là tôi được về chính mảnh đất quê hương đã sinh ra tôi, nơi mà Cha Mẹ tôi hiện đang còn ở lại đó ! Với tôi lúc đó không nỗi vui mừng nào hơn được, trong lòng hôi hộp, thời gian chờ đợi chuyến bay đối với tôi sao dài quá..... Nó đến rồi ! Tiếng ai đó vang lên, tôi giật mình nhìn lên, chiếc CH 47 đang tiến lại phía chúng tôi, gió từ hai cánh quạt thổi thành một vòng tròn dưới đất và nó nhẹ nhàng đáp xuống. Nhân viên chuyển vận ra hiệu cho chúng tôi lên máy bay. Chúng tôi hối hả cúi người tiến lại đuôi máy bay, bước vào khoang chúng tôi thấy có một số quân nhân , chắc có lẽ họ cũng đi Bình Long như chúng tôi. Nhân viên phi hành ra dấu cho chúng tôi ngồi xuống hai hàng ghế hai bên, không đầy 5 phút máy bay nâng lên và nhân viên mặt đất móc hai kiện hàng của chúng tôi vào máy bay. Máy bay nâng lên cao và bay thẳng lúc đó là hơn 11 giờ .
Tôi lẩm bẩm : Tôi về Bình Long ! Ôi hai tiếng “ Bình Long “ sao thân thương thế !
(còn tiếp)
Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010
Tùy bút : Mùa Đông Bình Long 1972 (1)
Mới đầu tháng 11 dương lịch, mà cao nguyên đất đỏ Bình Long trời đã se lạnh. Tiết mùa đông đã đến sớm hơn mọi năm. Trong tiết trời lành lạnh của năm nay, khiến tôi nhớ cách đây 38 năm, tôi đã đón mùa đông và năm mới 1973 tại chiến trường khốc liệt nhất : “ Bình Long Anh Dũng “.
( TTHLCBQG CHÍ LINH VŨNG TÀU 1972)
Bình Long tháng 12 năm 1972
Sau sáu tuần lễ huấn dục và bồi dưỡng nghiệp vụ Tuyên Vận tại Trung Tâm Cán Bộ Quốc Gia Chí Linh, Rạch Dừa (Vũng Tàu). Đoàn chúng tôi được di chuyển về Trung Tâm DV & CH Khu 3 trú tại Quận Đức Tu, Tỉnh Biên Hòa. Xếp L tươi cười đón chúng tôi .Chúng tôi tập trung tại sảnh Trung tâm. Xếp L tuyên bố cho chúng tôi được về thăm gia đình 2 ngày để chuẩn bị mọi thứ cho chuyến công vụ dài ngày sắp tới. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều vui mừng vì được nghỉ về thăm nhà, nên cũng chẳng cần biết chuyến công vụ này ở đâu và đi bao lâu . Thế là mạnh ai người đó tay xách, nách mang hành lý cá nhân ra về, lúc đó cuối tháng 11/1972.
Đúng 8 giờ sáng ngày 3/12 tất cả 32 anh chị em của Đoàn Văn tuyên Khu 3 đã có mặt đầy đủ tại Trung Tâm khu 3, thay vì chúng tôi phải về bên trụ sở của mình gần rạp Biên Hùng. Nhưng vì lệnh điều động tập trung tại Trung Tâm khu, ngoài xếp L và các Khối nghiệp vụ của trung tâm, hôm nay lại còn có các sĩ quan cao cấp bên Quân khu và Quân đoàn 3 dự.
Do tình hình phức tạp trong việc ký hiệp định ngừng bắn tại miền nam Việt Nam giữa các bên tại Paris chưa được thực hiện trong tháng 10/1972 . Để chuẩn bị tốt cho tình hình mới, chủ động trong công tác Dân Sự Vụ trước khi hiệp định được ký kết, Khu 3 điều động Đoàn Văn Tuyên khu thực hiện nhiệm vụ dài hạn, nơi đến là một chiến trường địa điểm không tiết lộ. Đoàn cần thêm các tiết mục dân sự vụ phong phú, chúng tôi có 3 ngày chuẩn bị. Đúng 8 giờ sáng ngày 6 tháng 12 lên đường.
Không ngạc nhiên, vì chuyện đi công vụ ngày hay đêm, xa hay gần hoặc đi đâu là chuyện thường ngày của chúng tôi . Nhưng lần này tôi hơi ngạc nhiên một chút là các bộ phận liên quan đã chuẩn bị cho đoàn chúng tôi quá nhiều trang bị như : Máy phát điện, nhạc cụ âm thanh , amplie công 400watt, loa phóng thanh ( bình thường chúng tôi chỉ sử dụng cao nhất là amplie 200watt để phát trên 6 loa trầm công suất 400 watt ngoài trời cho ca sĩ , vì các nhạc cụ có amplie và loa riêng) và một số dụng cụ liên quan khác. Chất lên đầy 2 chiếc xe vận tải quan sự ( GMC ) Tất cả đã sẵn sàng chờ ngày, giờ xuất phát .
(còn tiếp)
( TTHLCBQG CHÍ LINH VŨNG TÀU 1972)
Bình Long tháng 12 năm 1972
Sau sáu tuần lễ huấn dục và bồi dưỡng nghiệp vụ Tuyên Vận tại Trung Tâm Cán Bộ Quốc Gia Chí Linh, Rạch Dừa (Vũng Tàu). Đoàn chúng tôi được di chuyển về Trung Tâm DV & CH Khu 3 trú tại Quận Đức Tu, Tỉnh Biên Hòa. Xếp L tươi cười đón chúng tôi .Chúng tôi tập trung tại sảnh Trung tâm. Xếp L tuyên bố cho chúng tôi được về thăm gia đình 2 ngày để chuẩn bị mọi thứ cho chuyến công vụ dài ngày sắp tới. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều vui mừng vì được nghỉ về thăm nhà, nên cũng chẳng cần biết chuyến công vụ này ở đâu và đi bao lâu . Thế là mạnh ai người đó tay xách, nách mang hành lý cá nhân ra về, lúc đó cuối tháng 11/1972.
Đúng 8 giờ sáng ngày 3/12 tất cả 32 anh chị em của Đoàn Văn tuyên Khu 3 đã có mặt đầy đủ tại Trung Tâm khu 3, thay vì chúng tôi phải về bên trụ sở của mình gần rạp Biên Hùng. Nhưng vì lệnh điều động tập trung tại Trung Tâm khu, ngoài xếp L và các Khối nghiệp vụ của trung tâm, hôm nay lại còn có các sĩ quan cao cấp bên Quân khu và Quân đoàn 3 dự.
Do tình hình phức tạp trong việc ký hiệp định ngừng bắn tại miền nam Việt Nam giữa các bên tại Paris chưa được thực hiện trong tháng 10/1972 . Để chuẩn bị tốt cho tình hình mới, chủ động trong công tác Dân Sự Vụ trước khi hiệp định được ký kết, Khu 3 điều động Đoàn Văn Tuyên khu thực hiện nhiệm vụ dài hạn, nơi đến là một chiến trường địa điểm không tiết lộ. Đoàn cần thêm các tiết mục dân sự vụ phong phú, chúng tôi có 3 ngày chuẩn bị. Đúng 8 giờ sáng ngày 6 tháng 12 lên đường.
Không ngạc nhiên, vì chuyện đi công vụ ngày hay đêm, xa hay gần hoặc đi đâu là chuyện thường ngày của chúng tôi . Nhưng lần này tôi hơi ngạc nhiên một chút là các bộ phận liên quan đã chuẩn bị cho đoàn chúng tôi quá nhiều trang bị như : Máy phát điện, nhạc cụ âm thanh , amplie công 400watt, loa phóng thanh ( bình thường chúng tôi chỉ sử dụng cao nhất là amplie 200watt để phát trên 6 loa trầm công suất 400 watt ngoài trời cho ca sĩ , vì các nhạc cụ có amplie và loa riêng) và một số dụng cụ liên quan khác. Chất lên đầy 2 chiếc xe vận tải quan sự ( GMC ) Tất cả đã sẵn sàng chờ ngày, giờ xuất phát .
(còn tiếp)
Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010
Tản Mạn về Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Việt Nam chúng ta có Ngày Nhà giáo. Nhiều nước trên thế giới (như Úc chẳng hạn cũng có Ngày Nhà giáo hay Teachers’ Day), nhưng hình như không rầm rộ như ở Việt Nam. Tôi thấy Ngày Nhà giáo ở Việt Nam là một truyền thống hay. Hồi xưa, trước 1975, người ta thường ví thầy cô là “ Kỹ Sư Tâm Hồn “, cách ví von đó chẳng sai chút nào. “ Không thầy đố mày làm nên “ đó là câu mà ông bà mình vẫn hay nói. Trong đời mình, ai cũng có một người Thầy hay một người Cô đáng nhớ.
“ Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư ”.
Chiếu theo câu nói đó, trong đời tôi cũng có nhiều Thầy và Cô lắm. Và, vào ngày này làm tôi nhớ nhất là thầy dạy tiểu học, tên Thầy là Trúc đã qua đời trên 30 năm rồi. Người để lại nhiều dấn ấn trong tôi. Cũng lạ, những Thầy Cô thời Trung học và sau này, không để lại dấu ấn gì trong tôi mà chỉ có Thầy, Cô thời Tiểu học! Tôi vẫn nhớ Thầy Trúc là một nhà giáo đúng mực, một nhà giáo tiêu biểu. Thầy là giáo viên lớp nhì, rồi lớp nhất Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc. Phần lớn gia đình của Thầy đều làm nghề giáo. Tôi học với Thầy Trúc hai năm cuối Tiểu học trước khi đi thi đệ thất. Dù ở một tỉnh lẽ, gần như thôn quê, nhưng mỗi khi lên lớp là Thầy vận quần áo nghiêm chỉnh (áo bỏ vô quần, mang giầy), trông rất đạo mạo. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Bây giờ tôi mới biết đó là những bài Thầy trích từ Quôc văn Giáo khoa thư. Thầy đã gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và rất tận tụy với học trò. Mỗi lần tôi ra chợ mà gặp Thầy là theo “luật làng” phải khoanh tay và chào Thầy. Thật ra, lúc đó tôi rất ngán Thầy, nên thấy Thầy ở xa xa là tôi tìm cách … tránh. Hồi còn nhỏ, tôi chắc thuộc loại học trò hơi “quậy”, nên cũng nhiều phen bị Thầy cho ăn đòn. Thời đó, có nhiều hình phạt “độc đáo” lắm. Một trong những hình phạt là nằm dài trên bàn và thầy/cô tha hồ quất roi! Những lúc đó, chẳng hiểu sao tôi không thấy mắc cở gì cả. Nhớ có lần tôi bị đòn, đến giờ ra chơi, cô bạn học tên N (bây giờ là một “quan đốc”) đến bên tôi nó nói “Tao có cái này, mày ăn là hết đau”. Tưởng gì, hóa ra là quế, mà ăn quế thì cay cay, ngọt ngọt, chứ có hết đau gì đâu ! Chẳng hiểu sao câu nói đó nó theo tôi đến tận bây giờ. Một hình phạt khác là quì xơ mít trước cột cờ. Cũng may là tôi chưa bị hình phạt này lần nào. Thật ra, tôi cũng chưa thấy đứa nào bị quì xơ mít cả, có quì ở hành lang trước cửa lớp thì có. Bây giờ nhớ lại mấy hình phạt này mà phát sợ.Ở Thầy, tôi còn thấy một sự phân định rạch ròi giữa cá nhân con người và chức phận. Thầy có những đam mê cá nhân có thể ngày nay không được xem là hay lắm, nhưng về mặt chức phận Thầy là một người làm tròn nhiệm vụ nhà giáo. Sau này lớn lên tôi mới biết là Thấy rất mê đá gà. Nhưng Thầy rất quan tâm đến chuyện thi cử. Tôi nhớ năm đi thi lên trung học, Thầy doạ đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt Thầy ! Trường tiểu học của tôi tuy nhỏ tí tẹo và xa “kinh thành” như thế nhưng có khá nhiều người thành đạt sau này. Công ơn của Thầy không thể nào không ghi nhận ở đây được.
Sau năm 1975, cả gia đình của Thầy đều tiêu tán. Thầy đương nhiên bị rơi chức hiệu trưởng và không được dạy học. Các con của thầy cũng không được dạy. Tôi nghe nói con út của Thầy ức quá nên tự tử chết. Còn con lớn thì lang thang như kẻ ăn xin ngoài phố. Bây giờ nhìn lại thời đó tôi thấy cái chính sách giáo dục thiển cận và giáo điều đó làm thui chột biết bao nhiêu nhà giáo có tài và có kinh nghiệm. Rất tiếc là năm tôi đến thăm thì Thầy không còn nữa để nói một lời cám ơn.
Tôi đã nói qua về người thầy của tôi thời Tiểu Học: Đó là thầy Trúc. Hôm nay, chợt nhớ một chuyện xưa cũng cảm động, nên tôi lại nhân cơ hội này nói qua về một người Thầy và Cô mà tôi theo học Trung Học. Câu chuyện của hai người cũng là một "chứng từ" cho một thời dao động lịch sử ở nước ta mà có lẽ ít người trẻ bây giờ biết được. Thầy tôi tên B, dạy văn chương. Nghe nói Thầy được biệt phái hay giải ngũ từ quân đội. Thầy B người thấp, không đẹp trai mấy nhưng không xấu tướng, ăn nói hoạt bát, miệng lúc nào cũng cười, áo chemise trong quần tây, trông rất lịch sự, Thầy có chiếc vespa rất oách ( thưở đó, chỉ có Thầy và hiệu trưởng có vespa). Thầy dạy văn tuyệt vời, Tôi mê thơ cũng là từ Thầy.
Còn Cô tên là H, dạy toán. Hình như lúc đó, Cô chỉ mới tốt nghiệp đại học sư phạm. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng đám học trò chúng tôi đã cảm nhận được cô H đẹp lộng lẩy, y như câu nói "mặt hoa da phấn". Tôi vẫn còn nhớ Cô thường đến trường trên chiếc xe Velosolex màu đen, áo dài thướt tha, tóc dài, đeo kính mát đen (thời trang thời đó), và mặt lúc nào cũng tươi như hoa nhưng rất nghiêm trang. Cô dạy toán cực kì thú vị, và tôi phải thú nhận rằng tôi ham mê toán thời đó cũng một phần là từ cách dạy của cô. Sau này tôi vẫn sử dụng cách dạy đại số của Cô là : Phải làm từng bước một, hai dấu = phải ngay hàng thẳng lối, hay dấu phân số phải nằm giữa dấu =, dấu căn, số phải viết đâu ra đó vân vân.
Tôi là học trò cưng của cả hai người, vì nói cho ngay, lúc đó tôi học cũng kha khá, nên được nhiều thầy cô quí mến.Các phòng học của trường được thiết kế theo kiểu hai dãy phòng hình thành theo mô hình dấu =, chính giữa là một sân rộng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay có sắp xếp, cứ đến giờ học của cô H thì phòng đối diện là giờ của thầy B.
Những khi có giờ của cô H, thầy B cho mở cửa toang, dạy rất hăng và … hay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Sau này, nghĩ lại tôi mới biết là những lời giảng của Thầy đều nhắm vào cô như là một cách tỏ tình. Thật ra, chắc lúc đó thầy B thương cô H (còn Cô H có thương Thầy B hay không thì chẳng ai biết).
Thầy oang oang giảng bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính :
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn
Hai người sống giữa cô đơn
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi …
Thỉnh thoảng Thầy còn đem thơ Xuân Diệu ra đọc :
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buồi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Có vài lần, Thầy nhờ tôi trao thư cho cô H, nhưng thú thật lúc đó tôi chưa biết điều đó có ý nghĩa gì. Được Thầy giao cho “trọng trách” như thế là hãnh diện lắm rồi! Còn phần cô, tôi nhớ chỉ có 2 lần cô nhờ tôi trao thư cho Thầy.
Đến đầu năm 1981, tôi tình cờ gặp lại Thầy và Cô, lúc này đã là vợ chồng. Cả Thầy và Cô đều … “mất dạy”. Nhìn Thầy da xạm nắng, dáng dấp phong trần, tôi hỏi qua Thầy làm nghề gì. Thầy cho biết sau 1975 đi học cải tạo 2 năm, ra khỏi trại không còn dạy học, làm đủ thứ nghề khuân vác, đạp xe lôi, buôn bán ... để sống qua ngày.
Nay thì Thầy có việc làm tương đối ổn định hơn : bán vé xe đò! Còn Cô thì tôi không biết làm gì. Tôi hỏi dạo này người ta vượt biên nhiều quá, sao Thầy Cô còn ở đây, thì Thầy méo miệng cười buồn nói : tiền đâu, nghèo rớt mồng tơi mà. Nhìn hai người, tôi chợt ngậm ngùi trước cảnh khó khăn mà hai người phải trải qua.
Tôi không còn nhận ra một Thầy B sang trọng ngày nào, không còn nhận ra cô H thướt tha, đài các của ngày xưa. Ôi, thời thế làm cho Thầy và Cô tôi nghèo khó và tiều tụy như bây giờ. Thế nhưng Thầy vẫn tươi cười, thậm chí còn mời tôi đi uống cà phê !
Hôm đó là ngày tôi gặp hai Thầy Cô lần cuối, vì từ đó cho đến nay, hơn 30 năm tôi vẫn chưa gặp lại Thầy B và cô H. Nhưng hình bóng của Thầy và Cô vẫn in đậm trong tôi, mãi mãi không thể xóa mờ được.
Ông Bà mình có câu “NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ”. Hiểu theo nghĩa đó, Thầy B và Cô H đều là người “ kỹ sư tâm hồn “ lớn trong đời tôi.
“ Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư ”.
Chiếu theo câu nói đó, trong đời tôi cũng có nhiều Thầy và Cô lắm. Và, vào ngày này làm tôi nhớ nhất là thầy dạy tiểu học, tên Thầy là Trúc đã qua đời trên 30 năm rồi. Người để lại nhiều dấn ấn trong tôi. Cũng lạ, những Thầy Cô thời Trung học và sau này, không để lại dấu ấn gì trong tôi mà chỉ có Thầy, Cô thời Tiểu học! Tôi vẫn nhớ Thầy Trúc là một nhà giáo đúng mực, một nhà giáo tiêu biểu. Thầy là giáo viên lớp nhì, rồi lớp nhất Trường Tiểu Học Cộng Đồng An Lộc. Phần lớn gia đình của Thầy đều làm nghề giáo. Tôi học với Thầy Trúc hai năm cuối Tiểu học trước khi đi thi đệ thất. Dù ở một tỉnh lẽ, gần như thôn quê, nhưng mỗi khi lên lớp là Thầy vận quần áo nghiêm chỉnh (áo bỏ vô quần, mang giầy), trông rất đạo mạo. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Bây giờ tôi mới biết đó là những bài Thầy trích từ Quôc văn Giáo khoa thư. Thầy đã gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và rất tận tụy với học trò. Mỗi lần tôi ra chợ mà gặp Thầy là theo “luật làng” phải khoanh tay và chào Thầy. Thật ra, lúc đó tôi rất ngán Thầy, nên thấy Thầy ở xa xa là tôi tìm cách … tránh. Hồi còn nhỏ, tôi chắc thuộc loại học trò hơi “quậy”, nên cũng nhiều phen bị Thầy cho ăn đòn. Thời đó, có nhiều hình phạt “độc đáo” lắm. Một trong những hình phạt là nằm dài trên bàn và thầy/cô tha hồ quất roi! Những lúc đó, chẳng hiểu sao tôi không thấy mắc cở gì cả. Nhớ có lần tôi bị đòn, đến giờ ra chơi, cô bạn học tên N (bây giờ là một “quan đốc”) đến bên tôi nó nói “Tao có cái này, mày ăn là hết đau”. Tưởng gì, hóa ra là quế, mà ăn quế thì cay cay, ngọt ngọt, chứ có hết đau gì đâu ! Chẳng hiểu sao câu nói đó nó theo tôi đến tận bây giờ. Một hình phạt khác là quì xơ mít trước cột cờ. Cũng may là tôi chưa bị hình phạt này lần nào. Thật ra, tôi cũng chưa thấy đứa nào bị quì xơ mít cả, có quì ở hành lang trước cửa lớp thì có. Bây giờ nhớ lại mấy hình phạt này mà phát sợ.Ở Thầy, tôi còn thấy một sự phân định rạch ròi giữa cá nhân con người và chức phận. Thầy có những đam mê cá nhân có thể ngày nay không được xem là hay lắm, nhưng về mặt chức phận Thầy là một người làm tròn nhiệm vụ nhà giáo. Sau này lớn lên tôi mới biết là Thấy rất mê đá gà. Nhưng Thầy rất quan tâm đến chuyện thi cử. Tôi nhớ năm đi thi lên trung học, Thầy doạ đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt Thầy ! Trường tiểu học của tôi tuy nhỏ tí tẹo và xa “kinh thành” như thế nhưng có khá nhiều người thành đạt sau này. Công ơn của Thầy không thể nào không ghi nhận ở đây được.
Sau năm 1975, cả gia đình của Thầy đều tiêu tán. Thầy đương nhiên bị rơi chức hiệu trưởng và không được dạy học. Các con của thầy cũng không được dạy. Tôi nghe nói con út của Thầy ức quá nên tự tử chết. Còn con lớn thì lang thang như kẻ ăn xin ngoài phố. Bây giờ nhìn lại thời đó tôi thấy cái chính sách giáo dục thiển cận và giáo điều đó làm thui chột biết bao nhiêu nhà giáo có tài và có kinh nghiệm. Rất tiếc là năm tôi đến thăm thì Thầy không còn nữa để nói một lời cám ơn.
Tôi đã nói qua về người thầy của tôi thời Tiểu Học: Đó là thầy Trúc. Hôm nay, chợt nhớ một chuyện xưa cũng cảm động, nên tôi lại nhân cơ hội này nói qua về một người Thầy và Cô mà tôi theo học Trung Học. Câu chuyện của hai người cũng là một "chứng từ" cho một thời dao động lịch sử ở nước ta mà có lẽ ít người trẻ bây giờ biết được. Thầy tôi tên B, dạy văn chương. Nghe nói Thầy được biệt phái hay giải ngũ từ quân đội. Thầy B người thấp, không đẹp trai mấy nhưng không xấu tướng, ăn nói hoạt bát, miệng lúc nào cũng cười, áo chemise trong quần tây, trông rất lịch sự, Thầy có chiếc vespa rất oách ( thưở đó, chỉ có Thầy và hiệu trưởng có vespa). Thầy dạy văn tuyệt vời, Tôi mê thơ cũng là từ Thầy.
Còn Cô tên là H, dạy toán. Hình như lúc đó, Cô chỉ mới tốt nghiệp đại học sư phạm. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng đám học trò chúng tôi đã cảm nhận được cô H đẹp lộng lẩy, y như câu nói "mặt hoa da phấn". Tôi vẫn còn nhớ Cô thường đến trường trên chiếc xe Velosolex màu đen, áo dài thướt tha, tóc dài, đeo kính mát đen (thời trang thời đó), và mặt lúc nào cũng tươi như hoa nhưng rất nghiêm trang. Cô dạy toán cực kì thú vị, và tôi phải thú nhận rằng tôi ham mê toán thời đó cũng một phần là từ cách dạy của cô. Sau này tôi vẫn sử dụng cách dạy đại số của Cô là : Phải làm từng bước một, hai dấu = phải ngay hàng thẳng lối, hay dấu phân số phải nằm giữa dấu =, dấu căn, số phải viết đâu ra đó vân vân.
Tôi là học trò cưng của cả hai người, vì nói cho ngay, lúc đó tôi học cũng kha khá, nên được nhiều thầy cô quí mến.Các phòng học của trường được thiết kế theo kiểu hai dãy phòng hình thành theo mô hình dấu =, chính giữa là một sân rộng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay có sắp xếp, cứ đến giờ học của cô H thì phòng đối diện là giờ của thầy B.
Những khi có giờ của cô H, thầy B cho mở cửa toang, dạy rất hăng và … hay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Sau này, nghĩ lại tôi mới biết là những lời giảng của Thầy đều nhắm vào cô như là một cách tỏ tình. Thật ra, chắc lúc đó thầy B thương cô H (còn Cô H có thương Thầy B hay không thì chẳng ai biết).
Thầy oang oang giảng bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính :
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn
Hai người sống giữa cô đơn
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi …
Thỉnh thoảng Thầy còn đem thơ Xuân Diệu ra đọc :
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buồi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Có vài lần, Thầy nhờ tôi trao thư cho cô H, nhưng thú thật lúc đó tôi chưa biết điều đó có ý nghĩa gì. Được Thầy giao cho “trọng trách” như thế là hãnh diện lắm rồi! Còn phần cô, tôi nhớ chỉ có 2 lần cô nhờ tôi trao thư cho Thầy.
Đến đầu năm 1981, tôi tình cờ gặp lại Thầy và Cô, lúc này đã là vợ chồng. Cả Thầy và Cô đều … “mất dạy”. Nhìn Thầy da xạm nắng, dáng dấp phong trần, tôi hỏi qua Thầy làm nghề gì. Thầy cho biết sau 1975 đi học cải tạo 2 năm, ra khỏi trại không còn dạy học, làm đủ thứ nghề khuân vác, đạp xe lôi, buôn bán ... để sống qua ngày.
Nay thì Thầy có việc làm tương đối ổn định hơn : bán vé xe đò! Còn Cô thì tôi không biết làm gì. Tôi hỏi dạo này người ta vượt biên nhiều quá, sao Thầy Cô còn ở đây, thì Thầy méo miệng cười buồn nói : tiền đâu, nghèo rớt mồng tơi mà. Nhìn hai người, tôi chợt ngậm ngùi trước cảnh khó khăn mà hai người phải trải qua.
Tôi không còn nhận ra một Thầy B sang trọng ngày nào, không còn nhận ra cô H thướt tha, đài các của ngày xưa. Ôi, thời thế làm cho Thầy và Cô tôi nghèo khó và tiều tụy như bây giờ. Thế nhưng Thầy vẫn tươi cười, thậm chí còn mời tôi đi uống cà phê !
Hôm đó là ngày tôi gặp hai Thầy Cô lần cuối, vì từ đó cho đến nay, hơn 30 năm tôi vẫn chưa gặp lại Thầy B và cô H. Nhưng hình bóng của Thầy và Cô vẫn in đậm trong tôi, mãi mãi không thể xóa mờ được.
Ông Bà mình có câu “NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ”. Hiểu theo nghĩa đó, Thầy B và Cô H đều là người “ kỹ sư tâm hồn “ lớn trong đời tôi.
Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010
Buồn Trong Mưa Lũ
Em một mình ôm chiếc cặp nhẹ tênh
Không tập sách, những ngăn đầy tiếng gió
Em một mình ngẩn ngơ nhìn mưa lũ
Trôi hết rồi niềm hy vọng nhỏ nhoi ...
Trường đâu rồi, sao im vắng trường ơi
Đâu còn nữa để tung tăng vào lớp
Ngồi chép bài mái trường nghe mưa dột
Giờ mái tốc rồi, mưa chảy về đâu?
Những con chữ buông tay tuột xuống chân cầu
Em cố vớt chỉ được chùm lá rụng
Một mình em, chiếc cặp còn trống rỗng
Con chữ bơi vòng, nước xoáy chìm sâu
Thầy Cô ơi! Bạn ơi! Giờ ở nơi đâu
Có lượm được chút nào công thức Toán?
Đời không cộng thêm vui, đời trừ đi hy vọng
Hạnh phúc chẳng nhân lên, buồn khổ lại chia đều
Chiếc cặp cô đơn chở gió lộng một chiều
Em mơ ước con chữ đừng chết đuối
Như con cá vẫy đuôi, tìm cách lội
Chữ trở về sống lại với bảng đen
Thầy Cô ơi! Phụ vớt giùm các con chữ cho em!
Không tập sách, những ngăn đầy tiếng gió
Em một mình ngẩn ngơ nhìn mưa lũ
Trôi hết rồi niềm hy vọng nhỏ nhoi ...
Trường đâu rồi, sao im vắng trường ơi
Đâu còn nữa để tung tăng vào lớp
Ngồi chép bài mái trường nghe mưa dột
Giờ mái tốc rồi, mưa chảy về đâu?
Những con chữ buông tay tuột xuống chân cầu
Em cố vớt chỉ được chùm lá rụng
Một mình em, chiếc cặp còn trống rỗng
Con chữ bơi vòng, nước xoáy chìm sâu
Thầy Cô ơi! Bạn ơi! Giờ ở nơi đâu
Có lượm được chút nào công thức Toán?
Đời không cộng thêm vui, đời trừ đi hy vọng
Hạnh phúc chẳng nhân lên, buồn khổ lại chia đều
Chiếc cặp cô đơn chở gió lộng một chiều
Em mơ ước con chữ đừng chết đuối
Như con cá vẫy đuôi, tìm cách lội
Chữ trở về sống lại với bảng đen
Thầy Cô ơi! Phụ vớt giùm các con chữ cho em!
Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010
ĂN MÌ ĂN LIỀN ĐÚNG CÁCH
+ Thường thì chúng ta nấu mì ăn liền bằng cách cho vào nước sôi, cho bột nêm vào và nấu khoảng 3 phút. Thế là mì sẵn sàng cho ta ăn.
ĐẤY LÀ CÁCH SAI ĐỂ NẤU MÌ ĂN LIỀN !!!???.
+ Làm cách đó, khi chúng ta nấu sôi các gia vị mà trong đó bột ngọt là chính (MSG: Monosodium glutamate). Nấu như thế sẽ làm biến dạng cấu trúc phân tử của bột ngọt biến chúng thành chất độc.
+ Một vấn đề khác là chúng ta có thể đã không biết là sợi mì ăn liền được phủ bởi một lớp sáp và cơ thể chúng ta phải mất 4 hay 5 ngày mới tiêu hoá hết phần sáp này (hèn chi ăn mì gói hay khó chịu bụng)
CÁCH ĐÚNG NHẤT LÀ :
+ Luộc mì trong nồi nước sôi . Khi mì đã chín đủ, lấy hết mì ra và đổ bỏ nước sôi.
+ Nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì vô trở lại nồi nước sôi, tắt lửa sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào . Tuy nhiên muốn ăn mì khô thì lấy mì ra và trộn với bột nêm
+ Một số lớn bệnh nhân trong tuổi 18-24 ngã bệnh về lá lách như : lá lách bị sưng hay nhiểm trùng vì đã thường xuyên mì ăn liền...!!!???
+ Nếu ăn mì ăn liền 3 lần trong một tuần là có thể bị hại cho cơ thể
Xin chuyền mail này tới bạn bè người thân để phòng bệnh
( Đây là bài đăng của blog : “ http://vn.360plus.yahoo.com/doanvantiet “ )
ĐẤY LÀ CÁCH SAI ĐỂ NẤU MÌ ĂN LIỀN !!!???.
+ Làm cách đó, khi chúng ta nấu sôi các gia vị mà trong đó bột ngọt là chính (MSG: Monosodium glutamate). Nấu như thế sẽ làm biến dạng cấu trúc phân tử của bột ngọt biến chúng thành chất độc.
+ Một vấn đề khác là chúng ta có thể đã không biết là sợi mì ăn liền được phủ bởi một lớp sáp và cơ thể chúng ta phải mất 4 hay 5 ngày mới tiêu hoá hết phần sáp này (hèn chi ăn mì gói hay khó chịu bụng)
CÁCH ĐÚNG NHẤT LÀ :
+ Luộc mì trong nồi nước sôi . Khi mì đã chín đủ, lấy hết mì ra và đổ bỏ nước sôi.
+ Nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì vô trở lại nồi nước sôi, tắt lửa sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào . Tuy nhiên muốn ăn mì khô thì lấy mì ra và trộn với bột nêm
+ Một số lớn bệnh nhân trong tuổi 18-24 ngã bệnh về lá lách như : lá lách bị sưng hay nhiểm trùng vì đã thường xuyên mì ăn liền...!!!???
+ Nếu ăn mì ăn liền 3 lần trong một tuần là có thể bị hại cho cơ thể
Xin chuyền mail này tới bạn bè người thân để phòng bệnh
( Đây là bài đăng của blog : “ http://vn.360plus.yahoo.com/doanvantiet “ )
Cuộc Họp Mặt Những nhân vật nổi tiếng thế giới !
Đây là cuộc họp mặt của những "Nhân Vật Nỗi Tiếng Trên Thế Giới " Địa điểm "Tầng Âm Phủ" Thời gian "Từ Cổ Xưa cho đến Hiện đại" ...
Nếu Bạn Click vào nhân-vật nào thì hình người đó sẽ hiện lớn ra và kèm theo cả tiểu-sử...
Bức tranh có kích thước rất rộng và phải rê chuột từ phải sang
trái mới thấy hết được.. Muốn biết tên nhân vật nào chỉ cần chỉ
mũi tên vào thì tên nhân vật đó sẽ hiện ra, và tiếp tục double
click (nhấp chuột 2 lần) vào nhân vật đó thì sẽ hiện ra toàn bộ
thân thế và sự nghiệp của nhân vật đó.
Khi hiện ra thân thế sự nghiệp của nhân vật bằng tiếng Anh. Lúc
hiện bảng tiếng Anh thì xin mời nhìn sang phía bên trái, mục
languages và chọn ngôn ngữ của mình thì sẽ tự động chuyển.
(CLICK VÔ TIẾNG VIỆT)
Xin click vào tiêu đề trên
Nếu Bạn Click vào nhân-vật nào thì hình người đó sẽ hiện lớn ra và kèm theo cả tiểu-sử...
Bức tranh có kích thước rất rộng và phải rê chuột từ phải sang
trái mới thấy hết được.. Muốn biết tên nhân vật nào chỉ cần chỉ
mũi tên vào thì tên nhân vật đó sẽ hiện ra, và tiếp tục double
click (nhấp chuột 2 lần) vào nhân vật đó thì sẽ hiện ra toàn bộ
thân thế và sự nghiệp của nhân vật đó.
Khi hiện ra thân thế sự nghiệp của nhân vật bằng tiếng Anh. Lúc
hiện bảng tiếng Anh thì xin mời nhìn sang phía bên trái, mục
languages và chọn ngôn ngữ của mình thì sẽ tự động chuyển.
(CLICK VÔ TIẾNG VIỆT)
Xin click vào tiêu đề trên
Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010
Nhạc : Chiếc Lá Cuối Cùng (Đoàn Chuẩn)
Click here, please :
http://www.authorstream.com/Presentation/vietlam-444995-chiec-la-cuoi-cung/
Lời bài hát :
Em thời gian, sương gió phôi pha
Anh ngồi đây anh nhớ đến em.
Như cành khô trước lúc xa cây, gọi nắng
Em thời gian, em có biết không
Khi mùa đông đưa nắng qua sông
Ðể tình yêu giữa nước mênh mông gọi đò
Tôi đi bên người, người đi bên tôi
Sao đôi tâm hồn đã quá xa xôi
Trên những con đường thoảng hương hoa sữa
Em đã nói gì, quá khứ ? tương lai ?
Trăng sao trên trời còn khi chia dôi
Nhưng tiếng ca nào còn lắng trong tôi
Tôi ngước lên trời gởi mây hạnh phúc
Mây vẫn âm thầm lãng đãng mây trôi
Hà Nội chiều nay trời lên mây trắng
Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em
Như nhắc mối tình trót lỡ không tên
Em biết nói gì hỡi anh yêu dấu
Em khóc cho tình mãi mãi không quên
Hà nội chiều nay còn như in bóng
Dấu vết lâu đài trên cát anh xây
Bóng dáng em về thấp thoáng đâu đây
Chiếc lá cuối cùng là của em đó
Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay
http://www.authorstream.com/Presentation/vietlam-444995-chiec-la-cuoi-cung/
Lời bài hát :
Em thời gian, sương gió phôi pha
Anh ngồi đây anh nhớ đến em.
Như cành khô trước lúc xa cây, gọi nắng
Em thời gian, em có biết không
Khi mùa đông đưa nắng qua sông
Ðể tình yêu giữa nước mênh mông gọi đò
Tôi đi bên người, người đi bên tôi
Sao đôi tâm hồn đã quá xa xôi
Trên những con đường thoảng hương hoa sữa
Em đã nói gì, quá khứ ? tương lai ?
Trăng sao trên trời còn khi chia dôi
Nhưng tiếng ca nào còn lắng trong tôi
Tôi ngước lên trời gởi mây hạnh phúc
Mây vẫn âm thầm lãng đãng mây trôi
Hà Nội chiều nay trời lên mây trắng
Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em
Như nhắc mối tình trót lỡ không tên
Em biết nói gì hỡi anh yêu dấu
Em khóc cho tình mãi mãi không quên
Hà nội chiều nay còn như in bóng
Dấu vết lâu đài trên cát anh xây
Bóng dáng em về thấp thoáng đâu đây
Chiếc lá cuối cùng là của em đó
Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay
Đoàn Chuẩn nhạc sĩ của mùa thu
Khi gió heo may bắt đầu nhuộm vàng những chiếc lá, nghe trong không gian mùa thu đang dịu dàng trở về, trong lòng ta bất chợt lại ngân nga giai điệu của “Thu quyến rũ” và vơ vẩn nhớ về người nhạc sĩ tài hoa được mệnh danh là “Nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội” đó là nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn.
Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất vào ngày 15/11/2001, trùng với ngày sinh nhật của Văn Cao (15/11/1923). Từ lâu tôi vẫn luôn tự hào được là đồng hương ( Mẹ tôi quê Hải Phòng) với hai nhạc sĩ tài hoa quê Hải Phòng là nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. (năm 1977 tôi là người miền nam ra bắc công tác,là người đã từng làm công tác văn nghệ của chính quyền sài gòn cũ, lần đầu tiên về Hà Nội , tôi mới được gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
- Khi ấy, đất nước còn nghèo, phần đông mọi người đều có dấu ấn của sự vất vả mưu sinh nhưng riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn toát lên một vẻ “hào hoa, phong nhã” của “chàng công tử Hà thành” (Nhạc sĩ quê từ Hải Phòng chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình).
Chỉ vừa sơ ngộ, cái duyên trời đã khiến ông và tôi se vào nhau ngay.
Không bao giờ tôi quên buổi sáng cuối mùa đông năm đó, khi lần đầu tiên tới tư gia số 9 Cao Bá Quát - Hà Nội để thăm nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Khi tôi tới nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì đang réo rắt tiếng guitare Hawai một giai điệu mùa thu với những quãng rộng răng cưa thoảng âm hưởng nhạc blue : “Thấy hối tiếc nhiều- Thuyền đã sang bờ- Đường về không lối…”.
Bốn ánh mắt nhìn nhau không nói, chỉ mỉm cười. Sự sống đã lật sang một trang mới mà chủ yếu là “phục sinh” lại những giá trị cũ đã bị cuộc chiến che lấp mấy chục năm qua. Từ trong nhà, bà Đoàn Chuẩn bước ra với từng đĩa bánh cuốn Thanh Trì trắng muốt trên tay. Rồi bà mở phin cà phê ( lần đầu tôi được uống café file tại Hà Nội ) ra, nước sôi rót vào loang khói.Có cảm giác như bà là người hạnh phúc nhất trong buổi sáng tinh khôi của những ngày Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn của thời kỳ này.
Mùa đông như dừng lại ngoài hiên cửa. Mỗi người chúng tôi ngồi trước một đĩa bánh cuốn cắt nhỏ. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn rót ra hai chén “quốc lủi” sủi tăm. Sau khi cụng chén, tôi vừa gọn một ngụm, còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì điềm nhiên cạn ngay một hơi. Sau tôi mới biết đó là thói quen uống rượu của nhạc sĩ, giống như nhà văn Tô Hoài . Sau khi ăn sáng, chúng tôi thưởng thức tách cà phê thơm phức. Tôi mở gói thuốc lá 555 (inter) mời đàn anh, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn xua tay. Ông lấy từ trong túi ra một bao thuốc lá “Thăng Long “ màu vàng. Đó mới là “gu” thuốc lá riêng của ông.
Khói thuốc quyện với hương cà phê làm ấm cả căn phòng. Hút hết thuốc, tôi cất giọng : “Anh đang chờ mùa thu –Trời đất kia ngả màu xanh lơ…”. Rồi giai điệu của Đoàn Chuẩn, như một lạch suối trong ngần trào tuôn khắp căn phòng. Ngày hôm đó, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hát ca khúc mới toanh : “ Khuôn mặt em ” được phổ thơ của nhạc sĩ Văn Cao cho tôi nghe. Ẩn sâu trong giai điệu bỡ ngỡ kia là bao nỗi niềm trắc ẩn của năm tháng. Cuộc gặp gỡ Đoàn Chuẩn lần đầu tiên tại tư gia đã kéo dài tới trưa. Những chén rượu đầy rồi lại cạn.
Trong âm nhạc, người ta thường định nghĩa các giọng trưởng là tươi sáng, khỏe mạnh, còn giọng thứ là buồn bã, u uẩn. Vậy mà các tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hầu như là được viết bằng giọng trưởng mà vẫn thấy toát ra một nỗi buồn man mác, trong trẻo. Nếu có bắt đầu bằng giọng thứ như “ Lá đổ muôn chiều ” thì đến đoạn sau rồi cũng chuyển sang trưởng. Đương nhiên chính vì có đoạn giọng thứ hiếm hoi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có một câu hát rất hay vào hạng bậc nhất trong dòng ca khúc trữ tình Việt Nam: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi ! Đã vội chi men rượu nhắp đôi môi…” May mà “ nhờ đổi mới “ thì công chúng mới được nghe lại, được biết đến những “Thiên Thai, Trương Chi, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay ”…
Tình của tôi với ông cứ trải dài như thế qua thời gian.
Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất vào ngày 15/11/2001, trùng với ngày sinh nhật của Văn Cao (15/11/1923). Từ lâu tôi vẫn luôn tự hào được là đồng hương ( Mẹ tôi quê Hải Phòng) với hai nhạc sĩ tài hoa quê Hải Phòng là nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. (năm 1977 tôi là người miền nam ra bắc công tác,là người đã từng làm công tác văn nghệ của chính quyền sài gòn cũ, lần đầu tiên về Hà Nội , tôi mới được gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
- Khi ấy, đất nước còn nghèo, phần đông mọi người đều có dấu ấn của sự vất vả mưu sinh nhưng riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn toát lên một vẻ “hào hoa, phong nhã” của “chàng công tử Hà thành” (Nhạc sĩ quê từ Hải Phòng chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình).
Chỉ vừa sơ ngộ, cái duyên trời đã khiến ông và tôi se vào nhau ngay.
Không bao giờ tôi quên buổi sáng cuối mùa đông năm đó, khi lần đầu tiên tới tư gia số 9 Cao Bá Quát - Hà Nội để thăm nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Khi tôi tới nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì đang réo rắt tiếng guitare Hawai một giai điệu mùa thu với những quãng rộng răng cưa thoảng âm hưởng nhạc blue : “Thấy hối tiếc nhiều- Thuyền đã sang bờ- Đường về không lối…”.
Bốn ánh mắt nhìn nhau không nói, chỉ mỉm cười. Sự sống đã lật sang một trang mới mà chủ yếu là “phục sinh” lại những giá trị cũ đã bị cuộc chiến che lấp mấy chục năm qua. Từ trong nhà, bà Đoàn Chuẩn bước ra với từng đĩa bánh cuốn Thanh Trì trắng muốt trên tay. Rồi bà mở phin cà phê ( lần đầu tôi được uống café file tại Hà Nội ) ra, nước sôi rót vào loang khói.Có cảm giác như bà là người hạnh phúc nhất trong buổi sáng tinh khôi của những ngày Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn của thời kỳ này.
Mùa đông như dừng lại ngoài hiên cửa. Mỗi người chúng tôi ngồi trước một đĩa bánh cuốn cắt nhỏ. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn rót ra hai chén “quốc lủi” sủi tăm. Sau khi cụng chén, tôi vừa gọn một ngụm, còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì điềm nhiên cạn ngay một hơi. Sau tôi mới biết đó là thói quen uống rượu của nhạc sĩ, giống như nhà văn Tô Hoài . Sau khi ăn sáng, chúng tôi thưởng thức tách cà phê thơm phức. Tôi mở gói thuốc lá 555 (inter) mời đàn anh, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn xua tay. Ông lấy từ trong túi ra một bao thuốc lá “Thăng Long “ màu vàng. Đó mới là “gu” thuốc lá riêng của ông.
Khói thuốc quyện với hương cà phê làm ấm cả căn phòng. Hút hết thuốc, tôi cất giọng : “Anh đang chờ mùa thu –Trời đất kia ngả màu xanh lơ…”. Rồi giai điệu của Đoàn Chuẩn, như một lạch suối trong ngần trào tuôn khắp căn phòng. Ngày hôm đó, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hát ca khúc mới toanh : “ Khuôn mặt em ” được phổ thơ của nhạc sĩ Văn Cao cho tôi nghe. Ẩn sâu trong giai điệu bỡ ngỡ kia là bao nỗi niềm trắc ẩn của năm tháng. Cuộc gặp gỡ Đoàn Chuẩn lần đầu tiên tại tư gia đã kéo dài tới trưa. Những chén rượu đầy rồi lại cạn.
Trong âm nhạc, người ta thường định nghĩa các giọng trưởng là tươi sáng, khỏe mạnh, còn giọng thứ là buồn bã, u uẩn. Vậy mà các tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hầu như là được viết bằng giọng trưởng mà vẫn thấy toát ra một nỗi buồn man mác, trong trẻo. Nếu có bắt đầu bằng giọng thứ như “ Lá đổ muôn chiều ” thì đến đoạn sau rồi cũng chuyển sang trưởng. Đương nhiên chính vì có đoạn giọng thứ hiếm hoi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có một câu hát rất hay vào hạng bậc nhất trong dòng ca khúc trữ tình Việt Nam: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi ! Đã vội chi men rượu nhắp đôi môi…” May mà “ nhờ đổi mới “ thì công chúng mới được nghe lại, được biết đến những “Thiên Thai, Trương Chi, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay ”…
Tình của tôi với ông cứ trải dài như thế qua thời gian.
Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010
Tương Tư
Niềm vui dâng tặng cho đời
Nỗi buồn xin gởi mây trời mang đi.
Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Có phải mùa thu sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?
Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương
Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa
Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em
Nỗi buồn xin gởi mây trời mang đi.
Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Có phải mùa thu sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?
Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương
Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa
Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em
Truyện cười tháng 11
Bình Long là vùng cao nguyên đất đỏ, nắng bụi, mưa lầy, trên mảnh đấy này ngoài người Kinh, còn có Đồng Bào Thiểu Số ( gọi là Đồng Bào Thượng ) sinh sống. Xin gởi đến các Bạn những mẫu truyện vui về đồng bào thiểu số, sinh sống trên mảnh đất Bình Long .
Biết sống biết chết…..
Cán bộ dân số : Tại sao không làm khai sinh cho những đứa nhỏ mới sinh ?
Người chủ nhà : Dớ….biết sống biết chết mà làm , dớ…
Cán bộ dân số !!!!!!
Dớ….không được đâu ….
Cảnh sát giao thông : Thổi còi chận một xe gắn máy hai bánh .
Cảnh sát giao thông : Anh đã vi phạm Luật giao thông đường bộ, vì đã chở 3 người trên một xe gắn máy .
Người lái xe : Dớ….nay nó yếu rồi đó, trước đây nó chở 5 không à ! dớ….
Cảnh sát giao thông : Đề nghị Anh cho xem giấy tờ xe !
Người lái xe : Dớ….tôi mua cái xe bằng 5 con trâu cái, không mua cái giấy đâu, dớ….
Cảnh sát giao thông : Chúng tôi phải tạm giữ chiếc xe, đề nghị anh chấp hành .
Người lái xe : Dớ….không được đâu, 5 người tôi hùn nhau mua cái xe này, bây giờ nó yếu chỉ chở 3 người, còn 2 người ở nhà, phải hỏi họ, có cho giữ cái xe hay không …dớ !
Cảnh sát giao thông : !!!!!!!!!
Dớ…. tôi bảo là chạy bên đó….
Tại ngã tư đường xảy ra vụ tai nạn giao thông, do hai chiếc xe gắn máy chạy cùng chiều.
Người chạy phía trước lồm cồm ngồi dậy : Dớ….không biết chạy cái xe hay sao, mà đâm vào cái xe của tôi, dớ…
Người chạy xe phía sau, nhăn nhó nói : Anh dơ tay xin quẹo trái cho nên tôi phải tránh qua bên phải anh chứ, vậy mà anh lại còn ép xe tôi nữa !
Người chạy xe trước : Dớ…tôi đưa cái tay ra …là bảo ai chạy đằng sau cái xe là phải chạy phía bên đó mà, dớ…..
Người chạy xe sau : !!!!!!!!!
Dớ…..của tôi, tôi viết ….
Cảnh sát quản lý hộ khấu : Sao, sổ hộ khẩu (sổ gia đình) do Công an cấp,mà lại viết lung tung vậy nè .
Chủ nhà : Dớ….cấp cho tôi, của tôi thì tôi viết chứ sao, dớ….
Cảnh sát quản lý :!!!!!!!!!
Biết sống biết chết…..
Cán bộ dân số : Tại sao không làm khai sinh cho những đứa nhỏ mới sinh ?
Người chủ nhà : Dớ….biết sống biết chết mà làm , dớ…
Cán bộ dân số !!!!!!
Dớ….không được đâu ….
Cảnh sát giao thông : Thổi còi chận một xe gắn máy hai bánh .
Cảnh sát giao thông : Anh đã vi phạm Luật giao thông đường bộ, vì đã chở 3 người trên một xe gắn máy .
Người lái xe : Dớ….nay nó yếu rồi đó, trước đây nó chở 5 không à ! dớ….
Cảnh sát giao thông : Đề nghị Anh cho xem giấy tờ xe !
Người lái xe : Dớ….tôi mua cái xe bằng 5 con trâu cái, không mua cái giấy đâu, dớ….
Cảnh sát giao thông : Chúng tôi phải tạm giữ chiếc xe, đề nghị anh chấp hành .
Người lái xe : Dớ….không được đâu, 5 người tôi hùn nhau mua cái xe này, bây giờ nó yếu chỉ chở 3 người, còn 2 người ở nhà, phải hỏi họ, có cho giữ cái xe hay không …dớ !
Cảnh sát giao thông : !!!!!!!!!
Dớ…. tôi bảo là chạy bên đó….
Tại ngã tư đường xảy ra vụ tai nạn giao thông, do hai chiếc xe gắn máy chạy cùng chiều.
Người chạy phía trước lồm cồm ngồi dậy : Dớ….không biết chạy cái xe hay sao, mà đâm vào cái xe của tôi, dớ…
Người chạy xe phía sau, nhăn nhó nói : Anh dơ tay xin quẹo trái cho nên tôi phải tránh qua bên phải anh chứ, vậy mà anh lại còn ép xe tôi nữa !
Người chạy xe trước : Dớ…tôi đưa cái tay ra …là bảo ai chạy đằng sau cái xe là phải chạy phía bên đó mà, dớ…..
Người chạy xe sau : !!!!!!!!!
Dớ…..của tôi, tôi viết ….
Cảnh sát quản lý hộ khấu : Sao, sổ hộ khẩu (sổ gia đình) do Công an cấp,mà lại viết lung tung vậy nè .
Chủ nhà : Dớ….cấp cho tôi, của tôi thì tôi viết chứ sao, dớ….
Cảnh sát quản lý :!!!!!!!!!
Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010
Bâng Khuâng Cùng Hoa
Cảnh báo: e-mail giả mạng xã hội LinkedIn
Gần đây có một đợt e-mail giả mạo mạng xã hội LinkedIn gửi tràn lan để mời làm bạn.
Photo courtesy of Nofirewallblog.
E-mail giả mạng xã hội LinkedIn.
Nếu bạn vô tình bấm vào thì:
- Trình duyệt không đến trang mạng LinkedIn mà được điều hướng qua nơi khác.
- Nơi được chuyển qua có cài mã độc. Mã độc này nhận dạng loại trình duyệt nào bạn đang dùng và những nhu liệu nào khác trong máy và tùy theo trình duyệt/nhu liệu ấn bản đang sử dụng có kẻ hở an ninh không để cài cắm Zeus Trojan vào máy của bạn.
- Nếu được cài cắm vào trong máy, Zeus Trojan sẽ theo dõi trình duyệt, đánh cắp login/password khi bạn điền vào và lẳng lặng gửi các dữ kiện này đi nơi khác.
Để tránh bị vướng những loại mã độc này, bạn:
- Đừng tò mò bấm vào những email lạ kiểu này.
- Dùng trình duyệt Firefox với plug-in NoScript để kiểm soát các script chạy trong các trang mạng
- Luôn cập nhật trình duyệt, và các nhu liệu phổ thông khác (Adobe Reader, Flash player, Office, Windows ...) để bít lại các kẻ hở an ninh khi được thông báo.
Nguồn: http://news.cnet.com/8301-27080_3-20017971-245.html
(Trích thbl6869.com)
Photo courtesy of Nofirewallblog.
E-mail giả mạng xã hội LinkedIn.
Nếu bạn vô tình bấm vào thì:
- Trình duyệt không đến trang mạng LinkedIn mà được điều hướng qua nơi khác.
- Nơi được chuyển qua có cài mã độc. Mã độc này nhận dạng loại trình duyệt nào bạn đang dùng và những nhu liệu nào khác trong máy và tùy theo trình duyệt/nhu liệu ấn bản đang sử dụng có kẻ hở an ninh không để cài cắm Zeus Trojan vào máy của bạn.
- Nếu được cài cắm vào trong máy, Zeus Trojan sẽ theo dõi trình duyệt, đánh cắp login/password khi bạn điền vào và lẳng lặng gửi các dữ kiện này đi nơi khác.
Để tránh bị vướng những loại mã độc này, bạn:
- Đừng tò mò bấm vào những email lạ kiểu này.
- Dùng trình duyệt Firefox với plug-in NoScript để kiểm soát các script chạy trong các trang mạng
- Luôn cập nhật trình duyệt, và các nhu liệu phổ thông khác (Adobe Reader, Flash player, Office, Windows ...) để bít lại các kẻ hở an ninh khi được thông báo.
Nguồn: http://news.cnet.com/8301-27080_3-20017971-245.html
(Trích thbl6869.com)
Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010
Những Cây CẦu Nổi Tiếng
Những cây cầu nổi tiếng thế giới không chỉ đơn thuần giữ chức năng hỗ trợ thông thương đi lại mà còn được người ta biết đến vì vẻ đẹp hùng vĩ cũng như sự công phu trong quá trình xây dựng.
1. Cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới
Hôm 1/5 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khánh thành cây cầu biển dài nhất thế giới bắc qua vịnh Hàng Châu. Với chiều dài 36km, bắt đầu từ Ninh Ba tới Thượng Hải, bắc qua vịnh Hàng Châu, đây có thể coi là cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới.
Cầu được thiết kế gồm 6 làn đường, cho phép các phương tiện vận tải chạy với tốc độ tối đa 100km/h. Tổng chi phí đầu tư xây dựng cây cầu này vào khoảng 11,8 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,7 tỉ đô la). Nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách chính phủ, nhưng 1/3 tổng số vốn đầu được huy động từ các công ty tư nhân.
Với chiều dài 36km, bắt đầu từ Ninh Ba tới Thượng Hải, bắc qua vịnh Hàng Châu, đây có thể coi là cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới.
2. Cầu liên lục địa đầu tiên nối liền Âu – Á
Cầu Bosporus được xây dựng nhằm nối liền châu Âu và Thủ đô lstanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng là chiếc cầu liên lục địa đầu tiên trên thế giới. Năm 1973, cầu Bosporus khai trương đã tạo điều kiện thuận lợi giao thông giữa hai khu vực Âu - Á.
Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày có hơn 200.000 lượt ô tô đi qua chiếc cầu dài 1.130 m này. Đây còn là công trình kiến trúc, văn hoá có giá trị của lstanbul. Hàng năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi đến đây tham quan chiếc cầu này.
Cầu Bosporus được xây dựng nhằm nối liền châu Âu và Thủ đô lstanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Cây cầu treo đắt giá nhất thế giới
Với kinh phí xây dựng 4,3 tỉ USD, cầu Akashi Kaikyo trở thành cây cầu treo đắt giá nhất thế giới. Nó được hoàn thành vào tháng 4/1998.Cầu có hai tháp, mỗi tháp cao 320 m, cũng giữ luôn kỷ lục cao nhất thế giới. Cầu Akashi Kaikyo là công trình kiến trúc hiện đại, có độ bền rất cao. Trong kết cấu của cầu có khoảng 300.000 km cáp điện có giá trị nhằm chống lại những cơn gió mạnh và động đất lên đến 8,5 độ richter.
Cầu Akashi Kaikyo của Nhật bản.
4. Cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới
Leonard P. Zakim tại bang Massachusettes, Mỹ là cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới và là một phần của tuyến đường cao tốc lớn nhất Mỹ - Boston's Big Dig.
Nó được thiết kế với chiều rộng hơn 60 m, nhằm giúp luồng giao thông được vận hành tối đa khi vào thành phố và hạn chế tối đa việc ách tắc. Để cây cầu có được chiều rộng này, các kiến trúc sư đã sử dụng thiết kế treo hai làn đường bên ngoài hệ thống dây cáp, cùng với 8 làn đường do trụ đỡ.
Cầu Leonard P. Zakim tại bang Massachusettes, Mỹ.
5. Cây cầu nằm trên cao nhất
Nằm cheo leo ở độ cao 1.200 m phía trên một cao nguyên đá, cây cầu Skywalk Grand Canyon tại bang Nevada của Mỹ được làm toàn bằng kính có thể khiến du khách phải nín thở khi đi dạo trên đó.Nhưng khi nghe những thông số của cây cầu thì người ta có thể yên tâm về độ an toàn. Nó có thể nâng đỡ sức nặng của 71 chiếc Boeing 747 đã chở đầy khách, và cũng vững vàng trước tác động của một trận động đất 8 độ richter trong bán kính 75 km.
Cây cầu Skywalk Grand Canyon tại bang Nevada của Mỹ.
6. Cây cầu “nặng ký” nhất thế giới
Năm 1879, cây cầu bắc qua sông Tây bị sập khiến cho giao thông của Scotland hết sức tồi tệ. Trước tình thế đó, chính phủ nước này quyết tâm xây dựng một cây cầu hiện đại để khôi phục lại tuyến giao thông. Sau một thời gian xây dựng, năm 1890 cầu Forth tại Queensferrv, Scotland hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Cầu có kết cấu rất bền với 54.000 tấn thép, 21.000 tấn bê tông. Nhờ thế mà ngay trong ngày khai trương có những cơn gió mạnh nhất nhưng không làm nó bị ảnh hưởng. Ngày nay, có rất nhiều du khách đến Queensferry để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Forth.
Cầu Forth tại Queensferrv, Scotland.
7. Cây cầu dài nhất châu Âu
Oresund Link Zealand là cây cầu kết hợp đường bộ và đường ray dài nhất châu Âu, nối Đan Mạch với Thuỵ Điển. Cầu có tổng chiều dài 16 km và có các nhịp chính dài nhất thế giới.Hiện 67% mật độ giao thông giữa hai nước được thực hiện qua eo biển này và xu thế vẫn còn gia tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Cầu Oresund Link Zealand.
8. Cây cầu cổ có kiến trúc “lạ” nhất thế giới
Mặc dù không nổi tiếng bằng tháp Eiffel nhưng cầu Garabit Viaduct là niềm tự hào của kiến trúc nước Pháp. Cầu cao 140 m so với mặt nước của sông Truyere và đây cũng là cây cầu cao nhất thế giới vào thời điểm năm 1884.
Cầu Garabit dài 650 m, được xem là công trình kiến trúc có giá trị bậc nhất vào thế kỷ 19 của Pháp và cả châu Âu. Ngày nay, nhiều du khách cũng tới đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự nguy nga của nó.
Cầu Garabit Viaduct là niềm tự hào của kiến trúc nước Pháp.
1. Cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới
Hôm 1/5 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khánh thành cây cầu biển dài nhất thế giới bắc qua vịnh Hàng Châu. Với chiều dài 36km, bắt đầu từ Ninh Ba tới Thượng Hải, bắc qua vịnh Hàng Châu, đây có thể coi là cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới.
Cầu được thiết kế gồm 6 làn đường, cho phép các phương tiện vận tải chạy với tốc độ tối đa 100km/h. Tổng chi phí đầu tư xây dựng cây cầu này vào khoảng 11,8 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,7 tỉ đô la). Nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách chính phủ, nhưng 1/3 tổng số vốn đầu được huy động từ các công ty tư nhân.
Với chiều dài 36km, bắt đầu từ Ninh Ba tới Thượng Hải, bắc qua vịnh Hàng Châu, đây có thể coi là cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới.
2. Cầu liên lục địa đầu tiên nối liền Âu – Á
Cầu Bosporus được xây dựng nhằm nối liền châu Âu và Thủ đô lstanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng là chiếc cầu liên lục địa đầu tiên trên thế giới. Năm 1973, cầu Bosporus khai trương đã tạo điều kiện thuận lợi giao thông giữa hai khu vực Âu - Á.
Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày có hơn 200.000 lượt ô tô đi qua chiếc cầu dài 1.130 m này. Đây còn là công trình kiến trúc, văn hoá có giá trị của lstanbul. Hàng năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi đến đây tham quan chiếc cầu này.
Cầu Bosporus được xây dựng nhằm nối liền châu Âu và Thủ đô lstanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Cây cầu treo đắt giá nhất thế giới
Với kinh phí xây dựng 4,3 tỉ USD, cầu Akashi Kaikyo trở thành cây cầu treo đắt giá nhất thế giới. Nó được hoàn thành vào tháng 4/1998.Cầu có hai tháp, mỗi tháp cao 320 m, cũng giữ luôn kỷ lục cao nhất thế giới. Cầu Akashi Kaikyo là công trình kiến trúc hiện đại, có độ bền rất cao. Trong kết cấu của cầu có khoảng 300.000 km cáp điện có giá trị nhằm chống lại những cơn gió mạnh và động đất lên đến 8,5 độ richter.
Cầu Akashi Kaikyo của Nhật bản.
4. Cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới
Leonard P. Zakim tại bang Massachusettes, Mỹ là cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới và là một phần của tuyến đường cao tốc lớn nhất Mỹ - Boston's Big Dig.
Nó được thiết kế với chiều rộng hơn 60 m, nhằm giúp luồng giao thông được vận hành tối đa khi vào thành phố và hạn chế tối đa việc ách tắc. Để cây cầu có được chiều rộng này, các kiến trúc sư đã sử dụng thiết kế treo hai làn đường bên ngoài hệ thống dây cáp, cùng với 8 làn đường do trụ đỡ.
Cầu Leonard P. Zakim tại bang Massachusettes, Mỹ.
5. Cây cầu nằm trên cao nhất
Nằm cheo leo ở độ cao 1.200 m phía trên một cao nguyên đá, cây cầu Skywalk Grand Canyon tại bang Nevada của Mỹ được làm toàn bằng kính có thể khiến du khách phải nín thở khi đi dạo trên đó.Nhưng khi nghe những thông số của cây cầu thì người ta có thể yên tâm về độ an toàn. Nó có thể nâng đỡ sức nặng của 71 chiếc Boeing 747 đã chở đầy khách, và cũng vững vàng trước tác động của một trận động đất 8 độ richter trong bán kính 75 km.
Cây cầu Skywalk Grand Canyon tại bang Nevada của Mỹ.
6. Cây cầu “nặng ký” nhất thế giới
Năm 1879, cây cầu bắc qua sông Tây bị sập khiến cho giao thông của Scotland hết sức tồi tệ. Trước tình thế đó, chính phủ nước này quyết tâm xây dựng một cây cầu hiện đại để khôi phục lại tuyến giao thông. Sau một thời gian xây dựng, năm 1890 cầu Forth tại Queensferrv, Scotland hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Cầu có kết cấu rất bền với 54.000 tấn thép, 21.000 tấn bê tông. Nhờ thế mà ngay trong ngày khai trương có những cơn gió mạnh nhất nhưng không làm nó bị ảnh hưởng. Ngày nay, có rất nhiều du khách đến Queensferry để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Forth.
Cầu Forth tại Queensferrv, Scotland.
7. Cây cầu dài nhất châu Âu
Oresund Link Zealand là cây cầu kết hợp đường bộ và đường ray dài nhất châu Âu, nối Đan Mạch với Thuỵ Điển. Cầu có tổng chiều dài 16 km và có các nhịp chính dài nhất thế giới.Hiện 67% mật độ giao thông giữa hai nước được thực hiện qua eo biển này và xu thế vẫn còn gia tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Cầu Oresund Link Zealand.
8. Cây cầu cổ có kiến trúc “lạ” nhất thế giới
Mặc dù không nổi tiếng bằng tháp Eiffel nhưng cầu Garabit Viaduct là niềm tự hào của kiến trúc nước Pháp. Cầu cao 140 m so với mặt nước của sông Truyere và đây cũng là cây cầu cao nhất thế giới vào thời điểm năm 1884.
Cầu Garabit dài 650 m, được xem là công trình kiến trúc có giá trị bậc nhất vào thế kỷ 19 của Pháp và cả châu Âu. Ngày nay, nhiều du khách cũng tới đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự nguy nga của nó.
Cầu Garabit Viaduct là niềm tự hào của kiến trúc nước Pháp.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)